Đôi điều về răng sữa

Từ khoảng 5 tháng tuổi, những chiếc răng sữa đầu tiên của bé đã có thể xuất hiện

15.5836


Hình trên là thứ tự mọc Răng sữa của em bé. Nhưng trong thực tế, có những bé khi sinh ra đã có sẵn một vài chiếc răng hoặc có bé tới 8 tháng vẫn chưa mọc cái nào. Cả hai hiện tượng này đều rất bình thường, không hề nguy hại tới sức khỏe cũng như tương lai của bé.

1) Trong khoảng tháng thứ 4-5, hai răng cửa trung tâm hàm dưới bắt đầu nhú lên.

2) Trong khoảng 4-6 tháng, hai răng cửa trung tâm hàm trên xuất hiện.

3) Trong khoảng 6-12 tháng, hai răng cửa 2 bên, hàm trên mọc lên.

4) 8-12 tháng, tới lượt hai răng cửa hai bên, hàm dưới.

5) Trong khoảng 12-18 tháng, những chiếc răng hàm đầu tiên bắt đầu công việc nghiền thức ăn.

6) Từ 1 đến 2 tuổi là giai đoạn xuất hiện của 4 chiếc răng nanh.

7) Từ 2 đến 2 tuổi rưỡi, răng hàm số 2 trồi lên khỏi lợi.

Tới tuổi thay răng (bắt đầu vào lớp 1), bé sẽ có đủ 20 chiếc răng sữa.

Làm gì đây khi bé ngứa răng?

Việc mọc răng diễn ra có thể gây cho bé nhiều khó chịu. Cảm giác ngứa, tức vùng lợi khiến bé luôn muốn cắn, nghiến hay nhay nhay cái gì đó.

Thay vì bực mình mỗi khi thấy con cho tay vào miệng để cắn, bạn hãy cho bé đồ gặm nướu để bé “thỏa cơn nghiền”. Đồ gặm nướu cần được làm từ chất liệu an toàn, không độc, được rửa sạch, luộc trong nước sôi từ 1 đến 3 phút và bạn nên mua đồ của các nhãn hàng có tên tuổi như Nuk, Music, Pigeon, Farlin để có thể yên tâm về chất lượng…

Nếu đang cho con bú, trong thời gian mọc răng, bạn khó có thể tránh khỏi những cú nghiến đau điếng của bé.

Để giảm thiểu điều này, bạn chỉ cho bé bú đến khi no, chứ không nên cho bé nhẩn nha nút vú sau khi đã ấm bụng. Nếu con có lỡ cắn mẹ, bạn cần bình tĩnh, không nên giằng vú ra cũng như tránh hét, quát to khiến bé hoảng sợ, càng tuyệt đối không được đánh bé. Hãy dùng ngón cái đè nhẹ lên cằm bé hoặc dùng ngón út chạm vào môi dưới của bé, bé sẽ há miệng để bạn rút vú ra.

Còn khi bé sốt?

Khi mọc răng, ngoài việc chảy nhiều nước miếng, hay cắn, quấy khóc, biếng ăn, bé còn có thể bị sốt, bị tướt (đi ngoài phân nhão 3-5 lần/ngày).

Thường thì những triệu chứng này chỉ kéo dài tối đa 7 ngày và không nghiêm trọng, nếu các triệu chứng nặng hơn (đi phân loãng nhiều lần trong ngày, bé biếng ăn kéo dài, sốt cao trên 38,5*) bạn cần đưa con tới ngay bác sĩ.

Nếu bé chỉ hâm hấp sốt hoặc đi ngoài nhiều lần nhưng phân ít và nhão, bạn nên cho bé uống thêm nước, ăn thêm rau xanh, hoa quả tươi. Các thức ăn cần nấu loãng hơn, dễ tiêu hơn.

Nếu bé không chịu ăn, bạn có thể chia nhỏ các bữa và cho bé ăn làm nhiều lần trong ngày.

Lan Hương - Bibi.vn

Theo Bibi

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]