Độc đáo những ngôi nhà nấm của người Hà Nhì

Đến với bản Kin Chu Phìn, bạn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp bước ra từ trong truyện cổ tích của những ngôi nhà trình tường.

15.5836

Nhà trình tường chỉ có một cửa ra vào nhỏ và thấp. Xung quanh có những ô cửa rất nhỏ để thông gió và lấy ánh sáng nên tránh được gió lùa vào mùa đông và rất mát mẻ vào mùa hè. Ảnh:

Kin Chu Phìn là một bản người Hà Nhì (một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam) ở nơi cao và xa nhất của xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Cách trung tâm xã khoảng 13 km, nằm sâu trong thung lũng giữa một vùng núi non trùng điệp cao trên 1.000 m so với mực nước biển, Kin Chu Phìn có khí hậu mát mẻ quanh năm, mùa đông ở đây có băng tuyết phủ rất lạnh giá. Để chống lại khí hậu khắc nghiệt, đồng bào Hà Nhì đã làm những ngôi nhà đất có tường dày và kín, hay còn gọi là nhà tường trình (nhà có tường được đắp bằng đất) hoặc tên khác là nhà nấm (nhìn từ xa trông giống hình cây nấm khổng lồ).

Cách làm nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì rất đặc biệt. Trước khi tiến hành làm nhà, những người đàn ông trong gia đình sẽ xem ngày giờ tốt, chọn miếng đất lành bằng phẳng, rồi mổ gà nấu xôi cúng tế. Theo phong tục, trong suốt quãng thời gian làm nhà, phụ nữ và người lạ không được lại gần.

Móng nhà được xếp từ những viên đá to, đặt ngay trên mặt đất bằng mà không phải đào sâu xuống, sau đó chọn ván khuôn đặt xuống nẹp lại cho chắc như đổ bê tông. Để có bốn bức tường đất bao quanh nhà cứng như thép nguội, đạn bắn không thủng, bà con phải chọn loại đất núi có độ kết dính cao.

Tường được trình bằng đất sét, qua thời gian sẽ cứng như bê tông, chống lại mọi tác động của nắng mưa và bền vững được qua hàng trăm năm. Ảnh: Việt Dũng.

Tường nhà thường đắp dày 40 đến 45cm, trong lõi có xếp đá cục bằng nắm tay. Đất được đổ vào khuôn gỗ ván nẹp chắc, rồi cầm chày gỗ giã cật lực, giã đến khi đất kết dính chắc đét lại với nhau, tháo khuôn ra mà không rơi lả tả thì đạt. Hết tầng lượt thứ nhất, bà con tháo khuôn đặt tiếp lượt tầng thứ 2, mỗi lượt ván khuôn cao cỡ 40 cm, rồi đổ đất giã tiếp cho kết dính thật chặt với lượt tầng vừa làm xong. Cứ như thế, ròng rã hàng tháng trời tường đất của ngôi nhà mới hoàn thành. Thường mỗi ngôi nhà làm cao từ 5 đến 6 lượt tầng ván khuôn là đủ.

Trình xong tường xung quanh, đồng bào lấy gỗ kháo, pơ mu hoặc dổi làm khung nhà bên trong, sau đó lắp ghép các xà và đòn tay gỗ để lợp mái. Nhà trình tường không có hiên và mái dốc ngắn, mái được lợp bằng các lớp cỏ gianh. Mỗi ngôi nhà rộng 65 - 80 m2.

Ngày nay, nhiều gia đình chọn lợp mái tôn thay cho mái tranh vì sự tiện dụng nhưng những ngôi nhà cổ vẫn giữ nguyên được nét đẹp độc đáo vốn có, ẩn chứa bên trong đó là những phong tục tập quán, những nét đẹp văn hóa của bản vùng cao Tây Bắc của Tổ quốc.

Những ngôi nhà nấm làm nên nét quyến rũ rất riêng cho mảnh đất nơi rẻo cao. Ảnh: Nam Chấy.

Lê Thương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]