Độc đáo Nhẫm Dương tự (3): Vén màn bí ẩn

GiadinhNet - Và họ càng sửng sốt hơn khi biết, tất cả các loại xương hóa thạch nhà chùa tìm được trong động Thánh Hóa đã từng tồn tại trong động cách nay ít nhất 30.000 đến 50.000 năm.

15.6326
> /
  
Răng và hàm hóa thạch của loài voi được tìm thấy trong động.

10 năm trước, sư thầy Thích Đàm Mơ cùng hàng trăm tín đồ Phật tử vô cùng ngạc nhiên khi thấy vị PGS.TS khảo cổ học Nguyễn Lân Cường cầm một vài chiếc răng hóa thạch lên, reo vui như một đứa trẻ, miệng không ngớt kêu "Pongo, Pongo" (tên khoa học của loài đười ươi sống cách nay hàng vạn năm). Và họ càng sửng sốt hơn khi biết, tất cả các loại xương hóa thạch nhà chùa tìm được trong động Thánh Hóa đã từng tồn tại trong động cách nay ít nhất 30.000 đến 50.000 năm.
 
Đưa mảnh xương nhận sọ lành

Vừa lần dở từng gói xương, răng... hóa thạch được gói gém cẩn thận, lấy ra từ một kho chứa bí mật trong khuôn viên chùa, sư thầy Thích Đàm Mơ vừa phân trần: "Không phải nhà chùa không muốn cho nhà báo xem tận mắt kho xương đang lưu giữ mà vì những lý do chưa tiện nói ra nên nhà chùa xin khất hẹn lần sau. Nhà báo chỉ cần biết, nếu tính sơ sơ thì hiện nhà chùa có tất cả là gần 15 thúng và tải chứa xương đã được nhà chùa phân loại sơ sơ. Nhà chùa dự định sau này sẽ cố gắng xây được một gian bảo tàng nho nhỏ trong khuôn viên chùa để trưng bày tất cả các cổ vật khai quật được cho mọi người chiêm ngưỡng".
 
Cũng theo sư thầy Thích Đàm Mơ, sau khi phát lộ nhiều xương trong lòng động Thánh Hóa, sư thầy đã rất sửng sốt và hoang mang. Sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, sư thầy quyết định gọi điện báo cho ông Tăng Bá Hoành, lúc đó là Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương. Nhưng vì bận công việc nên mãi một tuần sau ông Hoành mới cùng PSG.TS Nguyễn Lân Cường - một chuyên gia nổi tiếng về cổ nhân, cổ sinh học của Việt Nam đến chùa.

Nhớ lại chuyện xưa, sư thầy kể: "Lúc xuống, tôi nhờ người mang tất cả những bao tải và thúng xương mà chúng tôi tìm được cho các bác ấy xem. Lúc đổ xương trong tải ra, PGS Cường cứ tỷ mẩn nhặt từng mẩu xương lên nhìn, còn bác Hoành thì cứ liên tục hỏi "Có không giáo sư?". PGS Cường lại trả lời: "Chưa thấy anh à". Tôi chẳng hiểu mô tê gì, không biết bác Hoành và PGS Cường đang tìm cái gì. Tôi đánh bạo hỏi: "Bác tìm cái gì, răng người hả bác?". PGS Cường trả lời: "Không. Răng Pongo. Hình dạng giống như răng người nhưng to hơn và khác ở chỗ là có rất nhiều nếp nhăn trên mặt nhai".
 

Sư thầy Thích Đàm Mơ nâng niu và gìn giữ từng di cốt tìm được.


Tôi bảo: "Ôi, tưởng cái gì chứ răng ấy thì em có ối". Tôi đưa cho PGS Cường hai vốc răng mà ông gọi là Pongo. PGS Cường cầm lấy mấy cái răng giơ lên reo vui: "Pongo. Đúng Pongo rồi". Lúc đầu, tôi chả hiểu Pongo là cái gì mà khiến PGS Cường reo vui như thế, mãi khi ông giải thích thì tôi mới hay, đó là răng của loài đười ươi cổ gần như tuyệt chủng ở Việt Nam. Về sau PGS Cường hỏi tôi: "Ồ, sao nhà chùa biết đây là răng Pongo?". Tôi bảo: "Thì răng Pongo cũng giống răng người là có ba cạnh ở phía chân răng, cứ răng nào có đặc điểm như thế thì tôi cho là răng người, tôi phân loại như thế không biết có đúng không?". Nghe tôi nói, PGS Cường cứ cười khành khạch, ông khoái chí bảo: "Đúng, đúng rồi đấy. Như thế là nhà chùa phân loại đúng rồi đấy".

