Bánh chưng đen đặc biệt từ màu sắc, kiểu dáng và hương vị. Bánh được gói thành hình vuông như bánh chưng thường hoặc hình trụ, có màu đen, ăn rất mềm, có vị thanh mát, không nóng cổ, nóng bụng.

Để làm được những chiếc bánh đặc biệt đó, bà con phải chuẩn bị nguyên liệu từ nhiều tháng trước. Từ tháng 10, khi hết vụ gặt, bà con phải lựa gạo nếp ngon, hạt tròn, trắng; lựa những thân rơm nếp to, đều, đem rửa sạch, phơi khô, cất kĩ. Gần đến ngày tết, bà con mang rơm ra đốt thành tro, vò kĩ, lọc để lấy phần bột tro mịn. Sau dùng bột tro trộn với gạo nếp đã được ngâm kĩ, làm cho hạt gạo ngấm đều màu xám đen, khi đó gạo đã đạt.

 

Những hạt gạo nếp tròn đều để làm bánh chưng. 

Nhân bánh gồm đậu xanh, thịt, mỡ, hạt tiêu và một loại gia vị đặc biệt của núi rừng là quả thảo quả khô. Chính thảo quả làm cho nhân bánh mang hương vị khác lạ.

Người Tày thường quây quần cả gia đình cùng làm bánh, cùng đun bánh. Bên bếp lửa hồng, mấy thế hệ ôn lại chuyện xưa cùng dăm ba chén trà, vài miếng trầu, hoặc chút rượu thơm nồng.

Khi bánh chín, hạt gạo chuyển thành màu xám đen, hạt gạo quện vào nhân bánh, thơm ngon. Bánh ăn không bị nóng cổ, nóng bụng vì tro bếp đã khử độ nóng của gạo nếp. Vị ngọt, béo của thịt lợn vùng cao, vị ngậy bùi của đỗ xánh, vị thơm của thảo quả và vị thanh lạ của gạo được trộn tro tạo thành hương vị khó quên.

Người Tày làm bánh chưng để thể hiện lòng biết ơn của con cháu với tổ tiên, ông bà và cảm tạ đất trời. Món bánh mộc mạc nhưng chứa trong đó bao tinh túy của đất trời Tây Bắc và tình người ấm áp.

 

Gạo sau khi được trộn với tro

Bánh chưng đen được gói thành hình trụ, khi cắt khoanh sẽ có hình tròn

 

Bánh chưng đen được gói thành hình vuông

 

Đĩa bánh thơm ngon, đặc biệt