Du lịch vẫn làm ăn theo lối “bóc ngắn cắn dài”

(Dân trí) - Dù sở hữu những điểm đến tuyệt đẹp, các món ăn ngon rải rác ba miền song du lịch Việt Nam vẫn đang để mất dần lượng lớn du khách vì những ấn tượng xấu xí và lối tư duy làm ăn "bóc ngắn cắn dài".

15.5878

Sản phẩm du lịch nghèo nàn là một nguyên nhân gây ra sự nhàm chán cho du khách mỗi khi đến Việt Nam

Đại diện một doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội cho rằng; tư duy làm du lịch của đại đa số người Việt Nam vẫn theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”. Dù hành vi niêm yết 2 giá bị cấm ở những điểm du lịch có đông du khách nước ngoài vẫn xảy ra tình trạng giá bán vé dịch vụ, giá cho thuê phòng khách sạn đối với người Việt Nam và người nước ngoài chênh lệch theo hướng khách nước ngoài phải chịu mức giá cao hơn.

Agnass - một du khách đến từ Anh trong một lần tới Việt Nam đã chia sẻ trên một trang web rằng; giá dịch vụ ở Việt Nam cho khách nước ngoài đắt hơn nhiều so với khách trong nước nên không ai chịu bán đúng giá cho đoàn của cô … Cô và những người đi cùng đoàn tỏ ra thất vọng, và rất không thoải mái với kiểu “phân biệt” đó.

Bên cạnh đó, tình trạng chèo kéo, nài ép du khách mua hàng, dọa dẫm, bắt chẹt khách diễn ra ở nhiều nơi, với cả du khách trong nước và du khách nước ngoài. Thêm vào đó một điểm quan trọng không kém là thái độ thân thiện của người dân sở tại đối với khách du lịch. . Thực trạng này được cảnh báo từ nhiều năm trước, nhưng chưa có giải pháp khắc phục, mà mỗi năm một thụt lùi.

Dù sở hữu những điểm đến tuyệt đẹp, các món ẩm thực thơm ngon rải rác ba miền hay có và sự thân thiện, Việt Nam vẫn đang để mất dần lượng lớn du khách vì những ấn tượng xấu xí..

Du khách nước ngoài đến Việt Nam thường trở thành "miếng mồi béo bở" của những người buôn bán dạo, ăn xin hoặc bán vé số. Hình ảnh một du khách bị vây quanh bởi 3-4 đứa trẻ xin tiền, bán kẹo cao su hay người bán hàng không hề xa lạ với nhiều người.


Nguyên nhân đầu tiên mà khách du lịch khó chịu khi đến Việt Nam là tình trạng “chặt chém”.
 

Từ lâu nay, người dân Việt Nam vẫn được biết đến là một dân tộc thân thiện, hiếu khách. Tuy vậy, trong lĩnh vực du lịch, tư duy “bóc ngắn cắn dài” vẫn còn tồn tại gây mất thiện cảm cho du khách quốc tế khi đến với Việt Nam có tiếng thân thiện, mến khách từ bấy lâu nay.

HDV lâu năm làm việc tại một doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng chia sẻ; nguyên nhân đầu tiên mà khách du lịch khó chịu khi đến Việt Nam là tình trạng “chặt chém”. Họ luôn cảm thấy như bị lừa. Chuyện mời chào ở các khu du lịch thật khủng khiếp. Nhiều nơi người bán hàng ra lôi tay khách vào, thậm chí ép khách mua. Nếu không mua thì bị nói xấu, kêu ca, thậm chí chửi bới.

Ở một số thành phố, gần đây dư luận không khỏi giật mình vì hiện tượng kẻ gian còn ăn mặc đàng hoàng vào thuê phòng khách sạn bằng giấy tờ giả để theo dõi du khách. Khi thấy họ rời phòng đi ra khỏi khách sạn chúng dùng khóa vạn năng mở cửa để ăn cắp tài sản rồi tẩu thoát. Sự vụ chỉ bị phát hiện khi khách đi chơi trở về phòng và thấy tài sản của mình bị mất.

Những việc xảy ra tưởng như “đau lòng” đối với ngành du lịch Việt Nam mới đây, song nhìn lại nó đã xảy ra thường xuyên từ khá lâu. Thế nhưng, ngành du lịch Việt Nam cho tới nay vẫn chưa tìm ra lối thoát. Nguyên nhân thì có nhiều song cơ bản vẫn bắt nguồn từ lối tư duy của ngành du lịch nước nhà. Nhiều người cho rằng “thủ phạm” đứng đằng sau thực trạng du lịch Việt Nam hiện nay vẫn là tư duy du lịch.

Có thể nói rằng, còn quá ít người, ít cơ quan, doanh nghiệp ở Việt Nam đưa ra được chiến lược phát triển bền vững theo hướng nhìn thấy được những việc mình cần làm để du lịch phát triển.

Cùng với đó, số đông vẫn khai thác cái lợi trước mắt coi du lịch là một ngành kinh tế không cần đầu tư chiến lược, bởi vậy, các điểm đến của du khách ngày càng nhàm chán, không những thế còn bị phá hủy, bị bê tông hóa, cơ giới hóa làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên được nhiều người ưa thích vốn có của nó.

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2015, nước ta đặt mục tiêu đón từ 7 đến 7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 36 - 37 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 10 - 11 tỷ USD. Và vào năm 2020 sẽ là 10 - 10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 47 - 48 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 18 - 19 tỷ USD.

Để đạt được những mục tiêu trên là việc không dễ dàng. Bởi theo thống kê, có tới 85% du khách không muốn quay trở lại Việt Nam, mặc dù khi mới đến, họ đều thán phục trước các danh lam thắng cảnh của Việt Nam, ít nơi nào có được.

Sự thật có thể phũ phàng, nhưng chỉ khi nhìn nhận thực tế thì du lịch Việt mới khởi sắc và phát triển mạnh mẽ.

Song An

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]