Đồng quy khác biệt

(Petrotimes) - Sự khác biệt rõ rệt giữa văn hóa phương Tây và phương Đông đã tạo ra những phong cách quản lý kinh tế khác xa nhau cho dù thế giới ngày một “phẳng” hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa. Sự thành công lại chỉ có một, là cái đích của mọi con đường, là đáp số của mọi lời giải.

15.5851

Các thuyết quản trị doanh nghiệp...

GS Michael Porter, chiến lược gia kinh tế, một trong những“bộ óc”quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới, cha đẻ của lý thuyết lợi thế cạnh tranh của các quốc gia từng kết luận: “Cạnh tranh để trở thành giỏi nhất. Cạnh tranh để trở thành độc nhất vô nhị... Không có công ty tốt nhất bởi cái tốt nhất tùy thuộc vào nhu cầu của từng khách hàng. Vì thế, chiến lược của công ty sẽ không phải là trở thành tốt nhất, mà phải trở thành độc nhất vô nhị, là khác biệt”.

Phong cách quản trị doanh nghiệp ở Nhật Bản được coi là sự kết hợp hài hòa văn hóa Đông - Tây

GS Michael Porter đã có nhiều phát biểu đặc sắc, ví dụ như: “Trong chiến lược, sai lầm lớn nhất là cạnh tranh trực tiếp trên cùng một quy mô, một lĩnh vực với đối thủ”; “Các công ty cần thấu hiểu khái niệm chiến lược, nhưng trên thực tế, các nhà lãnh đạo công ty thường hay nhầm lẫn chiến lược với khát vọng”; “Lặp lại những việc mà người khác đã làm sẽ là không hiệu quả”; “Chạy theo không phải là tư duy chiến lược mà là cái bẫy”; “Những công ty thành công là những công ty biết tạo ra các giá trị mới dựa trên việc đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của khách hàng”...

Trong kinh doanh, cho dù là ở nền văn hóa nào, người ta cũng đều nhằm mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận, vì vậy, sự khác biệt ở đây chính là phương pháp, mọi phương pháp đều đồng quy tại điểm cuối - cán đích thành công. Khái niệm thắng bại trong chiến tranh, trong các cuộc đối kháng hoàn toàn không song trùng với khái niệm thành bại trong kinh doanh. Thế giới ngày nay “mở” tới mức, theo Michael Porter, “cạnh tranh tốt nhất phải là hai bên cùng thắng”.

Ở giai đoạn đầu của xã hội công nghiệp, một số thuyết quản lý được coi là truyền thống đã được áp dụng trong các doanh nghiệp. Trong đó thuyết X chủ trương sử dụng quyền lực trong quản lý để điều khiển và sử dụng quyền lợi vật chất cùng hình phạt để thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp. Thuyết Y tin vào bản chất tốt của con người, quan tâm đến yếu tố tự tạo ra động cơ làm việc sáng tạo, tự chủ và tự hoàn thiện. Một bên thiên về tập trung, chuyên quyền, còn một bên phát huy tính dân chủ, sức mạnh tập thể, vì vậy không tránh khỏi phiến diện, cục bộ.

Xã hội công nghiệp càng phát triển thì hoạt động quản lý cũng ngày càng đa dạng và phức tạp hơn, từ đó các nhà lý luận quản lý hiện đại có cách tiếp cận mới toàn diện hơn, xuất hiện các thuyết thuộc trường phái quản lý hiện đại. Cách tiếp cận đó vừa chú trọng vào chức năng của quản lý, vừa theo hướng tình huống ngẫu nhiên; kết hợp các lý thuyết quản lý với các điều kiện thực tiễn ngẫu nhiên, sử dụng các chìa khóa quản lý hữu hiệu để xử lý linh hoạt, sáng tạo. Từ đó ra đời thuyết Z trong quản lý ứng với giai đoạn công nghiệp hiện đại.

Thuyết Z với triết lý quản lý kinh doanh dựa trên nguyên tắc quan tâm đến con người, động viên con người phát huy trí tuệ và năng lực tối đa, tận tâm tận lực với nhiệt huyết và tinh thần vì cộng đồng cao nhất. Đây chính là bí quyết tạo nên năng suất lao động ngày càng cao và sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Cho dù X, Y hay Z đều có những mô hình đơn lẻ thành công và hiệu quả nếu biết vận dụng văn hóa kinh doanh đặc thù của môi trường được áp dụng, năng động và kịp thời xoay chuyển kèm theo những yếu tố như “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Tuy vậy, để một thuyết quản trị đáp ứng được nhu cầu của nhiều loại hình, tạo thành nguyên tắc chung của một cộng đồng doanh nghiệp thì không nhiều quốc gia làm được.

