Du lịch Cát Bà: "Chém" khách…không hẹn ngày gặp lại!

Chắc hẳn cũng như tôi, hàng nghìn lượt khách đi du lịch thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) dịp Quốc khánh 2/9 đã phải ngậm đắng nuối cay với những "chiêu chặt chém" của giới kinh doanh thuộc địa danh du lịch biển này.

0



Chiều 1/9, nhóm chúng tôi xuất phát từ bến Bính - TP Hải Phòng để đi tàu cao tốc ra đảo Cát Bà. Hành trình gian khổ bắt đầu từ đây. Hàng trăm khách đi tàu chen nhau chờ cả tiếng đồng hồ mới được lên tàu qua cánh cửa sắt hé mở. Tiếng la ó, phàn nàn liên tục vang lên. Qua cửa soát vé, vào khoang tàu, thở phào tưởng thoát, thế nhưng đập vào mắt chúng tôi là một khung cảnh ngột ngạt trong khoang tàu. Thế là người già, phụ nữ và trẻ nhỏ dù mua vé đàng hoàng vẫn phải chen chúc, nháo nhác tìm chỗ đứng vì … chỗ ngồi trên tàu đã kín người.

Vé tham quan Pháo đài thần công bị “sửa” giá tiền.

Sau này, tìm hiểu chúng tôi mới biết, hầu hết các chuyến tàu cánh ngầm chở khách từ bến Bính ra đảo đều quá tải, dù trong hành trình ra đảo Cát Bà, tôi chứng kiến cảnh lực lượng làm nhiệm vụ, CSGT đường thủy đi xuồng máy ghé đến hỏi han chủ tàu lèn khách. Thế nhưng, tình hình cũng không hề thay đổi và thái độ “hỏi thăm” của lực lượng chức năng thì cũng chẳng có vẻ gì là gay gắt trong khi khung cảnh chen chúc, mất an toàn cho hành khách trong chuyến đi thì đã rất rõ ràng.

Tưởng mua vé đã đắt thì phải… xắt ra miếng, ai dè. Bình thường vé tàu cao tốc chặng bến Bính - Cát Bà của Cty CP khu du lịch đảo Cát Bà là 150 nghìn đồng, nhưng ngày lễ đã tăng giá lên thành 180 nghìn đồng. Anh Tuấn – một du khách than vãn: “Đơn vị quản lý tàu và cơ quan chức năng TP Hải Phòng buông lỏng giám sát quản lý nên mới thế. Lần trước tôi đi tàu, giá vé được niêm yết công khai, hôm nay thì không thấy đâu mà lượng người lên tàu thì đã gấp đôi so với qui định nhưng cũng chẳng thấy ai giám sát, xử lý cả”.

Chuyến tàu lèn khách tới đảo chậm gần 1 tiếng đồng hồ so với lịch trình khiến chúng tôi ai nấy bơ phờ, chân mỏi nhừ vì đứng, do vậy đành để cánh xe ôm “chặt đẹp” với cuốc xe giá bằng bát phở để mỗi người về khu nghỉ ngơi cách đó chừng 500 mét. Tại đây lại một cuộc “đấu lý và đấu trí” về giá cả phòng nghỉ diễn ra và phần thua thuộc về chúng tôi, phải chấp nhận thuê phòng với giá cao gấp gần 3 lần giá ngày thường, dù nhóm tôi đã có người gọi điện thoại đặt trước. Rồi…. chuyện ăn uống cũng đắng cả miệng với những đĩa rau muống xào, bát canh, không thứ nào giá dưới trăm nghìn đồng.

Phong cách “chặt chém” càng được thể hiện trong ngày 2/9 khi chúng tôi đi tham quan đảo. Tại đảo Khỉ, mọi thứ từ tắm tráng nước ngọt, đến chỗ ngồi đều mất tiền. Khách muốn lên ngồi nghỉ bên trong căn nhà lá thì phải đóng phí mỗi bàn 100 nghìn đồng cho nhân viên quản lý.… Dịch vụ tham quan Pháo đài thần công không đứng ngoài cuộc đua tăng giá dịp lễ, khi tự ý nâng giá vé tham quan từ 40 lên 50 nghìn đồng. Đồ uống, café, đồ lưu niệm,… cũng đua nhau câu kéo, cho khách …“vào tròng”. Anh bạn đi cùng đoàn than thở, có lẽ phải treo biển “hết tiền” trước ngực để đỡ bị làm phiền. Nhưng, không có tiền thì đố tìm được đâu chỗ có bóng mát để ghé mông….

Ông Bùi Trung Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết: Trong dịp nghỉ lễ 2/9, địa phương đã thông báo, quán triệt với các đơn vị kinh doanh dịch vụ từ vận tải, khách sạn đến ăn uống trên địa bàn nghiêm cấm chặt chém, lừa đảo du khách. Nhiều đoàn thanh kiểm tra cơ động điểm dịch vụ đã được thành lập, nếu phát hiện sai phạm, sẽ xử phạt.

Ông Chủ tịch UBND huyện nói vậy, thế nhưng nạn “chặt chém” vẫn diễn ra như thể… Cát Bà không hề muốn hẹn gặp lại các vị khách từng một lần ghé thăm.

(Theo PL&XH)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]