Du lịch an toàn trong mùa dịch bệnh

0

Trước tốc độ lây lan nhanh chóng dịch MERS-CoV gây hội chứng viêm đường hô hấp, du khách đến Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước Trung Đông nên có biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, giữ vệ sinh cá nhân...

Dịch MERS-CoV do virus Corona (giống SARS) gây ra với các triệu chứng như sốt, ho, khó thở và có thể lây truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, đây là dịch bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao.

Để đảm bảo an toàn, du khách được khuyến cáo hạn chế đến các nước nơi đang có dịch. Những người đi về từ Hàn Quốc, Trung Quốc đều phải khai báo tại cửa khẩu, và chủ động khai báo với cơ sở y tế nếu có biểu hiện bất thường.

Ngoài MERS-CoV, mỗi nước, khu vực lại có những dịch bệnh khác nhau. Do đó, du khách cần ghi nhớ những lưu ý sau đây.

Trước khi du lịch

Bạn nên đến các trung tâm chăm sóc sức khỏe và phòng khám để được tư vấn và kiểm tra trước khi du lịch 4-6 tuần. Có thể bạn sẽ cần tiêm một số loại vacxin để phòng ngừa dịch bệnh.

Hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa cho MERS. Nhưng khi đến Bắc Mỹ, các loại vacxin được khuyến cáo nên tiêm bao gồm viêm gan A, viêm gan siêu vi B, viêm màng não, thương hàn...

Một số nơi còn yêu cầu du khách phải chứng minh đã tiêm các loại vacxin nhất định để nhập cảnh. Ví dụ như chủng ngừa bệnh sốt vàng da là yêu cầu nhập cảnh của một số tiểu vùng Sahara, Trung Phi, và các nước Nam Mỹ. Trong khi đó, Arab Saudi lại yêu cầu vacxin ngừa viêm màng não với các du khách tham gia hành hương Hajj.

Khách đến từ Hàn Quốc sẽ phải điền tờ khai y tế. Ảnh: Cục y tế dự phòng

Để biết chính xác yêu cầu về vacxin của các nước, bạn có thể kiểm tra trên trang web của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) hoặc tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Ngoài ra, bạn cũng nên chắc chắn cơ thể mình có các virus kháng bạch hầu, uốn ván, ho gà, cúm, sởi, quai bị, rubella và bại liệt.

Trong chuyến đi

Một trong những nguyên nhân khiến du khách dễ mắc dịch bệnh là sử dụng nguồn thực phẩm và nước uống bị ô nhiễm. Trong đó nguy cơ cao là do ăn phải các loại thực phẩm chưa được nấu chín hoặc còn sống.

Một số loại thực phẩm bạn nên hạn chế dùng gồm đồ ăn đã nấu chín nhưng để đông lạnh, trái cây chưa được rửa bằng nước sạch và bóc vỏ, rau sống, salad, sữa chua, pho mát...

Bạn cũng chỉ nên sử dụng các loại nước đóng chai, đóng hộp, đồ uống với nước đã đun sôi như trà, cà phê... Cần lưu ý đá trong đồ uống của bạn cũng nên làm từ nước tinh khiết.

Bạn nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc sữa rửa mặt để giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Không đứng hoặc bơi lội ở các sông, hồ bị ô nhiễm hoặc bờ biển đổ nước thải. Để an toàn bạn nên thư giãn trong các hồ bơi có nước được khử trùng.

Riêng tại những nước đang có dịch MERS-CoV, du khách nên thường xuyên đeo khẩu trang, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người mắc viêm đường hô hấp cấp tính, giữ khoảng cách khi trò chuyện. Tránh tiếp xúc với động vật, vật nuôi và sờ vào lan can, tay nắm cửa ở các điểm công cộng, nếu cần phải làm sạch trước khi chạm.

Tại các nước có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, bạn nên mặc quần áo dài, mắc màn khi đi ngủ để tránh mắc bệnh sốt rét.

Khi nào nên đến trung tâm y tế

Ngoài việc mang theo một số loại thuốc dự phòng cho các trường hợp tiêu chảy, cảm, sốt thông thường, bạn nên đến trung tâm y tế khi có biểu hiện bất thường. Đó là khi bạn bị tiêu chảy kéo dài, mất nước, sốt cao, ớn lạnh...

Những người trở về từ khu vực Trung Đông, Hàn Quốc, Trung Quốc trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu của viêm đường hô hấp cấp như sốt trên 38 độ C, ho, khó thở hoặc tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm MERS-CoV.

Vy An

 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]