Rất ít khi có một địa điểm khảo cổ học nào như Nhẫm Dương mà có nhiều hiện vật minh chứng cho một quá trình lịch sử kéo dài suốt hậu kỳ Cánh Tân, qua thời đại đá, kim khí và kéo dài tới cả Trần, Lê, Nguyễn… như vậy.


Mà răng của loài Pongo này có hai loại: một loại to và một loại nhỏ. PGS Cường gọi tên chúng theo thuật ngữ khoa học bằng tiếng Anh, tôi không thể nhớ hết. Còn một gói xương sọ người do không thể lấy được nguyên nên đã bị vỡ vụn tôi cũng mang ra cho các bác ấy xem. PGS Cường sau khi ngắm nghía kỹ càng đã xin tôi mang về nghiên cứu. Hôm sau tôi lên thì PGS Cường đưa cho tôi một cái đầu lâu bảo: "Đây, đây là tác phẩm của Nhẫm Dương đấy". Tôi hỏi: "Bác có nhầm với chùa nào không chứ chùa tôi làm gì khai thác được đầu lâu nguyên vẹn?". PGS Cường cười: "Không, đây là đầu lâu được chắp lại từ những mảnh xương sọ vỡ mà nhà chùa cho tôi mang về viện nghiên cứu đấy". Ông còn cho tôi biết, đây là đầu lâu của một người phụ nữ Việt cổ, 25 tuổi. Tôi thắc mắc bảo: "Sao PGS lại biết đấy là phụ nữ 25 tuổi?". Ông lại cười bảo: "Thế chứ!". Ra về tôi cứ khâm phục PGS Cường mãi, người đâu mà tài đến thế chứ, chắp những mảnh sọ vỡ vụn thành sọ nguyên vẹn mà không sai một tý nào".

Răng Pongo Nhẫm Dương  là loại rất hiếm

Đem chuyện sư thầy Thích Đàm Mơ chia sẻ kể lại cho PGS.TS Nguyễn Lân Cường nghe, ông cười hạnh phúc. Với vị PGS đáng kính này thì đó dường như là hạnh phúc lớn lao mà một người cả đời cống hiến cho khoa học khảo cổ như ông có được. Có lẽ vì thế mà trong "bộ nhớ" của ông, dù ngổn ngang rất nhiều thông tin nhưng ông vẫn dành một góc khá trọn vẹn cho Nhẫm Dương và những di cốt, hiện vật mà ông từng tìm về không dưới ba lần để nghiên cứu và bảo vệ chúng.
 
Cận cảnh những chiếc răng Pongo được tìm thấy ở Nhẫm Dương.
(Ảnh do PGS.TS Nguyễn Lân Cường cung cấp).

PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, ngày 21/6/2000, ông được ông Tăng Bá Hoành mời về để nghiên cứu một số hóa thạch do sư thầy Thích Đàm Mơ tìm thấy trong động Thánh Hóa. Và ông đã rất bàng hoàng khi sư thầy Thích Đàm Mơ đưa cho ông xem một gói to các hóa thạch cổ.

