Độc đáo lễ tạ ơn cha mẹ của người J’Rai

Dân trí Để tạ ơn công sinh dưỡng của cha mẹ, những cặp vợ chồng người J’Rai sẽ cố gắng nuôi thật nhiều heo, gà để giết thịt trong buổi tổ chức tạ ơn cha mẹ. Và sẽ rất xấu hổ nếu bản thân người con không có điều kiện để tổ chức lễ tạ ơn cha mẹ.

0

Với người J’Rai ở đại ngàn Tây Nguyên, việc báo hiếu cha mẹ rất quan trọng, nó không chỉ thể hiện qua cách cư xử với cha mẹ hàng ngày, mà những hành động báo hiếu còn được thể hiện bằng một nghi lễ lớn và trang trọng, đó là lễ “Tạ ơn cha mẹ”. Những người con sau khi lập gia đình, việc họ phấn đấu đầu tiên không phải xây được căn nhà cao to hay những chiếc xe đắt tiền… mà chính là chuẩn bị tài sản để làm lễ Tạ ơn cha mẹ mình trước dân làng và người thân quen. Và người con sẽ rất xấu hổ với dân làng, người thân khi không tổ chức được lễ Tạ ơn cha mẹ.

Vợ chồng chị É (SN 1984, làng Ốp, phường Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai) tự hào kể, vợ chồng chị lấy nhau gần 15 năm nay. Khi ra ở riêng, vợ chồng chị được cha mẹ cho vài sào đất để làm nhà và làm ruộng, cuộc sống ban đầu của hai vợ chồng rất khó khăn. Và sau nhiều năm làm lụng, vợ chồng chị đã dựng được căn nhà bằng tôn, vườn rẫy đã có cà phê, bời lời. Kinh tế được coi làm tạm ổn định, điều đầu tiên vợ chồng chị nghĩ tới đó là làm lễ Tạ ơn cha mẹ, chứ chưa phải là làm nhà xây, mua xe… Và người được Tạ ơn đầu tiên đó là cha mẹ chị É, chứ chưa phải cha mẹ chồng chị.

 

Người dân đến chung vui trong ngày lễ tạ ơn bà H'Nhí

Để chuẩn bị cho lễ Tạ ơn cha mẹ chị É, vợ chồng chị É nuôi 7 con heo và trồng một vườn bời lời. Sau gần 1 năm chăm sóc, 7 con heo đã lớn béo, vườn bời lời bán được 9 triệu đồng, cùng hàng chục ghè rượu cần thơm ngon ủ trước đó. Vợ chồng chị É quyết định tổ chức lễ Tạ ơn cha mẹ chị É.

Tất cả người dân sống trong làng Ốp, và làng Ngó (làng chị É) đều được gia đình chị mời tới chung vui và chứng kiến lễ Tạ ơn: “Ngoài 7 con heo mình nuôi, mình phải mua thêm 1 con heo 1 tạ và mua các đồ ăn khác để tổ chức lễ Tạ ơn cho cha mẹ mình nữa. Tất cả mọi người đều đến chung vui, ăn uống cả 2 ngày mới xong. Cha mẹ mình rất tự hào và vui khi được tổ chức”, chị É tự hào kể.

 

Bà H'Nhí (bên trái) và con gái vui mừng nhận gạo chúc mừng của dân làng

Sau khi tổ chức Tạ ơn cho cha mẹ chị É, vợ chồng chị É đang lên kế hoạch để tổ chức lễ Tạ ơn cho cha mẹ anh Men- chồng chị É: “Cha mẹ minh sinh ra mình, nuôi mình lớn, cho mình đất đai làm nhà, làm rẫy. Mình không biết cảm ơn cha mẹ như thế nào, chỉ biết tổ chức như vậy để cho cha mẹ mình vui và cũng là phong tục của người J’Rai mình”, chị É cho biết.

Cũng như gia đình chị É, hai ngày nay, vợ chồng chị Nhiên (SN 1984, làng Ốp) đang tổ chức lễ Tạ ơn cho mẹ chị Nhiên. Cha chị Nhiên mất sớm, mình mẹ chị bà là H’Nhí (50 tuổi) vất vả nuôi 3 chị em chị khôn lớn. Sau khi chị Nhiên lấy chồng, mẹ chị đã chia cho vợ chồng chị 1 sào đất để làm nhà cùng vài sào ruộng để trồng lúa. Vừa qua, sau khi nuôi được 5 con heo lớn, vợ chồng chị Nhiên đã bán 1 con bò 16 triệu để tổ chức lễ Tạ ơn cho bà H’Nhí.

 

Sau khi đưa gạo chúc mừng, khách sẽ được nhận 1 túi quà mang về

Bà H’Nhí vui mừng chia sẽ: “Con mình làm ăn được, mình rất vui. Đây là phong tục của người J’Rai mình, khi con mình tổ chức lễ Tạ ơn cho mình là chứng tỏ nó đã biết làm ăn, nó đã có của cải, và nó đã trưởng thành thật sự. Nên mình rất vui và tự hào”.

Theo phong tục, mỗi người khách tới tham dự buổi lễ, phụ nữ sẽ mang theo ít nhất là 1 lon gạo để đưa cho nữ gia đình, với ý nghĩa chia sẽ niềm vui và đóng ghóp cho gia đình gia chủ; còn đàn ông sẽ mang theo một ít rượu để tới chúc mừng nam chủ nhân, cùng uống chung vui. Và mỗi vị khách sẽ được gia chủ tặng lại 1 miếng thịt heo, một gói cháo, cùng đồi ăn khác.

 

Anh Lôi (bên trái) và bố mình vui mừng trong ngày Tạ ơn mẹ vợ

Ông BLôi, bố chồng chị Nhiên cho biết: “Người J’Rai mình theo mẫu hệ nên ưu tiên cho vợ tổ chức Tạ ơn cha mẹ vợ trước, khi nào có điều kiện tiếp theo sẽ làm lễ Tạ ơn cho cha mẹ chồng. Con trai mình chưa làm lễ Tạ ơn cho mình”.

Theo già làng Sir (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai), mỗi người con sinh ra và lớn lên đều được cha mẹ nuôi dưỡng, chia tài sản công bằng cho cả trai và gái. Khi con cái tổ chức lễ Tạ ơn cha mẹ, chứng tỏ là chúng nó đã trưởng thành, đã có tài sản. Nên cha mẹ sẽ thấy buồn khi con mình chưa tổ chức được lễ Tạ ơn vì con mình nó vẫn còn nghèo, chưa biết làm ăn. Và đứa con đó sẽ rất xấu hổ với mọi người vì làm con mà chưa Tạ lễ được cha mẹ: “Bất kì đứa con nào cũng sẽ làm lễ Tạ ơn cho cha mẹ, tùy điều kiện kinh tế. Có gia đình làm ăn được, còn giết nhiều heo, nhiều bò để làm lễ Tạ ơn. Ngày nay phát triển, có gia đình còn tổ chức tại nhà hàng để Tạ ơn cho cha mẹ”, gài Sir cho biết.

Thiên Thư

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]