Ta hãy cùng nhìn nhận một “phong cách” được coi là vận dụng hài hòa và nhuần nhuyễn các lý luận đông - tây - cổ - kim về quản trị doanh nghiệp, một sự kết hợp tạo ra những bước phát triển “thần kỳ” khiến các nhà quản lý khắp nơi trên thế giới kinh ngạc và bội phục.

Và bài học từ Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia nhỏ bé, ít tài nguyên, sau Chiến tranh thế giới thứ hai gần như kiệt quệ hoàn toàn. Nhưng chỉ nửa thế kỷ sau, đất nước này đã khiến mọi quốc gia khác phải kính nể bởi sự hùng mạnh về kinh tế.

Phương pháp quản lý độc đáo của Nhật là hợp nhất hai phương diện của một tổ chức kinh doanh, vừa tạo ra lợi nhuận cao cho doanh nghiệp, vừa trở thành một cộng đồng sinh hoạt đảm bảo cuộc sốngcủa mọi thành viên, tạo điều kiện thăng tiến và thành công. Song song với điều đó, luôn chú trọng quá trình cải tiến liên tục, tập trung vào yếu tố người trong tổ chức với quan điểm toàn diện về mặt nhân trị, hợp tác với người lao động và chia sẻ quyền lợi thích đáng, tạo nên sự kích thích phát huy hết năng lực sáng tạo và sự gắn kết sâu sắc giữa nhà quản lý, tập thể với mỗi cá nhân. Mọi ứng xử trong doanh nghiệp Nhật Bản đều dựa trên lòng trung thành và tin cậy, được cụ thể hóa qua những biểu tượng, nghi lễ, quy tắc... và cả những huyền thoại để truyền đến mọi thành viên các giá trị và niềm tin định hướng cho hành động.

Một số bí quyết trong quản trị doanh nghiệp dưới đây có độ tin cậy được kiểm nghiệm tại các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản sau nhiều thập kỷ lớn mạnh trên thương trường.

Nguyên tắc không ngừng cải thiện lề lối làm việc của nhân viên trong doanh nghiệp. Nhà quản trị Nhật Bản luôn biết cách tạo ra một môi trường thuận lợi cho nhân viên của mình thực hiện những cải tiến công việc.

Những người quản lý trực tiếp luôn biết san sẻ trách nhiệm cho nhau. Giới quản trị cấp cao không bao giờ giao phó những công việc quan trọng chỉ cho một phòng ban duy nhất.

Nhà quản trị luôn đảm bảo sao cho tất cả thành viên trong công ty đều cùng tham gia đóng góp ý kiến về các vấn đề và cùng học hỏi từ các thành viên khác. Mọi sai lầm đều được tìm ra nguyên nhân sâu xa nhằm sửa đổi các chính sách và quy trình cho phù hợp, những biện pháp trừng phạt nhân viên dưới quyền đều phải làm cho họ “tâm phục khẩu phục”.

Các nhà quản trị Nhật Bản luôn chú trọng việc giúp các nhân viên phát triển kỹ năng diễn giải và trình bày về công việc của mình trước tập thể để họ có được những sự cộng tác đầy đủ và hữu hiệu hơn. Thông thường, những nhà quản trị đều có xu hướng muốn giữ những nhân viên giỏi nhất của mình không cho luân chuyển sang bộ phận khác, nhưng họ luôn cố gắng khắc phục điểm yếu tâm lý này để luân chuyển nhân viên giỏi vì “đại cục”.

Với nhà quản lý người Nhật, một mệnh lệnh không có thời hạn hoàn thành thì không phải là mệnh lệnh. Họ luôn luôn ra thời hạn hay lịch trình thực hiện công việc. Diễn tập những buổi báo cáo và thuyết trình là dịp lý tưởng để rèn luyện kỹ năng phát biểu và khám phá những vấn đề mới hoặc những thiếu sót của vấn đề.

Và điều cuối cùng, các nhà quản trị Nhật Bản luôn biết để các nhân viên cảm nhận rằng, họ được quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ, vì vậy họ tích cực, lạc quan hơn trong  thực thi nhiệm vụ được giao và có thái độ nghiêm túc hơn đối với những mục tiêu chung mà nhà quản trị đề ra.

Có thể nói, tính sáng tạo và văn hóa doanh nghiệp ở xứ sở hoa anh đào đang ngày càng có ảnh hưởng lớn đến cuộc cách mạng quản trị trên thế giới ngày nay.

Nguyễn Tiến Dũng

 

Nguồn:
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]