Và đúng như lời sư thầy Thích Đàm Mơ đã chia sẻ, PGS Cường đã hét lên như một đứa trẻ khi  khám phá ra một điều rất kỳ diệu - răng Pongo. Đây là răng hóa thạch của loài đười ươi cổ. Loài đười ươi này có tên khoa học là Pongo pygmaeus, thuộc họ Đười ươi (Pongidea), nằm trong bộ linh trưởng (Primates), là loài khỉ có hình dáng giống người hơn vượn, da đen, lông thưa, có màu đỏ nâu. Thân cao 1m15 - 1m35, nặng từ 70 - 100kg. Con cái nhỏ hơn con đực. Chúng thường sống ở rừng nhiệt đới, gần đầm lầy. Ưa ở đất, đi 4 chân, làm tổ có mái lá ở cành cây cao 9 - 20m để qua đêm. Loài đười ươi này thường sống thành một gia đình nhỏ, một mẹ và vài con. Con sơ sinh nặng từ 1,5 - 2kg, có lông thưa. Con cái chửa đúng 9 tháng thì sinh chỉ một con duy nhất. Tới 5 tuổi, đười ươi tách mẹ ra để sát nhập với đàn thành niên. Hiện nay, đười ươi chỉ còn khoảng 4.000 con sống trên đảo Borneo và Sumatra (Indonesia). Trong các vườn thú trên thế giới tổng cộng chỉ có khoảng 300 con.

Ở Việt Nam, trong thời đại Cánh Tân cũng mới chỉ phát hiện răng hóa thạch hoặc một vài đoạn hàm dưới của đười ươi ở Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng (Lạng Sơn), Hang Hùm (Yên Bái), Mái đá Ngườm (Thái Nguyên), Thung Lang (Ninh Bình), Thẩm Ồm (Nghệ An), Làng Tráng (Thanh Hóa)... và lần này là mấy chục cái răng đã hóa thạch tìm thấy trong động Thánh Hóa. Điều đặc biệt thú vị, đây là địa điểm tìm thấy răng Pongo gần biển nhất so với các địa điểm khác ở Việt Nam. Trước đây, tất cả các hang động tìm thấy di chỉ khảo cổ này đều tập trung chủ yếu ở phía Tây của miền Bắc và thường ở vùng núi cao.

Các hoá thạch tìm thấy ở Nhẫm Dương có liên quan đến tiến trình lịch sử từ vượn người đến người khôn ngoan hay không và vùng đất Kinh Môn ngày nay có phải từng là biển cả cần phải có sự vào cuộc nhiệt tình hơn nữa của Bộ VH,TT&DL, Cục Di sản cùng các nhà khoa học, khảo cổ học... Đặc biệt, việc thám sát những giá trị về cảnh quan thiên nhiên của Nhẫm Dương  cũng như có kế hoạch cho việc khai quật động Thánh Hoá, điều tra thật kỹ lưỡng các di tích khảo cổ học quanh vùng cần phải được tiến hành kịp thời.


Đến tháng 7/2000, PGS.TS Nguyễn Lân Cương đã đưa những chiếc răng hóa thạch của Pongo Nhẫm Dương sang nghiên cứu tại Viện Bảo tàng tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). 2 năm sau, nhân chuyến trao đổi khoa học tại Đức, ông lại mang mẫu vật này tới nghiên cứu với GS.TS R.Protsch ở Viện Nhân học và Di truyền Người tại thành phố Frankfurt. Tháng 3/2004, ông tiếp tục đưa những mẫu vật này tới bộ môn Nhân học thuộc Trường ĐH Y khoa ở Sapporo (Nhật Bản) để cùng cộng tác nghiên cứu. Và đúng như dự đoán ban đầu của ông, tất cả các ý kiến của các nhà khoa học nước ngoài đều trùng với nhận định của ông là những chiếc răng Pongo Nhẫm Dương đều có tuổi đời cách ngày nay khoảng 30.000 đến 50.000 năm. Những đặc điểm của Pongo Nhẫm Dương đang được tiếp tục nghiên cứu. Đặc biệt kích thước khá lớn của những chiếc răng này vẫn đang là một bí ẩn khoa học chờ được nghiên cứu để giải mã cụ thể.

Một hóa thạch khác cũng rất quan trọng là một đoạn hàm dưới của tê giác còn dính trên đó 1 chiếc răng hàm, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương. Đây là chiếc hàm thứ 2 của loài tê giác được phát hiện ở Việt Nam, sau hàm tê giác được phát hiện ở hang Kéo Lèng (Lạng Sơn). Ngoài ra, còn hàng chục hóa thạch khác của voi Ấn Độ, gấu ngựa, khỉ đuôi dài, nhím, trâu, nai, lợn...
 
