Độc đáo lễ hội Lồng Tông ở Bản Hồ Sapa

Độc đáo lễ hội Lồng Tông ở Bản Hồ Sapa. Đến du lịch Sapa và khám phá những nét độc đáo của các lễ hội truyền thống luôn có một sức hút đặc biệt cho mỗi du khách. Với những nghi lễ và ý nghĩa riêng, lễ hội Lồng Tông của đồng bào dân tộc Tày, Dao tại Bản Hồ chắc chắn sẽ giúp bạn có được những trải nghiệm thú vị trong chuyến du lịch Sapa.

15.6112

>>

>>

Lễ hội Lồng Tông được biết đến là lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào người dân tộc Tày, Dao tại Bản Hồ (Lào Cai). Theo những người dân nơi đây, "lồng" có nghĩa là xuống, "tông" có nghĩa là đồng; lễ hội Lồng Tông còn được gọi là lễ hội Xuống Đồng với những ý nghĩa vô cùng độc đáo.

Chẳng cần ai nhắc ai, cứ đến hẹn mùng 8 Tết Âm lịch, trên khắp bản làng từ trẻ con đến người lớn lại váy áo sặc sỡ nô nức đi xem hội. Nhìn từ trên cao xuống các nhánh đường, hình ảnh dòng người đi dự hội như một dải lụa nhiều màu sắc tô điểm thêm cho vùng đất vốn yên ả này.

Nghi thức lễ trong lễ hội Lồng Tông.

Theo kinh nghiệm du lịch Sapa, lễ hội Lồng Tông được chia ra làm hai phần nhỏ là phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, đồng bào dân tộc nơi đây thực hiện nghi thức rước đất, rước nước với một đoàn người khởi hành từ rất sớm bao gồm thầy cúng, đội khèn trống và hai đôi nam nữ độc thân.

Trong đoàn rước này, thầy cúng là người đi đầu và có nhiệm vụ như một sứ giả nhằm giao tiếp với thần linh. Trên tay thầy cúng khi làm lễ là một cây nêu khá dài tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của vạn vật. Sau thầy cúng là kiệu rước nước được đựng trong hai ống bương to một ống bố và một ống mẹ do đôi nam nữ khiêng, kế tiếp kiệu rước đất tức đất thiêng được lấy từ trên núi cao do đôi còn lại khiêng. Trong đó, cả kiệu rước nước và rước đất đều được trang trí rất sặc sỡ và nhiều màu sắc với ý nghĩa tượng trưng cho âm dương ngũ hành.

Đi cùng với thầy cúng, đội khèn trống và hai đôi nam nữ độc thân là các mâm lễ dâng lên các vị thần linh. Lễ vật gồm một mâm quả còn, mâm xôi 7 màu, bánh dày ngũ sắc và thủ lợn, gà luộc, hoa quả. Đội khèn trống đi hai bên thầy cúng nổi chiêng trống để thầy cúng giao linh với thần linh.

Khi đoàn rước về đến địa điểm làm lễ, thầy cúng ra hiệu cho đội nhạc lễ tấu lên ba hồi kèn trống vang vọng cả núi rừng, trời đất. Ngay sau đó, thầy cúng sẽ thực hiện các nghi lễ cầu khấn và làm phép để xua đuổi ma quỉ rồi thầy tung lộc của thần linh cho dân bản, giúp cho người dân được an lành và làm ăn yên ấm.

Sau những nghi thức trong phần lễ kết thúc thì sẽ là phần hội. Phần hội được bắt đầu bằng các trò chơi dân gian, các điệu múa và tiết mục văn nghệ đặc sắc của người Tày, người Dao. Tại đây, bạn sẽ được chứng kiến màn múa xoè của các thiếu nữ Tày, khi tiếng kèn trống vang lên các cô gái Tày mở đầu màn xoè với những động tác xoè duyên dáng, điệu nghệ mời mọi người tham gia, vòng xoè cứ rộng mãi đi đều trong tiếng kèn, tiếng trống dập dìu. Hòa trong điệu múa xòe ấy, bạn có thể nghe được những tiếng hát Then của những người phụ nữ dân tộc đầy thắm nồng và lưu luyến.

Cẩm nang du lịch Sapa | Trò chơi ném còn độc đáo trong lễ hội.

Sau màn múa xòe và những điệu hát Then cũng là lúc các trò chơi dân gian được tưng bừng tổ chức. Trong số những trò chơi ấy không thể không kể đến trò ném còn vô cùng đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày, Dao nơi đây. Ở giữa sân chơi là một cây tre dài chừng 10m được buộc một vòng tròn vừa phải, từng đôi trai thanh nữ tú mỗi người một bên sẽ ném quả còn sao qua xuyên được qua vòng tròn ấy. Những người dân nơi đây tin rằng, nếu có đôi nam nữ nào ném xuyên qua được vòng tròn thì năm ấy họ sẽ được may mắn và hạnh phúc. Ngoài trò ném còn còn có các trò chơi khác như đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co... thu hút đông đảo du khách.

Mùa du lịch lễ hội đang đến gần, bạn còn chần chừ gì nữa mà không lên kế hoạch cho mình một chuyến du lịch Sapa ngay bây giờ? Chắc chắn những nét độc đáo của lễ hội Lồng Tông tại Bản Hồ sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị và không bao giờ quên!

Tổng hợp

Video hot nhất trong tuần

Chuyên đề Liên Quan:

Du lịch Sapa
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]