Độc đáo nuôi ong hốc đá ở Ngàn Chuồng

Chất lượng mật của ong hốc đá không kém gì ong rừng tự nhiên. Một tổ ong hốc đá có thể khai thác được 3 lần/năm, từ 3-6 lít mật ong/lần, giá khoảng 250.000 đồng/lít.

0

 

Anh Lý Vĩnh Dằn, bản Ngàn Chuồng kiểm tra các tổ ong nuôi trong các hốc đá.

Bản Ngàn Chuồng thuộc xã Lục Hồn, nằm giáp các xã Tình Húc, Đồng Tâm đều là các xã có nhiều rừng của huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). Các khu rừng này hàng năm cho ra nhiều hoa, thúc đẩy nghề nuôi ong lấy mật ở Lục Hồn. Địa hình ở Ngàn Chuồng, xen kẽ bên các đồi cây là các hốc đá, nơi ong thường đến làm tổ. Người dân cũng tận dụng luôn cách sống tự nhiên của loài ong mà hình thành nên nghề nuôi ong hốc đá, chất lượng mật không kém ong rừng tự nhiên.

Anh Lý Vĩnh Dằn là một trong những hộ nuôi nhiều ong ở Ngàn Chuồng. Khi chúng tôi đến anh Dằn vừa ở trên rừng về, vai vác theo khúc gỗ duội khô dùng để làm tổ ong. Anh cho biết: Tuy nuôi ong trong hốc đá, nhưng người nuôi ong vẫn phải làm tổ cho ong để thuận lợi cho việc lấy mật theo chu kỳ và chăm sóc đàn ong. Vì khi ong chui vào trong hốc đá rất khó lấy mật, lấy được cũng dễ làm hỏng tổ ong. Cây duội là một loại gỗ có họ với cây vối, nhưng dai chắc, không bị nứt vỡ, nhựa cây không độc, làm tổ ong rất tốt. Bà con dân tộc thiểu số còn dùng loại gỗ này làm cối giã gạo. 

Cái khó nhất của nghề nuôi ong là phải tìm được tổ ong trên rừng để mang về nhà nuôi trong hốc. Vào các thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11 dương lịch là mùa ong sinh sản, người bắt ong ở Lục Hồn thường lần theo những thảm lá mục tìm đến những thân cây khô rỗng, hay các hốc đá nằm ven các khu đồi trong rừng xa nhà để bắt ong về nuôi. Người tinh tường, quan sát trong đàn từ mấy trăm con ong thợ để tìm ra ong chúa bắt về, cầm theo cả bọng là cả đàn ong thợ tự theo về.

Theo những người nuôi ong, 1 tổ ong có thể khai thác được 3 lần/năm, từ 3-6 lít mật ong/lần, giá khoảng 250.000 đồng/lít. Ong tự đi kiếm hoa làm mật, người nuôi ong vẫn có thể làm ruộng, trồng rừng phát triển kinh tế. 

Ông Đặng Văn Bảo, Bí thư Chi bộ bản Ngàn Chuồng, bảo rằng: Bản chỉ hợp với nghề nuôi ong tự nhiên, các loại ong khác không nuôi được. Trước đây, vào năm 2012, để giúp người dân phát triển kinh tế, huyện Bình Liêu đã hỗ trợ cho 112 hộ nghèo ở các xã có truyền thống nuôi ong 1 tổ ong nuôi/hộ, là giống ong được mua từ các địa phương khác mang đến. Bản Ngàn Chuồng cũng có vài hộ được hỗ trợ, nhưng sau một thời gian nuôi, ong bay đi hết hoặc chết đói. Nguyên nhân là do các rừng hoa ở gần bản không còn, ong nuôi không biết bay xa kiếm mật và không biết tự vệ chống lại loài ong rừng dữ sống tự nhiên rất nhiều ở Bình Liêu, loài ong này thường tranh cướp mật hoa với các loài ong khác. Nhiều khu rừng bản địa bị chặt phá để thay thế bằng các khu rừng keo. Không còn rừng tự nhiên thì không còn hoa để ong hút mật.

Trong những năm gần đây, huyện Bình Liêu đã chú trọng phát triển các khu rừng hồi, thông, sở ở nhiều xã; cung cấp một lượng hoa để nuôi sống các đàn ong. Cây hồi, sở, thông khai thác không phải chặt phá, đốt như khai thác gỗ keo, nên bảo tồn được nhiều loại cây tự nhiên, tạo nguồn thức ăn dồi dào cho ong.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]