Những phát hiện này đã được các nhà cổ nhân cổ sinh của Viện Khảo cổ nghiên cứu thận trọng và hết sức tỷ mỉ. Gần 10 trang đánh máy vi tính khổ A4 mô tả khá kỹ từng bộ phận như thân răng, chân răng, cổ răng, kích thước, men răng, độ mòn chỗ gần chỗ xa và cả núm nhai trên mặt răng... Mỗi đoạn xương răng hàm dưới của tê giác dài 21,5cm mà công việc tẩy trầm tích cũ mất gần một tháng. Chuyện răng, xương động vật, đặc biệt là hơn 20 răng Pongo hoá thạch còn được các nhà khoa học của Bảo tàng Tự nhiên Quảng Tây rất quan tâm vì đây là đại diện quan trọng của bộ linh trưởng ở Việt Nam có niên đại khá sớm.

Nhẫm Dương từng là biển cả?!

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường thì vào đầu năm 2001, sư thầy Thích Đàm Mơ lại cho đào sâu vào nền động Thánh Hóa, cách cửa hang khoảng 4m. Khi đào tới độ sâu 3,5m phát hiện được một số mảnh xương sọ người đã chớm hóa thạch. Và chính PGS.TS Nguyễn Lân Cường cùng cử nhân Nguyễn Kim Thủy thuộc Viện Khảo cổ học đã dành nhiều thời gian phục chế và nghiên cứu di cốt bán hóa thạch này. Kết quả cho thấy, đây là di cốt một người phụ nữ Việt, khoảng 25 tuổi, mang những đặc điểm của những người Indonesia cổ. Chia sẻ đến đây, PGS. TS Nguyễn Lân Cường lại lặp đi lặp lại câu nói: "Đây là di cốt chứ không phải đầu lâu như sư thầy nhớ nhầm đâu nhé".
 

PSG.TS Nguyễn Lân Cường (đứng thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng sư thầy Thích Đàm Mơ trước cửa động Thánh Hóa trong lần đầu tiên về chùa (ảnh do PGS.TS Nguyễn Lân Cường cung cấp).


Cùng thời điểm, cách cửa động Thánh Hóa khoảng 50m, khi nhà chùa tiến hành đào đất để đắp nền ngoài cửa chùa và đã phát hiện ở đây những hiện vật khảo cổ như: gốm men nâu thời Trần, bình thời Lê và hàng trăm đồng tiền cổ thời Lê - Nguyễn... Trước đó một năm, sư thầy Thích Đàm Mơ cùng các tín đồ Phật tử trong quá trình tu bổ lại chùa cũng đã tìm được một số mảnh di cốt mà PGS Cường đã nghiên cứu ra chúng thuộc thời đại đồ đá.

"Rất ít khi có một địa điểm khảo cổ học nào như Nhẫm Dương mà có nhiều hiện vật minh chứng cho một quá trình lịch sử kéo dài suốt hậu kỳ Cánh Tân, qua thời đại đá, kim khí và kéo dài tới cả thời Trần, Lê, Nguyễn... như vậy. Tôi mừng thay cho nhân dân Nhẫm Dương vì hữu duyên mà có được những may mắn này. Và tôi càng mừng hơn khi sư thầy và các Phật tử ở đây đã bỏ rất nhiều công sức và tâm huyết tìm ra và gìn giữ đến cùng những di vật quý hiếm này" - PGS.TS Nguyễn Lân Cường hồ hởi nói.

Theo phỏng đoán của PGS. TS Nguyễn Lân Cường, khu vực Nhẫm Dương ngày nay chính là biển ngày xưa nên đời sống hang động của người lẫn thú thời này rất phổ biến. Và nếu xem xét với địa hình của Kinh Môn ngày nay, trên những cánh đồng lúa ngút ngàn thi thoảng vẫn có những quả núi đá, đồi đất nhô lên hệt như cảnh núi non ở Vịnh Hạ Long. Nhiều núi vẫn còn vết mòn của ngấn nước biển ở vị trí cao hơn mặt ruộng và hõm vào tới 50cm. Thế núi mang dáng nhiều con vật tình tứ và gợi cảm. Ngoài ra, ở đây còn có những xã đảo mà muốn vào đây đều phải qua sông nhờ đò, phà, cầu...  
 
(Còn tiếp)
Khánh Toàn

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]