Đổi mới sách giáo khoa: Cốt lõi là thay đổi cách dạy và học

TP - Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Trường đã lên kế hoạch, chuẩn bị cho việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK).

0
Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội sau giờ tan học. ảnh: Ngọc Châu

“Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải đổi mới cách dạy, cách học ngay trong trường sư phạm. Phải thắng được sức ì đã tồn tại trong một thời gian dài...” – PGS Minh nói.

Theo PGS Nguyễn Văn Minh, cần có một bản vẽ thiết kế tổng thể tốt để từ đó xây dựng chương trình SGK mới. Nhưng điều quan trọng nhất là phải đổi mới được cách dạy, cách học sau khi có SGK mới. Thay vì nặng về truyền thụ kiến thức, phải chú trọng giúp người học hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất, có kỹ năng ứng dụng kiến thức đó.

Tư duy nhồi nhét quá nhiều kiến thức không gắn với thực tiễn phải thay đổi. Học sinh học rất giỏi nhưng về nhà lại không dám sờ tới cái bóng điện thì học như thế chưa ổn. Tóm lại, “học phải đi đôi với hành” như Bác Hồ đã từng nhắc nhở.

Là một trường lớn có bề dày truyền thống, trường ĐHSP Hà Nội sẽ đóng góp gì vào việc biên soạn SGK mới thưa ông?

Đổi mới chương trình SGK là một yêu cầu tất yếu để đổi mới giáo dục một cách căn bản, toàn diện. Vì vậy, cần thiết kế lại cấu trúc chương trình, viết lại SGK theo yêu cầu mới đối với mỗi cấp học, mỗi môn học. Đáng lưu ý, lần này sẽ hình thành các môn học tích hợp đòi hỏi SGK mới phải đáp ứng được mục tiêu đề ra đó.

Bộ GD-ĐT có mong muốn trường có đóng góp về nhân lực để biên soạn bộ SGK mới. Chúng tôi coi đây là cơ hội để trường có thể tiếp cận với chương trình SGK mới ngay từ đầu. Và qua đây, trường cũng phải có những thay đổi để bắt nhịp kịp thời. 

PGS.TS Nguyễn Văn Minh
Đối với công tác đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện nay để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình SGK, đến nay trường đã có chuẩn bị gì chưa?

Thực hiện chương trình SGK mới, ước tính có khoảng 1 triệu giáo viên cần được đào tạo lại. Thực hiện yêu cầu này, trường phải chuẩn bị chương trình/công nghệ để phục vụ công tác đào tạo lại. Trước hết là bổ sung ngay nội dung cho sinh viên đang học trong trường theo hướng tích hợp, hiện đại, thay vì đào tạo đơn ngành như trước. Cùng đó, phải nghiên cứu để đi trước một bước, khi có SGK mới thì có thể ứng dụng được ngay. 

Thứ hai là triển khai đào tạo lại. Vừa qua, các trường sư phạm đã ngồi lại với nhau để thống nhất cách làm. Có hai cách, hoặc sẽ triển khai trực tiếp đào tạo lại tại các trường; hướng khác là đào tạo trực tuyến. Vừa qua, ĐHSP và một số trường đã thử nghiệm theo hướng đào tạo trực tuyến. Chúng tôi đã thiết kế một khung chương trình đào tạo lại.

Người học chỉ cần có một chiếc điện thoại là có thể tải dữ liệu chương trình về nghiên cứu. Những nội dung chưa rõ sẽ được giải đáp trực tuyến. Ngoài ra, có thể kết hợp cả hai cách trên. Nếu học trực tuyến, người học sẽ làm thu hoạch gửi về trung tâm đào tạo, để đánh giá. Một mặt trường phải về các địa phương kiểm tra kết quả, trên cơ sở đó điều chỉnh nội dung đào tạo lại cho phù hợp hơn.

Vì thời gian khá gấp cho nên phải làm cuốn chiếu. Giáo viên vẫn phải vừa dạy vừa tự học, tự đào tạo lại. Mỗi năm các trường cần tạo điều kiện để ít nhất họ có 1-1,5 tháng để đào tạo lại.

Cảm ơn ông!

Đặc trưng sư phạm của trường phải được khẳng định thật rõ nét. Ví dụ dạy toán ở ĐHSP là dạy để ứng dụng cho giảng dạy, cho nên cách tiếp cận cũng phải khác những trường khác. Trước đây còn chú trọng dạy kiến thức thì bây giờ sẽ tăng thời lượng đào tạo nghiệp vụ sư phạm từ 25 lên 34 tín chỉ. Thời gian qua, Trường THPT Nguyễn Tất Thành (thuộc ĐHSP Hà Nội) đã triển khai thử mô hình lớp học theo năng lực, bước đầu được đánh giá rất tốt.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]