Đổi đời từ cây thanh long: Những nguy cơ tiềm ẩn

VOV.VN -Bên cạnh hiệu quả kinh tế không thể phủ nhận thì việc phát triển ồ ạt cây thanh long đang tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại cho hộ trồng

15.6121

>>

Cây thanh long đang góp phần làm đổi đời hàng trăm hộ nông dân của tỉnh Bình Thuận, đóng góp vào nền kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả kinh tế không thể phủ nhận thì việc phát triển ồ ạt cây thanh long không có qui hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế sẽ tiềm ẩn những nguy cơ mà thiệt hại không ai khác lại là  chính những hộ trồng thanh long. 


Giá cao, người trồng thanh long lãi lớn là tín hiệu đáng mừng bởi sẽ nâng cao được đời sống người dân, góp phần cho kinh tế của tỉnh phát triển. Nhưng đằng sau việc giá thanh long được đẩy lên rất cao lại có những nguy cơ tiềm ẩn.

Theo ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận, sở dĩ giá thanh long tăng cao đột biến là do khan hiếm thanh long trong khi các doanh nghiệp và thương lái liên tục tranh giành, lùng mua để bán. Tuy nhiên, khi mang đến biên giới, bị thương lái nước ngoài ép giá, mua lại với giá thấp hơn giá trong nước đã làm cho nhiều doanh nghiệp thua lỗ, phá sản. Ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận phân tích

Thực tế hơn 200 thương lái và doanh nghiệp thu mua thanh long ở Bình Thuận đều phụ thuộc vào mức giá mà thị trường Trung Quốc áp tại biên giới. Vì thế các thương lái cũng chỉ biết thăm dò giá trước khi đi thu mua của người trồng thanh long. Mức giá này thường xuyên dao động lên xuống thất thường nên nhiều lúc đành “ngậm đắng” vì giá bán ra thấp hơn giá mua.

Chị Cao Thị Minh Loan, một thương lái thu mua thanh long thừa nhận: “Mỗi buổi sáng các thương lái gọi điện đến công ty thu mua để hỏi giá làm cơ sở đến thu mua ở các hộ. Nói chung là hên xui. Nhiều lúc hàng nhiều giá vẫn cao...”.

Từ lợi nhuận cao, thời gian qua diện tích cây thanh long ở Bình Thuận liên tục được mở rộng, vượt quá qui hoạch. Nếu như năm 2006 diện tích cây thanh long chỉ là 7.000 hecta thì sang năm 2007 tăng lên 9.000 hecta và trong năm 2013, toàn tỉnh đã trồng thêm gần 1.100 hecta, đưa diện tích toàn tỉnh hiện này đạt hơn 20.500 hecta, trong đó có  18.600 hecta đang cho sản phẩm.

Các địa phương  đã trồng vượt qui hoạch của tỉnh hơn 5.400 hecta và số diện tích đất trồng lúa cũng liên tục bị chuyển sang trồng thanh long.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận trong số hơn 20.500 hecta thanh long thì có đến hơn 6.100 hecta là đất trồng lúa, trong đó hơn 3.600 hecta là đất lúa 2,3 vụ, nhiều nhất là huyện Hàm Thuận Bắc với hơn 3.000 hecta thanh long được trồng trên đất lúa 2-3 vụ trong tổng số gần 6.800 hecta trồng thanh long của huyện. Và số hộ dân trồng mới thanh long trên đất lúa vẫn đang tiếp tục tăng lên.

Ngoài ra, nước tưới cho cây thanh long cũng là vấn đề nan giải khi mà hiện nay diện tích thanh long được tưới bởi các công trình thủy lợi mới có gần 9.800 ha/20.500 ha, khoảng 42%. Việc cung ứng điện cũng chỉ được 12.000 hecta với sản lượng điện khoảng 300 triệu kWh, chiếm tỷ lệ 64% so với diện tích thu hoạch. Bên cạnh đó, nguy cơ dịch bệnh đốm trắng mà trong năm qua đã xảy ra trên hơn 2.600 hecta và chưa có thuốc đặc trị cũng là những khó khăn cho việc phát triển cây thanh long.

Trong số hơn 200 cơ sở thu mua thanh long trong tỉnh thì chỉ có 23 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tức là mới chỉ đạt 11%. Các kho lạnh, máy xử lý bức xạ, máy xử lý nhiệt bằng hơi nước nóng… những yếu tố trong công nghệ sau thu hoạch, chế biến và bảo quản còn ít được đầu tư, vì thế sẽ rất khó cho trái thanh long Bình Thuận xâm nhập được vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…

Trước những khó khăn trên, tỉnh Bình Thuận đang rà soát, kiểm tra toàn diện và quy hoạch lại diện tích thanh long cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, đến năm 2020 diện tích thanh long toàn tỉnh sẽ từ 25-27 ngàn hecta. Bắt buộc các nhà vườn trồng mới phải thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ngoài ra, việc phát triển thị trường nội địa, nghiên cứu các sản phẩm chế biến từ thanh long như nước ép, jelly, rượu… để đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng phải được quan tâm.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận nói: “Tỉnh đã điều chỉnh qui hoạch thanh long đến 2020. Đưa vấn đề khoa học kỹ thuật vào để làm sao hiệu quả tốt hơn, cạnh tranh hơn. Tỉnh cũng có chương trình xúc tiến thương mại ở các nước để làm sao vừa mậu biên để vừa chắc chắn và đi sâu vào chính ngạch. Đồng thời phải đầu tư về hệ thống kênh mương thủy lợi, điện chong đèn rải vụ… Tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm thanh long nào vượt trội và tỉnh cương quyết chỉ đạo không trồng thanh long xuống lúa 2-3 vụ”.

Phát triển nhanh nhưng có qui hoạch theo hướng bền vững, nâng tầm thương hiệu “thanh long Bình Thuận” không chỉ trên thị trường trong nước và cả nước ngoài,  để cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và đóng góp cho nền kinh tế của tỉnh. Đó là mục tiêu mà tỉnh Bình Thuận đang phấn đấu đạt được để cây thanh long mãi là biểu tượng của mảnh đất đầy nắng và gió này./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]