Độc đáo mâm cỗ ngày Tết ba miền

(Kiến Thức) - Ngày Tết, nhà nào cũng chuẩn bị một mâm cỗ thật đẩy đủ dâng lên bàn thờ gia tiên. Hãy xem mâm cỗ 3 miền có gì khác nhau.

15.6061
Tục ăn Tết, bày mâm cỗ Tết dâng cúng tổ tiên từ lâu đã là một phong tục đáng quý đặc trưng của người Việt. Đó là cách con cháu thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên của mình. Điều kiện địa lý, vùng miền đã mang đến nhiều điểm khác biệt rõ rệt trong mâm cỗ ngày Tết nhưng nét đặc trưng cơ bản mà miền nào cũng phải có trong mâm cỗ là cơm và xôi, đặc biệt là bánh chưng, bánh tét ăn kèm với các loại dưa muối đặc trưng của từng miền. 
Miền Bắc. Mâm cỗ Tết cổ truyền ở miền Bắc theo lệ là bốn bát, bốn đĩa, cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa. Bốn bát, bốn dĩa gồm: bát giò heo hầm măng, bát bóng thả, bát miến, bát mọc.  
Bốn đĩa gồm: đĩa thịt gà, đĩa thịt lợn, đĩa giò lụa, đĩa chả quế. Rồi có thể thêm thịt đông, dưa hành, nộm thập cẩm. Món tráng miệng đặc trưng miền Bắc thì có các loại mứt, ô mai hoặc món chè kho thơm mùi gừng, đỗ. 
Miền Nam. So với miền Bắc, mâm cỗ miền Nam có nhiều đồ nguội hơn do tính chất thời tiết nơi đây nắng nóng. Mâm cỗ miền Nam thay bánh chưng bằng bánh tét, dưa hành thay bằng củ kiệu. Bát canh nấu măng khô sẽ được thay bằng măng tươi, canh mọc được thay bằng bát canh khổ qua nhồi thịt.  
 Các món nguội như gỏi ngó sen, tai heo ngâm dấm, tôm khô-củ kiệu, giò heo nhồi, lạp xưởng tươi,phá lấu,nem, chả luôn phải có. Món tráng miệng của miền Nam cũng rất đặc sắc với các loại mứt trái cây như: mứt dừa, mứt me, mứt khoai, mứt ổi, mứt mãng cầu, …
Mâm cỗ miền Trung. Với người dân miền Trung khi Tết về trên mâm cỗ Tết không thể thiếu bánh tét, nem chua, thịt giấm, riêng người Huế thì mâm cỗ phải có đĩa giò lụa, đĩa thịt đông, đĩa gà bóp rau răm, đĩa chả Huế, đĩa thịt lợn luộc. Hoặc người dân nơi đây sẽ dâng lên bàn thờ tổ tiên đặc sản riêng của mỗi vùng. 
 Ở nhiều nơi miền Trung, người dân còn làm cả các món cuốn diếp gỏi ngó sen, gỏi bao tử, bánh răng bừa hay các món đặc biệt xà lách gân bò, chả tôm, nem lụi… để đặt lên gian thờ.
Cho dù có sự khác nhau giữa cách bày biện mâm cỗ ngày Tết, song chúng đều mang ý nghĩa rất lớn nhớ về cội nguồn , tổ tiên. Mong muốn cả gia đình được quây quần đông đủ thưởng thức những món ngon của ngày Tết truyền thống, cầu mong một năm mới phát tài - an khang - thịnh vượng .  
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]