Độc đáo món canh chua “bubu chacha” của người Mường xứ Thanh

(ĐSPL) - Canh chua “bubu chacha” hay canh nòng nọc là một trong những món ăn độc đáo có từ ngàn năm của người dân xứ Mường, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).

31.2013

Canh chua “bubu chacha” – nét văn hóa ẩm thực độc đáo nơi xứ Mường

Thạch Thành là một trong những huyện nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây được biết đến bởi những nét văn hóa đặc sắc của người dân xứ Mường và những món ăn nổi tiếng lạ kỳ như: ốc đá, canh lóng, rơi rừng, sâu măng chiên, nhái rừng...Và một trong những món ăn đặc biệt không thể không nhắc đến, đó là món canh "bubu" hay còn gọi là canh “bâu bâu”.    

Canh “bubu” là cách gọi lóng theo tiếng bản địa của người dân địa phương đặt tên cho món ăn này, thực chất đây chính là canh nòng nọc, hay canh bâu bâu. Tuy nhiên, điều đặc biệt khiến món ăn này trở thành một trong những đặc sản nức tiếng là bởi sự khéo léo, tinh xảo từ khâu săn bắt cho đến khâu chế biến độc đáo mà người dân xứ Mường nơi đây để lại.

Theo lời kể của các vị cao niên trong làng, canh “bubu” là món ăn có từ rất lâu, xuất hiện từ thời thượng cổ. Trải qua hằng trăm năm lịch sử, những người con nơi đây dù đi đâu cũng đều không quên được hương vị của món canh “bubu” mẹ nấu. Cụ Bùi Văn Chính cho biết: “Canh “bubu” đã gắn liền với người dân nơi đây từ rất lâu, cũng không biết có tự bao giờ. Kể từ khi lớn lên, tôi đã được thưởng thức món ăn này. Đến nay, trải qua bao nhiêu năm người dân nơi đây vẫn ngày ngày vô rừng tìm bắt bubu về ăn, thậm chí đây còn là đặc sản thường dùng để thiết đãi khách quý đến chơi nhà”.

Phóng to

Bubu thường sinh sống tại các khe suối dọc bìa rừng Cúc Phương

Để tận mắt chứng kiến và thưởng thức món ăn độc đáo này, trong chuyến công tác ngược miền Tây xứ Thanh, tôi xin theo chân chị Quách Thị Mai, người dân hay đi bắt bubu vượt rừng vào các khe suối để xem và bắt con bubu.

Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ lúc 7h sáng. Muốn bắt được nhiều bubu, phải đi từ rất sớm, bởi nó thường xuất hiện nhiều vào đầu giờ sáng và cuối chiều. Sau nhiều giờ đi bộ vất vả quanh bìa rừng Cúc Phương, cuối cùng chúng tôi cũng có mặt tại một khe suối Mường thuộc xã Thành Yên, huyện Thạch Thành. Đây chính là địa điểm xuất hiện nhiều bubu mà người dân xứ Mường nơi đây thường đến để bắt.

Dụng cụ dùng để bắt bubu rất đơn giản, chỉ cần một chiếc dậm, một chiếc giỏ tre và lá khoai làm mồi nhử. Sau khi chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, người bắt chỉ cần thả nhẹ từng chiếc lá khoai để làm mồi nhử vào một chiếc dậm rồi đặt bên các khe suối. Sau đó, đợi khoảng 20 – 30 phút để lá khoai phát huy tác dụng. Khi thấy hàng loạt bubu từ trong các khe đá theo dòng suối kéo nhau đến tìm ăn lá khoai, lúc này người bắt chỉ cần nâng nhẹ chiếc dậm hứng ngược dòng suối là có thể bắt được.

Phóng to

Chị Quách Thị Mai đang dùng chiếc dậm quen thuộc để bắt bubu bên bờ suối.

“Bubu xuất hiện nhiều vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều vì thời điểm này nước suối mát nhất. Lúc này, bubu thường dọc theo các khe đá ở các con suối kéo ra kiếm ăn. Bubu hay nòng nọc ở đây có hương vị rất đặc biệt và lạ, bởi đây không phải là nòng nọc thường mà chính là nòng nọc con do ếch đá sống trong rừng đẻ ra. Khi sắp trưởng thành những chú bubu sẽ đi kiếm ăn rất nhiều. Thường thì mùa bubu rơi vào các tháng giữa năm, từ tháng 6 đến tháng 11 Âm lịch. Đây là thời điểm mùa mưa, ếch nhái sinh sản nên nhiều bubu nhất”, chị Mai cho biết.

Thưởng thức món đặc sản canh chua “bubu” nấu  măng rừng

Khi hoàng hôn dần dần xuống sau đỉnh núi, chúng tôi trở về với những chiếc giỏ đầy ắp bubu. Dù đã thấm mệt sau nhiều giờ vượt rừng lội suối nhưng tôi vẫn háo hức khi nghĩ đến hương vị chua chua bùi bùi của bát canh bubu nấu với măng rừng và thêm ít rượu men lá trong cái tiết trời se lạnh.

Phóng to

Chế biến bubu cầu kì, mất rất nhiều thời gian nhưng với đôi bàn tay khéo léo của các thôn nữ xứ Mường, mọi công việc đều trở nên nhanh chóng

Bubu sau khi được bắt về phải mất rất nhiều thời gian để chế biến, dưới bàn tay khéo léo của các cô thôn nữ xứ Mường, chưa đầy 30 phút, 2kg bubu đã được hoàn thiện. Chị Mai chia sẻ: “Để chế biến được bubu rất cầu kì. Nếu không biết cách thì không thể nào mà làm sạch được nhớt ở trên người nó. Muốn làm sạch và nhanh phải vắt một ít khế chua hoặc chanh, sau đó để khoảng 10 phút rồi rửa sạch là được. Bubu có thể chế biến thành nhiều món khác nhau tùy theo khẩu vị của người ăn như: bubu nấu canh chua với măng rừng, bubu chiên, bubu xào... Tuy nhiên bubu được chế biến thành canh cùng với măng được hái trong rừng là ngon nhất, bởi nó rất hợp với vị chua, thơm của măng rừng”.

Phóng to

Bát canh chua bubu nấu với măng rừng sau khi được hoàn thiện

Tất cả nguyên liệu đều phải được chế biến ở dạng tươi mới tạo được vị ngon cho món canh chua "bubu chacha". Gia vị dùng để chế biến món này rất đơn giản gồm: mẻ, hành, mùi tàu và đặc biệt là măng rừng tươi.

Phóng to

BuBu được bán với giá từ 40.000 – 50.000 đồng/kg

Được biết, bubu bắt từ các khe suối về được bán với giá từ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Nhiều người dân nơi đây mỗi khi nông nhàn vẫn thường hay vào rừng tìm bắt bubu về bán để kiếm thêm thu nhập, mỗi ngày ít nhất cũng kiếm thêm được từ 100.000 – 200.000 đồng. 

THẢO NHI
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]