Đột quỵ ở trẻ nhỏ

Gần đây, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM tiếp nhận một số trẻ em nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, trụy tim mạch mà trước đó không có biểu hiện bệnh lý gì. Kết quả chụp CT Scan cho thấy những trẻ này bị đột quỵ do dị dạng mạch máu não gây xuất huyết não

15.5776
Ngày 27-6, cháu K.T.M.L, 10 tuổi, ở tỉnh Long An được chuyển đến Khoa Nhiễm-Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 - TPHCM, trong tình trạng bị nhức đầu và liệt nửa người bên trái. Kết quả chụp CT Scan cho thấy cháu bị áp xe não. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị áp xe não do mắc bệnh tim bẩm sinh. Đây là một trong những biểu hiện đột quỵ ở trẻ nhỏ. Bệnh nhi đã nhanh chóng được chuyển sang BV Chợ Rẫy để được phẫu thuật lấy máu tụ trong não. Dễ bị tử vong, di chứng Bác sĩ Nguyễn Quang Vinh, Phó Khoa Nhiễm –Thần kinh BV Nhi Đồng 1, cho biết không chỉ người lớn mới bị đột quỵ mà ở trẻ em cũng vẫn gặp. Mỗi năm, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 80 trẻ bị đột quỵ, trong đó có nhiều trẻ bị tử vong hoặc để lại những di chứng như động kinh, rối loạn vận động, khiếm khuyết về học tập, chậm phát triển thể chất. Theo bác sĩ Vinh, đột quỵ được hiểu là tình trạng mất chức năng thần kinh cấp (trong vài giờ, một ngày) hoặc tình trạng yếu lực ở trẻ em. Có nhiều nguyên nhân gây ra đột quỵ ở trẻ em, trong đó do xuất huyết não, màng não là nguyên nhân gặp nhiều nhất. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trẻ không được cung cấp đầy đủ vitamin K1, cơ thể trẻ cũng không tổng hợp đủ do gan non nên đã làm máu chậm đông và bị chảy máu. Đột quỵ do thiếu vitamin K1 thường chỉ gặp ở trẻ dưới 4 tháng tuổi. Bác sĩ Vinh nhấn mạnh đây là những cháu vốn khỏe mạnh, trước khi có cơn đột quỵ các cháu vẫn bụ bẫm, bú tốt. Và cơn đột quỵ đến bất thình lình với những biểu hiện trẻ bỏ bú, khóc thét, co gồng, da xanh xao. Những trường hợp này khi vào nhập viện sẽ được chích ngay một liều vitamin K1. Trường hợp trẻ bị thiếu ít, sau khi được bổ sung vitamin K1 sẽ qua khỏi cơn đột quỵ, còn nếu trẻ thiếu nhiều có thể bị tử vong, hoặc được cứu sống nhưng để lại những di chứng về sau. Theo bác sĩ Vinh, trong những nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ nhỏ thì nguyên nhân do thiếu vitamin K1 rất dễ phòng ngừa. Loại thuốc này rẻ tiền, 10.000 đồng/liều, thuốc phổ biến trên thị trường và ngay cả trẻ không bị thiếu mà chích vào với một lượng nhỏ như vậy sẽ không gây hại. Để ngăn chặn tình trạng thiếu vitamin K1 ở trẻ, các bà mẹ sắp tới ngày sinh nên chích vitamin K1, trẻ mới chào đời cũng cần được chích để không bị thiếu hụt vitamin K1 trong 3 tháng đầu, tránh bị đột quỵ. Phải mổ sọ để lấy máu tụ Xuất huyết não do những mạch máu dị dạng bể là nguyên nhân gây đột quỵ ở những trẻ lớn hơn. Lúc này, trẻ sẽ đột ngột nhức đầu, ói, co giật, liệt, hôn mê... Tình trạng này không có cách phòng ngừa và cũng không dự báo trước được. Muốn chẩn đoán được các mạch máu dị dạng đã bể hay chưa, phải tiến hành chụp C.T có cản quang. Loại kỹ thuật này vừa mắc tiền (1,2 triệu đồng/lần chụp) vừa không an toàn (nguy cơ tai biến gây mê, tai biến do thuốc) nên chỉ bệnh nhân nào bị nghi ngờ các bác sĩ mới tiến hành chụp C.T cản quang để xác định. Đột quỵ do trẻ bị mắc một số bệnh lý như viêm mạch máu (bệnh tự miễn), cao huyết áp (do mắc các bệnh thận, lupus), tim bẩm sinh, tim mắc phải (thấp tim)... cũng gặp nhiều, nhưng ở nguyên nhân này thì tỉ lệ trẻ bị tử vong ít hơn. Khi đó, trẻ sẽ có những triệu chứng như mệt, liệt tay chân, nhức đầu, ói và có thể sốt. Để ngăn ngừa đột quỵ xảy ra ở những trường hợp này cần phải điều trị ổn định các bệnh đã kể trên. Bác sĩ Vinh nhấn mạnh, tình trạng đột quỵ nếu không được phát hiện và cấp cứu sớm sẽ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân được cấp cứu sau 6 giờ tính từ lúc khởi bệnh thì phần lớn bệnh nhân sẽ bị tử vong. Do vậy, khi phát hiện trẻ có những biểu hiện của cơn đột quỵ như đã kể trên, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến BV sớm để được chụp CT Scan. Nếu kết quả CT Scan có máu tụ trong sọ, các bác sĩ sẽ tiến hành mổ sọ để lấy máu tụ.
Trẻ khỏe mạnh cũng nên đi khám định kỳ

Các bác sĩ nhi khoa cho rằng trẻ em khỏe mạnh cũng nên đến phòng khám trẻ em lành mạnh kiểm tra sức khỏe định kỳ, để được tham vấn chích ngừa trong thời kỳ sơ sinh, tham vấn dinh dưỡng về sữa mẹ và các bệnh lý khác (trong đó có thiếu vitamin K). Vitamin K có trong nhiều loại thực phẩm, do vậy phụ nữ mang thai và các bà mẹ đang cho con bú cần ăn đầy đủ, đa đạng các loại thức ăn để cung cấp đầy đủ vitamin K cho trẻ.

Bài và ảnh: Thùy Dương
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]