Đồng bào Chăm vui mùa lễ hội Katê

15.6116
Đến với vùng đồng bào Chăm theo đạo ở các xã Phước Hậu, Phước Thái, Phước Hữu, Phước Ninh, thị trấn Phước Dân của 2 huyện Ninh Phước và Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) trước ngày diễn ra lễ hội Katê (vào tháng 7 Chăm lịch, tức vào các ngày 18, 19, 20/10) mới thấy cuộc sống nơi đây đang đổi thay từng ngày.

Các cơ quan công sở xã, thôn, trường học, đường liên xã, liên thôn và nhiều công trình phục vụ dân sinh khác liên tiếp được đầu tư xây dựng. Cùng với đó là những ngôi nhà xây mới khang trang của người dân địa phương mọc lên, góp phần không nhỏ điểm tô thêm dáng vẻ bộ mặt nông thôn ngày thêm đậm nét.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các xã Phước Hữu, Phước Hậu đều cho rằng, mùa lễ hội Katê năm nay sẽ hoành tráng hơn mọi năm, bởi đồng bào không còn đói, bình quân thu nhập đầu người khoảng 6,5 triệu đồng/người/năm.

Công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào luôn được các cấp, ngành quan tâm và tìm đúng hướng giải quyết bằng việc tạo vốn vay phát triển sản xuất, chăn nuôi, giải quyết việc làm cho hộ nghèo kết hợp với các chương trình 134, 135.

Nhờ có vốn vay trong tay, đồng bào các địa phương đã thực hiện có hiệu quả các mô hình liên kết trong chuyển đổi, luân canh và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Đại đa số đồng bào đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất bình quân đều đạt từ 55 đến 60 tạ/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt từ 70 đến 80 tạ/ha/vụ.

Điển hình là đồng bào dân tộc ở các thôn Hoài Trung, Như Bình, xã Phước Thái; Tân Đức, Hữu Đức, xã Phước Hữu của huyện Ninh Phước và đồng bào ở xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam mới chia tách.

Xác định chăn nuôi là trọng tâm trong phát triển kinh tế của vùng đồng bào dân tộc, gần 3.000 hộ đồng bào đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển nghề chăn nuôi bò với hơn 5.000 con.

Nhiều hộ đã xây dựng mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi gia súc (bò, dê, cừu) tập trung từ 5 đến 10 ha/ hộ. Các mô hình chăn nuôi quảng canh trước đây đã được bà con dân tộc chuyển sang mô hình chăn nuôi bán thâm canh và chăn nuôi trang trại với hơn 50 trang trại vừa và nhỏ, nghề chăn nuôi hiện là nguồn thu nhập chính của đồng bào Chăm nơi đây.

Không chỉ biết làm nông nghiệp với sản lượng hàng năm từ 15.000 đến 18.000 tấn lương thực và cùng nhiều sản phẩm từ các loại cây trồng khác, đồng bào dân tộc nơi đây còn chuyển mạnh sang phát triển kinh tế tập thể, thương mại-dịch vụ, tiểu thụ công nghiệp.

Các hợp tác xã kinh doanh dịch vụ như Hợp tác xã Mông Nhuận, Hoài Trung, Hữu Đức, Như Bình ở xã Phước Hữu, Phước Thái đã đảm nhận nhiều khâu kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, làm ăn có hiệu quả.

Các loại nghề khác như mộc, nề, vận chuyển hàng hoá, xay xát cũng đang được phát triển rộng khắp, góp phần tăng thu nhập kinh tế gia đình của bà con đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn 2 huyện.

Trong năm 2009 này, niềm vui lớn lại đến với đồng bào khi cả 3 làng nghề truyền thống được xem là cổ xưa nhất Đông Nam Á của đồng bào như làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng nghề dệt thổ cẩm Chung Mỹ, làng gốm Bầu Trúc được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng đang dần hồi phục và phát triển.

Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa và đã tìm được chỗ đứng cho sản phẩm truyền thống của mình trên thị trường trong và ngoài nước.

Đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào cũng đã được nâng lên, con em của đồng bào ngày càng được giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Phong trào khuyến học, khuyến tài, các trung tâm học tập cộng đồng phát triển mạnh, 100% xã vùng đồng bào Chăm theo đạo đều có trung tâm học tập cộng đồng và ngày càng có nhiều “tộc họ” hoạt động mạnh trong phong trào khuyến học, khuyến tài, tiêu biểu như các xã Phước Thái, Phước Hậu, Phước Hữu của huyện Ninh Phước.

Các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào luôn được các cấp, ngành của tỉnh bảo tồn bằng việc duy tu các đền, tháp: đền Pô Nưgar, tháp Pô klongGarai, tháp Pô Rômê…đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào Chăm theo đạo.

Đời sống của đồng bào được nâng lên, các giá trị văn hoá truyền thống được phát huy, hứa hẹn một mùa lễ hội Katê thật sự đầm ấm sẽ đến với đồng bào Chăm theo đạo ở các địa phương trong năm nay./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]