Du lịch Quảng Ninh: Những định hướng mới

Vịnh Hạ Long, với những giá trị đặc biệt về cảnh quan, địa chất, địa mạo, lịch sử, văn hoá đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Gần đây, Vịnh Hạ Long thêm một lần nữa đứng trên đỉnh vinh quang khi đón nhận danh hiệu Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Ở đâu đâu, người ta cũng nhắc đến Hạ Long - Quảng Ninh. Tuy đấy là cơ hội mới nhưng ngành Du lịch Quảng Ninh cũng đang phải đối đầu với những thách thức trong định hướng phát triển gắn liền với việc bảo tồn, gìn giữ cảnh quan Vịnh Hạ Long một cách bền vững...

0

Những năm qua, hoạt động du lịch Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến; các cơ sở vật chất kỹ thuật cho phát triển du lịch, như đường, bến cảng, khu vui chơi giải trí, tàu vận chuyển khách, hệ thống thông tin liên lạc v.v.. đã từng bước đạt tiêu chuẩn quốc gia và khu vực. Hạ Long, Quảng Ninh đang thu hút ngày một nhiều khách du lịch và tình cảm của bạn bè trong nước, quốc tế. Nếu như năm 2000, lượng khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh mới chỉ đạt trên 544.000 lượt khách (bằng 25,4% so với lượng khách của cả nước), thì năm 2011 trong tổng số 6,2 triệu lượt khách, có 2,3 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu toàn ngành Du lịch đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2010. Riêng trong Tuần Du lịch Hạ Long - Quảng Ninh 2012, khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt gần 500.000 lượt khách, tăng 25% so với năm 2011...

Để tiếp tục duy trì được vị thế của mình, thời gian qua, Quảng Ninh đã đầu tư và thu hút đầu tư gần 20 dự án phát triển du lịch và dịch vụ, tổng vốn đạt gần 5.200 tỷ đồng. Trong đó, 8 dự án đầu tư hạ tầng khu du lịch với tổng mức đầu tư được phê duyệt bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 4.000 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 852 cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó, có 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao với gần 500 buồng; 11 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, với 1.884 buồng; 16 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, với 1.102 buồng… Tổng số tàu vận chuyển và lưu trú khách du lịch gần 500 chiếc, với tổng vốn đầu tư 650 tỷ đồng...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, để phát triển, ngành du lịch vẫn còn nhiều việc phải làm. Cụ thể, việc xây dựng hoàn thiện đề án Phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2012-2020, định hướng đến 2030 đã và đang được gấp rút hoàn thiện. Theo đó, việc khai thác giá trị du lịch của kỳ quan sẽ luôn song hành với việc bảo vệ, gìn giữ và tôn tạo. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu dịch vụ ven bờ, những vùng đệm lân cận nhằm “giảm tải” cho Vịnh Hạ Long cũng được tính đến nhằm bảo tồn, khai thác có hiệu quả giá trị của Vịnh Hạ Long. Một việc cần làm nữa của du lịch Quảng Ninh là đào tạo đội ngũ lao động phục vụ trong ngành du lịch có chất lượng cao, chuyên môn tốt, đủ tiêu chuẩn phục vụ du lịch quốc tế...

Theo ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, việc tiên quyết nhất của Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung đó là gấp rút xây dựng kế hoạch đầu tư và sớm hoàn thiện các sản phẩm du lịch có chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế, các sản phẩm vui chơi giải trí, dịch vụ phụ trợ nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách. Hiện nay, một tổ hợp vui chơi giải trí quốc tế đang được lên kế hoạch đầu tư xây dựng tại Vân Đồn. Cùng với đó, các công trình vui chơi, giải trí có đẳng cấp ở Hạ Long như: Bến du thuyền Vịnh Hạ Long, du lịch lặn biển, dịch vụ leo núi, các trung tâm thương mại, mua sắm lớn, trò chơi cảm giác mạnh… cũng đang gấp rút lên kế hoạch chi tiết và kêu gọi đầu tư. Đặc biệt, dự án Bến du thuyền Vịnh Hạ Long đang được triển khai xây dựng trên đảo Tuần Châu sẽ là một điểm nhấn đầy sức thuyết phục của du lịch Hạ Long - Quảng Ninh trong tương lai.

Đồng thời với đó là việc tập trung phát triển tuyến du lịch Uông Bí, Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái, gắn với phát triển các không gian du lịch đặc thù; nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long. Đồng thời, hình thành các khu du lịch sinh thái biển cao cấp, du lịch văn hoá và đa dạng hoá sản phẩm du lịch thuộc vùng đệm Vịnh Bái Tử Long, khu di tích danh thắng Yên Tử, khu di tích lịch sử Bạch Đằng... Việc tổ chức khai thác hiệu quả các giá trị đặc thù về biển đảo, văn hoá, sinh thái, biên mậu v.v.. để tạo các sản phẩm du lịch đặc thù, tăng sức cạnh tranh, tính chuyên nghiệp, đẳng cấp của du lịch Hạ Long - Quảng Ninh trong khu vực và trên thế giới cũng cần được quan tâm. Công tác phát triển du lịch phải luôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, giá trị di tích, di sản trên địa bàn tỉnh.

Việc tiên quyết nhất của Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung đó là gấp rút xây dựng kế hoạch đầu tư và sớm hoàn thiện các sản phẩm du lịch có chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế, các sản phẩm vui chơi giải trí, dịch vụ phụ trợ nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách.
 


Báo Quảng Ninh
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]