Đối phó với những trò nghịch nghợm của trẻ

GiadinhNet - Khi bạn nói với con rằng “cái đó nóng đấy” hay “sắc đấy” hoặc một lời cảnh báo nào khác thì bạn cũng phải đưa ra những ví dụ cụ thể.

15.5757
Lứa tuổi hiếu động rồi sẽ qua đi, sẽ có lúc bạn chỉ còn lại hồi ức và nỗi tiếc nuối vì những trò nghịch ngợm trẻ thơ không bao giờ trở lại. Ảnh minh họa.

Chắc cha mẹ nào cũng đã từng cáu giận vì những trò nghịch ngợm của con mình. Những trò nghịch ngợm vô tư thường gây phiền nhiễu, thậm chí đôi khi còn gây thiệt hại về tài sản, nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của trẻ. Làm thế nào để đối phó với “vấn nạn đau đầu” này?
 
Vì sao trẻ nghịch ngợm?

Nguyên nhân chủ yếu nằm ở khao khát khám phá thế giới của trẻ. Một đứa trẻ bao giờ cũng thấy thích thú nếu được biết xem điều gì sẽ xảy ra nếu như lọ hoa của mẹ rơi xuống sàn nhà. “Ôi, vỡ tan rồi!”. Giờ thì bé đã biết vỡ có nghĩa là gì. Đối với bé, trước đó từ “vỡ” chỉ là một âm thanh trống rỗng. Vậy phải làm gì để hạn chế thói tò mò nghịch ngợm ấy của bé? Chúng tôi có vài lời khuyên sau:

Khi bạn nói với con rằng “cái đó nóng đấy” hay “sắc đấy” hoặc một lời cảnh báo nào khác thì bạn cũng phải đưa ra những ví dụ cụ thể. Bạn có thể cho bé chạm nhẹ vào cốc trà nóng, khi đó đứa trẻ hiếu động của bạn sẽ biết “nóng” là thế nào. Còn nếu bạn chỉ hét lên “Không được!” thì chẳng được ích lợi gì cả. Cứ cho là như thế có thể làm cho bé sợ đi thì cũng chỉ trong một khoảng thời gian nào đó mà thôi.

Tốt nhất, bạn hãy giấu đi tất cả những đồ có thể tiềm ẩn nguy hiểm đối với trẻ và tất cả những thứ có thể gây đổ vỡ. Nếu con bạn tỏ ra thích dây điện thì bạn phải để đường dây chìm trong tường hoặc bạn phải để dây dẫn thật cao để đứa con hiếu động của bạn không thể với tới. Tất cả các loại thuốc phải giấu kỹ sao cho trẻ không thể thấy. Tất cả các hoá mỹ phẩm phải giấu ở chỗ không thể với tới được. Nếu con bạn trang trí cho đồ gỗ mới trong nhà bằng nhũ đánh móng tay của bạn thì bạn đừng vội mắng con, mà tốt hơn là hãy tự mắng chính bản thân mình. Bởi vì lẽ ra bạn phải giấu thứ đó đi để con bạn không thể lấy được.

- Bạn hãy chắc chắn là mình đã đóng tất cả các cánh tủ trong nhà (tủ ly, tủ sách, tủ bếp...), đóng bếp lò, tủ lạnh sao cho trẻ không thể mở được.

- Không đưa cho trẻ dưới 3 tuổi chơi đồ chơi đã được cảnh báo không dùng cho trẻ nhỏ, cho dù con bạn tỏ ra không cho thứ gì vào miệng.

- Nếu chẳng may con bạn uống phải thứ gì đó hoàn toàn không thể dùng để uống hay nuốt phải thứ gì đó bẩn thỉu, độc hại như bột giặt, bạn phải khẩn trương đưa con đến bệnh viện, đồng thời đừng quên mang thứ con đã uống. Làm như vậy các bác sĩ sẽ dễ dàng chữa trị cho con bạn.
 
Biện pháp giáo dục

Bạn hãy gây cho trẻ hứng thú với những việc “người lớn”, khi đó trẻ sẽ ít cảm thấy rằng người lớn thích cấm đoán nó. Tất cả các hành động này cần phải bắt đầu ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Đừng ngây thơ cho rằng trẻ còn quá nhỏ để có thể hiểu được. Trẻ vẫn có thể hiểu được, thậm chí cùng với thời gian, trẻ còn có thể nghĩ ra các mánh khoé để đối phó với cha mẹ. Chính vì thế bạn phải học cách nói “không được”, nhưng đừng lạm dụng từ này. Bởi vì nếu như tất cả mọi thứ đều không được thì có nghĩa là tất cả đều có thể.


Tất nhiên trong vốn từ vựng của các bậc cha mẹ luôn có từ “không được” và chúng ta sử dụng nó một cách thường xuyên nhưng không mấy hiệu quả. Bởi vì một đứa trẻ luôn đòi hỏi giải thích nguyên nhân cấm đoán. Đặc biệt, nếu như bố hoặc mẹ có thể làm việc đó. Vì vậy, bạn hãy giải thích cho con khi nào là “không được” và khi nào là “không nên”.

Trước tiên bạn cần thoả thuận với tất cả các thành viên trong gia đình cũng như với người bảo mẫu về những việc có thể cho phép trẻ và việc trẻ bị cấm đoán để không gây mâu thuẫn. Đồng thời, bạn cũng nên quyết định xem đối với con bạn cái gì bị cấm tuyệt đối và cái gì không bị cấm đoán lắm. Điều đó có nghĩa là sẽ có những lệnh cấm kiểu “không được làm trong bất cứ trường hợp nào” - lệnh cấm đó liên quan đến những việc đe doạ tới tính mạng và sức khoẻ như chạm tới bàn là nóng, ổ cắm điện, dao... Và cũng có những cấm đoán kiểu “không được đi chân đất trên nền nhà” - những cấm đoán không liên quan đến sức khoẻ, tính mạng của trẻ. Những lời cấm đoán kiểu thứ nhất phải được nói một cách cứng rắn và lập tức kèm thêm hành động, ví dụ như kéo tay con ra khỏi ổ cắm điện. Song đồng thời bạn cũng phải giải thích lý do cấm đoán của mình. Bạn phải nói một cách dứt khoát, nếu không đứa trẻ sẽ nghi ngờ rằng chính bạn cũng không tin tưởng ở lẽ phải của mình.

Với những lời cấm đoán kiểu thứ hai, bạn không nên dùng từ “không được” mà nên nói “không nên” hoặc “mẹ không cấm, nhưng...” hay “mẹ không cho phép”, “mẹ không đồng ý”. Và bạn cũng giải thích xem tại sao, ví dụ: “Mẹ không cấm con đi chân đất, nhưng đi chân đất con có thể bị cảm và ho đấy” hoặc “con thấy không, mẹ về đến nhà, cởi giầy ra là mẹ đi luôn dép vào, bố cũng làm thế đấy”.

Có những việc người lớn có thể làm nhưng với trẻ con thì không thể. Với những việc ấy cha mẹ cũng nên giải thích: “Khi nào lớn lên con có thể dùng dao của mẹ, còn bây giờ con hãy dùng dao đồ chơi của con đi”.
 
Lan Hương
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]