Du lịch kiểu hà tiện lên ngôi

Với 4 ngày nghỉ liên tiếp, dịp lễ 30/41/5 là một trong những mùa làm ăn chính trong năm của ngành du lịch. Tuy vậy, giá cả các dịch vụ tăng làm cho giá tour cũng tăng từ 10% đến 15 %.

0

Điều này làm không ít người phải đắn đo, làm sao để nghỉ ngơi vui vẻ, tiện nghi mà không bị bội chi ví tiền cho kỳ nghỉ.

Anh Đỗ Xuân Trung (ở giữa) sửa xe ngay trên chuyến đi du lịch bụi Hà Giang

Râm ran tư vấn du lịch thời tăng giá

Chưa lúc nào, việc du lịch ở đâu, ăn nghỉ như thế nào, đặt tour ra sao cho được giá gốc lại thu hút được nhiều sự quan tâm của người dân như dịp này. Những dòng quảng cáo khuyến mãi, giảm giá phòng được nhiều công ty lữ hành giới thiệu đến khách hàng. Bấy nhiêu đó chưa đủ làm an tâm những người nắm hầu bao của gia đình khiến họ tìm đến những chia sẻ của từng cá nhân về các cách tiết kiệm nhất có thể.

Trên trang web tretho thành viên có nick name thanh _an chia sẻ về kinh nghiệm đặt tour giá "mềm" cho các gia đình. "Các mẹ nên đặt tour trực tiếp từ các công ty du lịch. Không nên đặt qua các đại lý. Những nơi này thường trưng biển kiếm khách rồi bán lại cho các công ty tổ chức. Qua vài khâu như vậy nên giá thường là cao hơn 5% thậm chí có chỗ còn hơn 10% so với giá gốc”.

Thành viên này tiếp tục: “Như hồi mình đi Sa pa, có gặp một cặp vợ chồng đi du lịch trăng mật mua qua bạn thân mà đắt gấp rưỡi nhà mình, còn hồi đi Hạ Long thì cũng có một đôi yêu nhau mua bằng giá nhưng được sử dụng dịch vụ ít hơn. Đi hai chuyến du lịch mình còn biết là nếu mua hoặc đặt qua các hướng dẫn viên thì còn rẻ hơn giá đề trên trang web. Nói chúng là cũng phải vài lần đi du lịch thì mới rút ra được vài chiêu tiết kiệm".

Chị Nguyễn Thị Lan, nhân viên Công ty du lịch Trường Tồn cho rằng, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng lượng khách đặt tour dịp 30/4 không vì thế mà giảm. Hầu hết khách đều là các hộ gia đình rất ít cá nhân đặt tour. Khách hàng khi đặt tour đều hỏi rất cặn kẽ về giá cả, các dịch vụ trong tour, nói chung là khá chi tiết. Điều này cũng dễ hiểu vì mỗi người đều mong sẽ không bội chi vì chuyến đi. Mặc dù được nghỉ 4 ngày nhưng khách hàng chủ yếu chọn các tour trong nước là chính.

Chị Đặng Thị Minh, Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ: "Ngày trước thì cũng ít khi để ý nhiều đến việc giá cả tour và giá khách sạn lắm. Nhưng năm nay, nghỉ lễ dài ngày, giá cả dịch vụ lại tăng chóng mặt nên mình cũng bắt chước các bạn nước ngoài: Kiểm tra thông tin trước khi xuất phát, khảo sát giá cả dịch vụ kỹ càng".

'Điều cần lưu ý đặc biệt là vấn đề ăn và chơi, và hỏi kỹ trước khi đặt tour là mình được hưởng những dịch vụ gì, đặt ăn uống vừa đủ không để thừa mứa, không sa đà mua đồ lưu niệm, đồ mang gọn nhẹ. Quần áo kiểu cơ động, để tránh phát sinh thiếu phải mua thêm cũng như tránh nặng đỡ mệt. Chuẩn bị đầy đủ đồ ăn nhẹ ưa thích của con, cố gắng mang nước hợp lý, tích cực trò chuyện với hướng dẫn viên du lịch và mọi người để học hỏi các chiêu trả giá và các địa điểm ăn chơi rẻ nhất có thể. Mặc dù biết du lịch là phải thoái mái nhưng thời buổi khó khăn nên tự nhiên chúng tôi lại trở nên thông minh hơn trong chi tiêu".

Du lịch bụi phong cách "phượt" lên ngôi

Không vướng bận gia đình, các bạn trẻ có xu hướng quay trở lại với du lịch bụi. Dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4 và 1/5 là cơ hội vác balô đi du lịch với nhiều tín đồ của “phượt”.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, nhân viên lập trình của một công ty tại Hà Nội chia sẻ: “Ngày còn là sinh viên việc đi “phượt” là khá thường xuyên với tụi mình. Cuối tuần rảnh, cả nhóm lại tìm một địa điểm mới để đi và khám phá. Ra trường đi làm, suốt ngày trong văn phòng cũng thấy oải. Giá cả tour tăng làm cho giới trẻ bọn mình lại hào hứng quay lại với “phượt”.

Đợt nghỉ lễ này kéo dài 4 ngày, nhiều sự kiện văn hóa ở các tỉnh thành được tổ chức như pháo hoa nghệ thuật ở Đà Nẵng, Cacnavan Hạ Long, hầu hết mọi người có gia đình đều muốn đi chơi cùng cả nhà. Chính vì thế cánh độc thân ở cơ quan rủ nhau quay lại “phượt” như hồi sinh viên vừa rẻ lại không "đụng hàng" với bất cứ tour nào đã từng đi. Chi phí cho những chuyến đi như vậy chỉ từ 1 triệu /người trở xuống. Đặc biệt là có cơ hội tự tìm hiểu các món ăn vùng miền”.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của những người có "thâm niên" về du lịch bụi thì nên kiểm tra kỹ thông tin về lịch trình chuyến đi và nên đi theo nhóm từ 6 người trở lên để có thể trợ giúp lẫn nhau. Trước khi đi cần chuẩn bị kỹ các đồ dùng cá nhân, đồ sửa xe máy và nếu ở nhà dân thì nên trực tiếp đến trao đổi với trưởng bản để có chỗ nghỉ ngơi an toàn.

Anh Trung, phóng viên một tờ báo ở Hà Nội cho biết: “Trên một số diễn đàn của giới trẻ thường có những dòng tin rủ đi “phượt” cùng. Ngày trước, tôi cũng đi “phượt” cùng một thành viên trên mạng ảo. Con trai thì ít lo, chứ các bạn gái thì không nên đi cùng những người chỉ quen sơ sơ vì đi “phượt” ở các vùng miền núi phía Bắc là khá phức tạp. Phiêu lưu, mạo hiểm cũng thú vị nhưng an toàn vẫn phải nên đặt lên hàng đầu.

Đỗ Thơm

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]