Du lịch đến bản Hồ, Lào Cai

Tây Bắc là tuyến du lịch nổi tiếng của Việt Nam, đặc biệt là Sa Pa, nơi không chỉ có phong cảnh và khí hậu tuyệt vời mà còn có văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Bản Hồ là một điểm dừng chân như vậy.

31.1981

Và đến Sa Pa, có một bản làng mà không một du khách nước ngoài nào trước khi rời khỏi mà không để lại những dòng lưu bút đầy xúc động, bởi ngoài cảnh sắc thiên nhiên vô cùng quyến rũ cùng những phong tục tập quán được gìn giữ lâu đời, người dân nơi đây còn vô cùng thân thiện và mến khách, đó chính là Bản Hồ.

 

Tuy không có được lợi thế gần trung tâm du lịch như các bản làng khác ở Sa Pa nhưng Bản Hồ lại có khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, những thác, ghềnh nhuốm màu huyền thoại và nhiều di sản văn hoá độc đáo khác. Trong những năm gần đây,  Bản Hồ đã tích cực khai thác thế mạnh về du lịch, thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm và trở thành một trong những địa bàn du lịch trọng điểm của huyện Sa Pa.

Xã Bản Hồ (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa gần 30km về phía tây nam. Nép mình bên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ và soi bóng xuống dòng suối Mường Hoa thơ mộng đã tạo nên cảnh sắc hữu tình cho Bản Hồ.

Khi đến Bản Hồ, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước một màu xanh mướt ngút tầm mắt của lúa nương trên những ô ruộng bậc thang, bao quanh là những quả đồi và hòa lẫn trong đó là những nếp nhà của người dân tộc nằm rải rác dọc hai bờ suối. Bản Hồ có trung tâm là thôn Bản Dền, nơi gặp gỡ của hai dòng suối Mường Hoa và La Ve.

 

Theo truyền thuyết, có đôi trai gái quen nhau trong một đêm chợ tình ở Sa Pa. Chàng trai là người Tày ở Bản Dền vốn mồ côi từ nhỏ, còn cô gái là người Giáy ở Bản Tả Van. Họ yêu nhau tha thiết nhưng chàng trai thì nghèo quá không đủ sính lễ đến hỏi cưới cô gái. Họ thường hẹn nhau bên bờ suối Mường Hoa để tình tự. Một hôm, trời mưa tầm tã, nhưng nhớ bạn tình chàng trai vẫn ngược dòng suối lên gặp người yêu ở Nậm Nà (cuối Tả Van ngày nay), họ bên nhau tình tự mãi mà không hay tai hoạ đang ập xuống. Thần nước ào đến bất ngờ kéo văng cô gái ra khỏi tay người yêu nhấn vào dòng nước đỏ gầm rú.

Chàng trai hốt hoảng nhảy theo nhưng mất dấu người yêu. Đau lòng và hận thần nước khôn xiết, ngày ngày chàng lên núi Hoàng Liên Sơn khuân đá về lấp dòng suối. Ngọn núi đá chắn giữa dòng suối Mường Hoa ngày càng cao theo nỗi nhớ nhung và buồn bã của chàng trai. Suối Mường Hoa bị tách làm đôi quấn quanh Bản Dền, rả rích đêm ngày như tiếng đàn gọi bạn của chàng trai từ khi đó.

Khác với dòng Mường Hoa ngày ngày phải mang nước đến cho hàng chục bản làng - nơi mà nó chảy qua, dòng La Ve chảy về Bản Dền từ trong tận núi cao rừng thẳm. Có lẽ vì thế mà nó cũng đẹp hơn và bí ẩn hơn và trong hơn.

Trong khu vực Bản Hồ, ngoài hai dòng suối Mường Hoa và La Ve, còn có một loạt những dòng suối, con thác khác như: Cá Nhảy, Séo Trung Hồ… là những nơi lôi cuốn sự đam mê, khám phá thiên nhiên thơ mộng của du khách. Ngoài dòng suối, con thác Bản Hồ còn có những cung đường núi đồi quanh co, uốn lượn.

Đến với Bản Hồ du khách không chỉ được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hữu tình, không gian thoáng đãng nên thơ, kiến trúc độc đáo từ những ngôi nhà sàn gỗ gắn bó lâu đời với cuộc sống của người dân tộc mà còn được sống trong môi trường du lịch thân thiện, đầm ấm và cùng tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng.

 
 

Buổi sáng, du khách sẽ được hướng dẫn tham quan vườn quốc gia Hoàng Liên, nơi có chủng thực vật, động vật vô cùng phong phú. Vì khí hậu ở Bản Hồ ấm hơn Sa Pa (trung bình từ 18 - 25OC) nên buổi trưa từ trong rừng ra du khách đã có thể hòa mình vào dòng suối Lave, ngắm thác Đá Nhảy hùng vĩ, bọt tung trắng xóa.

Sau buổi cơm trưa, chủ nhà mến khách sẽ đưa du khách đến thôn của người Dao Đỏ trên núi cao để tắm lá thuốc. Dù đoạn đường có xa và đôi chân có mỏi rã rời vì phải đi bộ thì bạn cũng đừng bỏ lỡ cơ hội có một không hai này. Lá thuốc có 18 vị, người Dao phải đi lấy tận trên rừng. Sau khi phơi khô, sao vàng rồi hạ thổ mới có thể dùng được.  Được biết  đây là bài thuốc gia truyền chỉ có người Dao mới biết và đã được Viện Y học cổ truyền Việt Nam thẩm định.

Khi mặt trời xuống núi, du khách  sẽ được đi dạo một vòng quanh bản, đến những nhà dân xem dệt thổ cẩm và có thể mua cho mình một tấm . Vào những tối cuối tuần ở bản Hồ, du khách có thể đến các nhà sàn văn hóa vui chơi ca hát cùng người dân bản địa. Mỗi dân tộc sẽ mang đến sắc màu khác nhau qua những trò chơi, điệu múa và những món ăn độc đáo mà du khách sẽ còn nhớ mãi.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]