Du lịch bụi ở Sing - Mã: Thượng đế đi xe công cộng

Đầu năm học thứ ba của con gái tại Singapore, tôi mua vé hàng không giá rẻ chở khô, gạo, mắm từ Việt Nam qua Sing dự trữ cho nó ăn cả năm. Nhân tiện hai cha con làm chuyến du lịch bụi xuyên Sing - Malaysia.

15.6032

Chi phí rẻ tới bất ngờ: ăn uống ngủ nghỉ đi lại thăm thú suốt cả tuần lễ, khắp Kuala Lumpur, Malacca, Singapore mỗi người tốn chưa tới hai triệu đồng. Một trong những nguyên nhân giá rẻ là nhờ hệ thống giao thông công cộng.

Dù là khách lạ chưa quen đường xá, vốn liếng tiếng Anh ít ỏi, nhưng với tấm bản đồ du lịch và hệ thống biển báo khá tỉ mỉ, cha con tôi thong thả khám phá hai đất nước này bằng phương tiện công cộng, rẻ tiện và thuận lợi.

Xe buýt, xe điện có mặt mọi nơi.

Đủ đường  cho xe chạy

Có lẽ triết lý về giao thông của hai xứ sở này là phải làm đủ đường cho xe chạy và cho người đi bộ. Hầu như trong hệ thống các biển báo không có biển cấm trọng tải, cấm loại xe. Tốc độ khống chế ở Sing trong một số khu vực nguy hiểm là 80km/g, ngoài khu vựåc này xe chạy bình thường trên 100km/g.

Biển báo khu vực có camera, khống chế tốc độ 80 km/g ở Sing.

Các khu vực có gắn camera đều có bảng báo, cảnh sát giao thông không phải mất thì giờ rình bắn tốc độ. Hầu hết đường ở đây là đường một chiều, hiếm có ngã tư giao cắt. Biển báo hiệu đường rẽ, chuyển làn rất chi tiết và hết sức cần thiết.

Người lái xe ô tô nếu nhầm lẫn một đường rẽ có khi phải mất thêm hàng chục cây số để quay lại nơi mình vừa bỏ lở. Vì vậy, người đón taxi nếu không rành đường có khi tốn tiền oan uổng vì đứng sai vị trí vài trăm mét ở làn đường không thuận.

Chất lượng của đường (ngay cả đường ở nông thôn) cũng đáng để suy nghĩ. Mỗi chiều đi thường có ba làn đường cho xe cơ giới và luôn luôn phải có đường dành riêng cho người đi bộ, xe đạp.

Dọc hai bên đường là hàng cây, bãi cỏ được cắt tỉa cẩn thận như công viên. Hai bên đường hoàn toàn không có nhà mặt tiền. Các khu thương mại dọc theo đường, phải cách đường chính một làn xe nội bộ, một dải phân cách rộng.

Trong thành phố, lối đi cho người đi bộ luôn có mái che. Ở các khu phố là nhà liên kế, luôn có dãy hành lang trước nhà dành cho người đi bộ, sau đó mới đến lề đường. Các cầu vượt cho người đi bộ (dù là ở vùng nông thôn vắng vẻ) vẫn luôn có mái che.

Con đường cao tốc nối liền Sing - Mã dài khoảng 500km phải làm thủ tục hai trạm hải quan cửa khẩu hai nước. Theo cách tính tốc độ VN, cha con tôi mua vé ở Sing chuyến 11 giờ đêm, dự kiến đến sáng sẽ đến Kuala Lumpur để kịp sắp hàng lấy vé tham quan tháp đôi miễn phí.

Nhưng thật bất ngờ, 4 giờ sáng xe đã tới nơi, khách sạn chưa mở cửa, buộc lòng phải vô nhà hàng KFC ngồi uống cà phê chờ trời sáng.

Người đi được phục vụ thật sự

Giao thông công cộng Sing - Mã hao hao giống nhau là đều có hệ xe điện, xe buýt, taxi... nhưng chất lượng chênh nhau đến 5/10. Xe điện ở Sing gọi là MRT chủ yếu chạy dưới lòng đất, tốc độ tối đa lên đến 200km/giờ, êm ru, không tiếng ồn, không bị chao lắc.

Từ ga Clementi tới sân bay Changi hơn 30 cây số, phải qua bảy trạm và một trạm chuyển tiếp tuyến xe khác nhưng chỉ mất 15 phút, giá chỉ 1,5 SGD (18.000 VND), nếu đi taxi thời gian cũng tương đương nhưng phải tốn 26 SGD. Tất cả các trạm xe điện ở Sing đều có thang máy cuốn cho người thường và thang máy đứng cho người già, tàn tật.

