Đối phó viêm gan C đúng cách

Chưa có bằng chứng về việc cho con bú sẽ lây truyền bệnh viêm gan C.

15.5981

Viêm gan C lây qua đường nào?

Viêm gan là tình trạng tế bào gan bị viêm nhiễm. Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm gan là do siêu vi, trong đó phổ biến là siêu vi A, B và C, ngoài ra còn có những siêu vi khác như D, E, F, G... Viêm gan còn do nhiều nguyên nhân khác như uống nhiều rượu bia, do thuốc, do bệnh chuyển hoá hay do bệnh tự miễn...

Viêm gan C do siêu vi C gây ra, lây truyền qua đường máu, tương tự như viêm gan siêu vi B, nhưng hiếm khi lây qua đường tình dục. Một số yếu tố làm bệnh dễ lây truyền qua đường tình dục hơn, ví dụ: đã có bệnh lây truyền qua đường tình dục trước đó (như giang mai, lậu, mồng gà...), có nhiễm HIV, có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục có nguy cơ chảy máu, nam đồng phái luyến ái...

Bệnh còn xảy ra do tiếp xúc với dịch tiết của người đã nhiễm bệnh với nguyên nhân thường gặp là qua truyền máu, hay tiếp xúc với các trung gian có dính máu: ghép tạng, dùng chung kim và ống chích, dụng cụ thử đường huyết từ người đã nhiễm bệnh...

Khả năng lây truyền từ mẹ sang con rất nhỏ (tỷ lệ 4%). Lây truyền bệnh xảy ra lúc chuyển dạ, không xảy ra lúc bào thai còn trong bụng mẹ.

Tỷ lệ lây truyền cho con cao nếu nồng độ siêu vi trong máu người mẹ cao. Nếu người mẹ đã bị nhiễm HIV, nguy cơ con bệnh viêm gan C tăng gấp ba lần. Hiện nay, chưa có cách nào để ngừa lây nhiễm bệnh viêm gan C cho trẻ sơ sinh từ mẹ.

Chưa có bằng chứng về việc cho con bú sẽ lây truyền bệnh viêm gan C. Do đó, mẹ bệnh viêm gan C có thể yên tâm cho bé bú bình thường. Nếu đầu vú bị nứt nẻ, chảy máu, nên đến bác sĩ chuyên khoa gan, khám bệnh và làm xét nghiệm để quyết định cách giải quyết tốt nhất.

Bệnh viêm gan C không lây qua ăn chung mâm cơm, ôm hôn, bắt tay, ho, sổ mũi, hắt hơi… Do đó, người bệnh hoàn toàn yên tâm, thoải mái vui sống cùng người thân trong gia đình mà không sợ lây truyền bệnh.

Viêm gan C cấp có thể tự khỏi?

Khi bị nhiễm bệnh lần đầu, có người có biểu hiện “nhiễm trùng cấp”. Mức độ bệnh từ nhẹ đến nặng. Có khi phải nhập viện và nguy hiểm đến tính mạng do suy gan cấp.

Gọi là viêm gan C cấp khi bệnh lý về gan xảy ra trong vòng sáu tháng kể từ lúc mới nhiễm bệnh. Có người “tự chống trả” siêu vi, bệnh tự khỏi, siêu vi tự hết sạch trong cơ thể, tỷ lệ: 15 – 25%, đa số người bệnh diễn tiến sang thể mạn tính chiếm 75 – 85%.

Không phải mọi người bị viêm gan C cấp đều có triệu chứng. Hầu hết người nhiễm bệnh có triệu chứng trong vòng hai tuần đến sáu tháng sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Triệu chứng kéo dài vài tuần đến vài tháng.

Các dấu hiệu nhiễm bệnh bao gồm một hay nhiều các dấu chứng sau: sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, phân màu xám, tiểu sậm màu, đau khớp, vàng da.

Nhiều người, sau đợt nhiễm trùng đầu tiên, bệnh vẫn kéo dài, siêu vi vẫn còn hiện diện trong cơ thể, được gọi là viêm gan C mạn tính. Lưu ý trong viêm gan C, tỷ lệ bệnh chuyển sang mạn tính lên đến 75 – 85%. Viêm gan C mạn gây nhiều vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng, với tỷ lệ xơ gan lên đến 20%, ung thư gan khoảng 5%.

Ngoài xơ gan và ung thư gan, bệnh nhân có thể tử vong vì suy gan cấp. Nhiều trường hợp, viêm gan C mạn không có triệu chứng và người bệnh không biết đã nhiễm bệnh (họ vẫn cảm giác khoẻ và bề ngoài vẫn bình thường), có khi sau nhiễm bệnh 30 năm triệu chứng mới biểu hiện.

Nhưng tiếc thay, tổn thương gan vẫn diễn ra trong giai đoạn này. Khi người bệnh viêm gan C mạn có dấu hiệu, các dấu chứng tương tự như viêm gan C cấp. Nhưng lúc đó, bệnh đã tiến triển nặng, tỷ lệ tử vong cao, tỷ lệ chữa lành bệnh rất thấp. Do đó, vấn đề tầm soát phát hiện bệnh sớm là cực kỳ quan trọng.

Làm gì để bảo vệ mình và người thân?

Tất cả mọi người đều phải được xét nghiệm xem có bệnh hay không, vì hiện chưa có thuốc chủng ngừa viêm gan C, trong khi con đường lây truyền lại đa dạng.

Một số đối tượng cần chú ý tầm soát định kỳ vì có nguy cơ nhiễm bệnh viêm gan siêu vi C cao: tiêm chích ma tuý; có nhiễm HIV; có bất thường về chức năng gan qua xét nghiệm máu hoặc có bệnh gan (những người có truyền máu hoặc ghép tạng trước 1992 là đối tượng hàng đầu bị nhiễm siêu vi C); người làm công tác y tế, bị kim đâm từ người bệnh viêm gan siêu vi C, người nhận máu và tạng từ người cho vừa mới biết có bệnh viêm gan siêu vi C, hoặc trẻ có mẹ bệnh viêm gan C đều phải làm xét nghiệm kiểm tra…

Khi đã nhiễm bệnh, ngoài việc đến khám đúng bác sĩ chuyên khoa gan, người bệnh cần lưu ý tránh lây lan cho người khác (không hiến máu, nội tạng, mô hoặc tinh trùng; nếu có vết cắt hay bị phỏng phải dùng băng keo cá nhân…).

Bản thân mỗi người cũng phải biết cách phòng ngừa: không tiêm chích nếu không cần thiết và không an toàn; tránh nhận máu và các sản phẩm máu không an toàn; không thu thập những vật thải nhọn; tránh dùng chung dụng cụ tiêm chích như máy thử đường huyết…

Tránh quan hệ tình dục không an toàn; không dùng chung vật cá nhân bén nhọn như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, kìm cắt móng tay … Không châm cứu, xăm mình, làm móng với dụng cụ không vô trùng…

Nếu đã nhiễm bệnh viêm gan siêu vi C thì cố gắng không hoang mang, lo lắng, khám bác sĩ chuyên khoa về viêm gan để được tư vấn về diễn tiến và đặc điểm bệnh, phương cách chăm sóc và điều trị.

AloBacsi.vn
Theo
BS.CK1 Nguyễn Thị Lý - Sài Gòn Tiếp thị

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]