Du lịch không còn là thú vui xa xỉ

Theo tổng cục Du lịch, dù tình hình kinh tế suy giảm và nhiều khó khăn do mưa bão, dịch bệnh, năm 2009 ngành du lịch đã đón được 3,8 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 25 triệu lượt khách du lịch nội địa với thu nhập đạt khoảng 68 – 70 ngàn tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.

0

Năm 2009 ngành du lịch đã đón được 3,8 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 25 triệu lượt khách du lịch nội địa
So với cách đây năm năm, qua khảo sát của Sài Gòn Tiếp Thị người dân đô thị Việt Nam chỉ đi du lịch trung bình một lần/năm, thì hiện nay qua báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường FTA vừa công bố trong tháng 1/2010 số lần đi du lịch đã tăng lên hai lần/năm, tuy nhiên có đến 50% người được hỏi đi du lịch thường xuyên hơn (ba đến năm tháng/lần chiếm 28%, và 22% đi du lịch hai đến ba tháng/lần).

Cũng theo FTA, hơn 50% người Việt Nam hiện nay thường đi du lịch vào các ngày lễ. Còn đi vì những ngày kỷ niệm cá nhân và gia đình chiếm tỷ lệ chưa cao (20%). Đặc biệt tết là thời điểm được chọn để đi du lịch cao nhất trong các kỳ nghỉ (65%). Người dân ở TP.HCM thích đi chơi tết hơn người Hà Nội (71% so với 59%). Kế đến là dịp lễ 30/4 và 1/5, cuối tuần cũng là dịp đi du lịch nhiều, vì vậy có đến 68% chọn tour dưới một tuần và phổ biến nhất là từ hai đến bốn ngày.

Ngân sách chi cho du lịch phổ biến từ 2 – 5 triệu đồng/người/năm, mức trung bình khoảng 5 triệu đồng/người và không có sự khác nhau nhiều giữa người Sài Gòn và Hà Nội.

Do cư dân đô thị ít có điều kiện sinh hoạt vui chơi với người thân họ hàng và gia đình, nên có đến 62% cho rằng du lịch là cơ hội để được sống gần gũi với người thân, chỉ có 5% chọn lựa đi du lịch với các đối tác làm ăn, và 32% đi du lịch với bạn bè. Điều này còn thể hiện rõ hơn khi có đến 56% chọn loại hình tour du lịch tiết kiệm (eco tour), 41% chọn tour nghỉ dưỡng (relaxing tour) và chỉ có 3% chọn tour sinh hoạt theo nhóm (tour combined team building).

Một điểm rất đáng quan tâm là 90% người tham gia cuộc khảo sát cho biết thích tự tổ chức tour đi du lịch chứ không thích đặt tour qua các công ty, và tỷ lệ này ở Hà Nội lên đến 95% và TP.HCM là 85%. Những lý do người tiêu dùng không hài lòng về các công ty du lịch là giá cả quá đắt, phải chờ đợi mất thời gian, và xe thường chở quá nhiều người. Chất lượng dịch vụ, giá cả và hướng dẫn viên chuyên nghiệp là ba yếu tố quan trọng nhất của người tiêu dùng trong sự lựa chọn tour từ các công ty du lịch, đa phần chưa được thoả mãn.

Việt Nam với hơn 60% dân số trẻ, có thu nhập ngày càng tăng và nhu cầu du lịch đã trở nên phổ biến là tiềm năng rất lớn cho ngành du lịch, tuy nhiên qua những dữ liệu vừa công bố trên đây cho thấy du lịch Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, chưa có sức bật của một ngành công nghiệp không khói đúng tầm. Làm gì để tạo điều kiện cho người dân hưởng thụ những dịch vụ đúng chuẩn và để họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn và không cho là “đắt” là bài toán không dễ.

Nguồn SGTT
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]