Thông thường cửa các trạm xe thông vào các khu thương mại từ cửa đến đường hầm, trạm chờ xe đều trang bị máy lạnh mát rượi. Mật độ xe khá dày, tùy theo từng tuyến và từng thời điểm trong ngày khoảng 2 đến 10 phút là có một chuyến xe. Ở tại các trạm chờ có bảng điện tử thông báo giờ xe đến được cập nhật từng phút một. MRT là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Sing.

Đường phố ở Sing thường vắng vẻ hiếm người đi lại nhưng bên trong các hầm, trạm MRT giờ nào cũng thấy người chen chúc, đủ loại thành phần, nghề nghiệp.

Ở Kuala Lumpur, có ba hệ thống xe điện: KTM Komuter chạy trong nội thành và cả liên tỉnh; Rapid KL chạy trong nội thành và KL Monorail xe điện một đường ray chạy trên không. Tốc độ, tiện nghi xe điện ở Kuala Lumpur kém hẳn so với Sing nhưng thời gian di chuyển vẫn nhanh không kém.

Từ trạm KL Sentral ở góc tây nam đi vòng vèo đến trạm KLCC gần khu tháp đôi Petronas ở cực đông bắc của thành phố, khoảng cách không dưới 20km chỉ mất hơn 10 phút, giá chỉ 2,5 RM (khoảng 12.000 VND) so với taxi phải mất 20 RM.

Hệ thống bán thẻ tự động.

Hệ thống bán vé xe điện ở Sing - Mã chủ yếu là thùng bán thẻ từ tự động. Nếu hành khách không có tiền lẻ (mức tiền thối lại quá 4 đồng, phải chịu khó sắp hàng mua thẻ. Ở Sing có hai loại thẻ: loại cố định (dùng cho cả MRT lẫn xe buýt), người mua nhập tiền vào thẻ, đưa vào máy mỗi lần lên xuống xe để tự động trừ tiền dần.

Loại đột xuất, người mua bấm vào sơ đồ ga cần đến, máy hiển thị số tiền, người mua nộp tiền vô máy, máy sẽ nhả thẻ và số tiền thừa. Khi đến ga, người mua nộp lại thẻ, máy sẽ trả lại 1SGD tiền thế chân thẻ. Ở Mã, người đi xe điện chỉ trả phần tiền cước, khi xuống ga, máy sẽ tự động thu hồi thẻ, nếu đi xe buýt vẫn mua vé giấy như ở VN.

Điều đáng nói là từ thành phố đến các vùng nông thôn hẻo lánh các trạm chờ xe buýt đều có mái che, ghế ngồi tiện nghi như nhau. Đặc biệt nhờ chính sách hỗ trợ giá xăng dầu, cước các loại xe ở Mã đều rẻ hơn Sing từ phân nửa đến 2/3.

Giá xe từ Sing đi Kuala Lumpur từ 30 đến 45 SGD (tùy chủng loại xe) trong khi vé chiều ngược lại chỉ có 25 đến 40 RM. Đi xe buýt từ bến xe Malacca vào khu phố cổ xa hơn 10 km chỉ mất 1RM.

Bến xe-Khách sạn-Trung tâm thương mại

Dù đã tra bản đồ và đã hỏi thăm đường, nhưng khi đứng trước bến xe buýt Kuala Lumpur có đủ các tuyến xe nội địa đi các tỉnh lẫn các tuyến xe quốc tế đi Thái Lan, Indonesia, Singapore... cha con tôi vẫn ngạc nhiên.

Vì đây là cao ốc 5 tầng, bên ngoài hoàn toàn vắng vẻ, không thấy xe cộ, người ra vô chen chúc như ở ta. Hóa ra, tầng hầm của cao ốc là nơi đậu xe, tầng trệt vừa là nơi bán vé, nơi chờ xe, vừa là trung tâm thương mại, tầng thứ 3 trở lên là khách sạn. Trong bến có đến 72 quầy bán vé cho đủ loại hảng và đủ loại tuyến đường.

Khách có thể mua vé đi ngay hoặc đặt vé cho nhiều ngày sau đó. Trên vé có hiển thị tên hãng xe, số ghế, số cầu thang xuống hầm xe, giờ xuất phát. Vì vậy, hành khách chỉ cần có mặt 10 phút trước giờ khởi hành là yên tâm lên xe, không có cảnh chờ đợi chen lấn.
 

Bến xe Malacca là tòa nhà rất đẹp, mái phía trước như nan quạt xòe theo hình trôn ốc, bên trong bến cũng là một khu thương mại.

Tất cả không gian trong bến xe từ khu bán vé, ăn uống, chờ đợi đều có máy lạnh. Những hàng ghế ở nhà chờ xe luôn thừa chỗ trống. Hoàn toàn không có chuyện chen lấn toát mồ hôi hột ở bến xe bến tàu như ở xứ ta!

LÊ ANH
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]