Đốt tượng hay... phục vụ nghiên cứu?

(Thethaovanhoa.vn) - Theo như đề xuất của Sở VH,TT&DL Quảng Ninh, hai pho tượng cổ tại đình Quỳnh Biểu sẽ được làm các nghi thức để “xuất thần” ra khỏi thân tượng và “nhập thần” vào hai pho tượng mới. Sau đó, hai thân tượng cũ sẽ được “làm lễ hóa giải” - khái niệm được nhiều phụ lão trong làng hiểu là... đốt và rắc tro xuống sông.

15.6032

Biên bản cuộc họp do Sở VH,TT&DL Quảng Ninh chủ trì về vấn đề này có ghi rõ đề xuất trên, kèm theo kết luận: “Dừng việc giải quyết đơn kiến nghị xác định danh tính hai pho tượng đình Quỳnh Biểu, do tượng không có bối tâm”.

Hãy để tượng cũ cho chúng tôi!

Cách hiểu về cụm từ “làm lễ hóa giải” đã dẫn tới phản ứng rất mạnh từ nhiều người dân làng Quỳnh Biểu. Như lời các phụ lão, sau những phản ứng này, chính quyền xã Liên Hòa đã đưa ra một lời giải thích khác trong cuộc họp gần nhất vào ngày 16/3 vừa qua: Thay vì đốt, hai pho tượng cổ sau khi làm lễ “xuất thần” sẽ được bố trí một nơi thích hợp để trưng bày.

Trao đổi với TT&VH, ông Hoàng Quốc Thái (Phó GĐ Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Ninh) cũng khẳng định về điều này. Theo lời ông, sau khi tượng mới được hoàn thành, hai pho tượng cũ sẽ có thể được trưng bày, hoặc dùng để “sử dụng cho mục đích nghiên cứu”. “Đây là chuyện bất đắc dĩ, vì chúng tôi muốn kết thúc những tranh cãi mất đoàn kết diễn ra trong bao năm nay” - ông Thái nói.



Pho tượng mặc áo rồng, được cho là tượng Trần Hưng Đạo tại đình Quỳnh Biểu

Tuy nhiên, bản thân việc sử dụng hai pho tượng cũ “để phục vụ nghiên cứu” (thay vì đốt bỏ) cũng không làm các phụ lão làng Quỳnh Biểu vui hơn chút nào. Theo như lời ông Bảnh, chính quyền xã Liên Hòa đưa ra gợi ý: Để tránh những tranh cãi rắc rối, pho tượng Đức Thánh Trần không chỉ được đục mới mà còn được... đục khác hoàn toàn. Cụ thể, tượng mới sẽ được lấy mẫu theo bức tượng thờ tại đình Trung Bản nằm gần làng Quỳnh Biểu. (Đây là ngôi đình được công nhận là di tích cấp quốc gia, có pho tượng Trần Hưng Đạo rất đặc sắc với tư thế ngồi ngai, xõa tóc, tay cầm trâm cài - TT&VH).

“Xấu đẹp, hay dở gì cũng là pho tượng chúng tôi đã thờ hàng trăm năm nay. Tại sao lại phải bỏ đi, làm tượng mới theo mẫu của nơi khác?” - ông Bảnh nói. “Còn nếu bảo không thiêng, thì tôi xin thưa  rằng hai pho tượng  đã được chúng tôi thờ vài trăm năm nay mà không cần biết bối tâm là gì. Cái thiếu bây giờ là thiếu xác định danh vị cho hai ngài. Nếu chưa thể xác định, xin cứ để chúng tôi thờ tạm cả hai ngài, trong khi chờ các chuyên gia phân định”.

Là người Quỳnh Biểu, ông Lê Văn Hải (nguyên Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Ninh) cũng khẳng định: “Như những người ở độ tuổi 70, 80 trong làng,  tôi biết rất rõ về pho tượng Đức Thánh Trần trước khi phải mang đi giấu. Tại sao Sở lại không nghe ý kiến của những người lớn tuổi, không nghe nhận định của những nhà khoa học như GS Bài, PGS Biền, mà chỉ từ một vài ý kiến trong làng để giải quyết theo cách gây ảnh hưởng tới di sản, tới tâm lý người dân như thế?”.

Đừng mất công bàn nữa

Trao đổi với TT&VH, PGS Trần Lâm Biền tỏ ra khá bức xúc trước câu chuyện đang diễn ra ở đình Quỳnh Biểu. “Mọi chuyện đã khép lại từ cách đây vài năm. Khi ấy, tôi đã nói rất rõ là thủ từ ở đình phải để lại ngay, xếp tượng Trần Hưng Đạo xuống dưới như thế là phạm thượng”.

Hơn hai năm trước, PGS Biền và GS Bài đều khẳng định: Xét theo danh vị và phẩm tước của người được thờ, pho tượng mặc trang phục chạm hình rồng chỉ có thể là Hưng Đạo Đại Vương. “Không chỉ là Đại Vương của nhà Trần, cụ Trần Hưng Đạo trong dân gian VN vẫn được thờ như một vị thánh. Thậm chí, ở đền Kiếp Bạc, Hưng Đạo Vương còn được người dân coi là hóa thân của Ngọc Hoàng khi xếp cụ ngồi giữa, hai bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu” - PGS Biền giải thích.

Về khái niệm “bối tâm”, PGS Biền cho biết: “Bối tâm thường được gắn vào phần đục trong lưng của thân tượng, với tính chất để “tạo thường”. Thông thường, đó có thể là những viên đá đen, đá nhiều màu, là mảnh giấy hoặc giải lụa có ghi tên của người được thờ. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều trường hợp tượng không có bối tâm vì lý do được làm ở niên đại quá sớm, hoặc ở niên đại muộn - khi một số nơi chỉ làm lễ hô thần nhập tượng chứ không đặt nặng chuyện này.

Tôi có thể dẫn ra ngay một số trường hợp tượng cổ không có bối tâm, mà điển hình là tượng chùa Phật tích. Nói rằng tượng thiếu bối tâm nên không thiêng là chưa hợp lý. Chuyện danh tính của hai pho tượng đình Quỳnh Biểu đã rất rõ ràng, chúng ta đừng mất công bàn nữa làm gì”.

Tuyệt đối không được xâm phạm tượng cổ

Trao đổi với TT&VH, ông Vũ Xuân Thành (Chánh thanh tra Bộ VH,TT&DL) khẳng định: “Khi biết câu chuyện qua dư luận và đơn khiếu nại, tôi đã lập tức liên lạc với lãnh đạo của Sở VH,TT&DL Quảng Ninh. Chỉ thị đầu tiên của Bộ là tuyệt đối không thể đốt tượng, đục lại tượng hay làm những chuyện tương tự.

Trước mắt, chúng tôi yêu cầu Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Ninh tổ chức thẩm định lại thật kỹ hai pho tượng trên để xác định danh vị. Mọi chuyện sẽ được quyết định sau đó. Trong trường hợp không đủ năng lực, Bộ VH,TT&DL sẽ cử chuyên gia xuống hỗ trợ để đảm bảo yếu tố chuyên môn. Thực tế, cách đây vài năm, mọi việc đã khá rõ ràng sau đợt thẩm định của các chuyên gia Cục Di sản văn hóa rồi”.

Hoàng Nguyên
Thể thao & Văn hóa

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]