Độc đáo kiến trúc nhà trình tường

Trải qua bao đời sinh sống bên sườn núi, những ngôi nhà trình tường của người Mông ở Hà Giang vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ xưa, ẩn chứa bên trong những phong tục, tập quán, những nét đẹp văn hóa xa xưa không bị thời gian bào mòn, hấp dẫn du khách đến tìm hiểu.

0
Với môi trường sống trên các triền núi cao, khí hậu lạnh thì ngôi nhà trình của người Mông có ưu điểm mát mẻ về mùa hè, giữ ấm về mùa đông. Trải qua hàng thế kỷ, người Mông vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang vẫn không ngừng sáng tạo để cải tiến ngôi nhà truyền thống của mình cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, cũng như trong sinh hoạt, lao động sản xuất mà vẫn không quên gìn giữ những nét đặc trưng truyền thống của dân tộc.

Một trong những ngôi nhà tiêu biểu cho kiến trúc trình tường phải kể đến ngôi nhà đã góp phần làm cho bộ phim nhựa “Chuyện của Pao” đoạt giải cánh diều vàng năm 2006. “Nhà của Pao” nổi tiếng bởi vẻ đẹp cổ kính, những nét kiến trúc đặc sắc vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn. Ngôi nhà cổ đã trải qua 4 thế hệ nhưng vẫn đứng sừng sững hiên ngang giữa đất trời biên cương bao la. Mỗi lần du khách có dịp tới đây đều có mong muốn được nán chân lại để được tận hưởng không gian thoáng đãng của ngôi nhà.

‘ Nhà trình tường của người Mông. (Ảnh: NLĐ)

Chị Nguyễn Thị Liên - Du khách Tuyên Quang chia sẻ: “Khi bước vào cửa của ngôi nhà này, tôi có cảm giác rất thoải mái và không gian cũng khá rộng, rất mát mẻ. Đặc biệt, giữa sân nhà còn có một khoảng sân lát đá để cho lũ trẻ chơi đùa tạo nên một không khí rất ấm áp, bình yên”.

Nhà trình tường theo cách giải thích của người dân ở đây có nghĩa là nhà có tường làm bằng đất được nện chặt như cách giã bánh dày. Ngôi nhà trình tường gắn bó với đồng bào Mông nơi đây bởi nguyên vật liệu xây dựng sẵn có, công thợ do cộng đồng, làng xóm hỗ trợ, không phải tốn kém. Sự góp công, góp sức của người dân để cùng hoàn thành một ngôi nhà thể hiện tính cộng đồng rất cao của những bản dân tộc có nhà trình tường.

Anh Và Minh Tính - Xã Lũng Cẩm - Huyện Đồng Văn - Hà Giang cho biết: “Nhà trình tường chỉ bảo vệ bằng kỹ thuật kết dính đằng sau, nó vẫn đảm bảo được nguyên vẹn qua 2-3 đời. Mình chỉnh giếng nước ở đằng sau, nước không chảy lên tường thì sẽ giữ được chân tường không ngấm nước để nhà bền nhiều năm hơn”.

Trong kiến trúc ngôi nhà của người Mông tương đối thống nhất theo một khuôn mẫu, dù to hay nhỏ đều phải có 3 gian 2 cửa. Cửa chính ra vào nhà của người Mông cũng phải chọn gỗ tốt để làm.

Một nét độc đáo nữa trong cấu trúc nhà truyền thống của người Mông là tất cả các ngôi nhà thường được xếp đá xung quanh vô cùng chắc chắn. Tường rào không chỉ góp phần tạo ra tổng thể của ngôi nhà mà còn có tác dụng bảo vệ của cải trong trong nhà và không để gia cầm bay ra ngoài phá hoại hoa màu. Nhà trình tường là gia tài lớn nhất mà cha mẹ để lại cho con cháu, là nơi giữ lửa cho nhiều thế hệ nên các thành viên trong gia đình luôn cố gắng gìn giữ và bảo vệ nếp nhà ấy.

Ông Mua Vả Sấu - Xã Lũng Cẩm - Huyện Đồng Văn - Hà Giang nói: “Ở trên này, dân tộc Mông phải xây nhà bằng đá để đảm bảo được lâu năm. Trình đất mấy năm đã hỏng hết rồi, xây đá mới được lâu dài. Không cần dùng xi măng, bột cám mà chỉ là xếp các viên đá lên nhau”.

Trải qua bao đời sinh sống bên sườn núi, những ngôi nhà trình tường của người Mông ở Hà Giang vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ xưa, ẩn chứa bên trong những phong tục, tập quán, những nét đẹp văn hóa xa xưa không bị thời gian bào mòn, hấp dẫn du khách đến tìm hiểu. Người dân nơi đây cũng luôn có ý thức gìn giữ nét văn hóa của dân tộc mình ngay từ không gian sinh hoạt đời thường.

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về nhà trình tường qua video sau đây:

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]