Bước chân xuống Kuala Lumpur - Malaysia, tôi hỏi hướng dẫn viên tên Lệ: “Muốn uống bia ở KL (cách gọi tắt của Kuala Lumpur) thì làm thế nào?”. Lệ cảnh báo: “Bia ở đây khó tìm, nói chung là đắt, nếu không quá thèm, các anh nên nhịn nhậu, không nhịn được thì đêm có thể ra một chỗ mà ai tới KL chưa ghé qua là chưa thực sự biết KL. Đó là phố Jalan Alor, Jalan là phố, Alor là tên. Cứ lên taxi nói hai tiếng đó, họ chở tới nơi”.

Muốn có khách, phải cười

Lệ người Nam Định, tốt nghiệp Đại học sư phạm ngoại ngữ, giờ làm dâu ở Kuala Lumpur.  Cô là hướng dẫn viên chuyên nghiệp cho những đoàn khách từ Việt Nam sang, cũng có thể là khách Trung Quốc vì cô học chuyên ngành tiếng Trung.

Chồng Lệ là nhân viên khách sạn, theo đạo Hồi. Lệ kể chuyện tình duyên của mình y hệt như cách cô giới thiệu những địa điểm du lịch ở Kuala Lumpur: “Em tốt nghiệp xong thì lên Móng Cái đi tour khách Trung Quốc được khoảng 5 năm, suýt nữa làm dâu Quảng Ninh. Sau một thời gian thấy chán, về Hà Nội làm hướng dẫn các đoàn đi một số nước Đông Nam Á”.

Lệ đến Kuala Lumpur và lọt mắt xanh một anh chàng đạo Hồi làm lễ tân. “Em chết vì cái mắt đẹp của thằng chả - Lệ cười nói - Lúc đầu về xin lấy chồng Malaysia, bố mẹ cũng không có ý kiến nhiều, nhưng nói thật, nếu ngày đó biết văn hóa, phong tục của người theo đạo Hồi quá khác biệt thế  này, chắc các cụ không đồng ý”.

Lệ bảo, chính vì tỉ lệ người theo đạo Hồi ở Malaysia rất cao nên chuyện nhậu nhẹt bia rượu là cực hiếm. Tìm quán nhậu ở Kuala Lumpur theo đúng nghĩa là “nhậu” ít lắm. Khách tây, ta cứ nhè Jalan Alor mà thẳng tiến.

Jalan Alor đúng là nổi tiếng, nhất là khoản ẩm thực đường phố và bia. Có lẽ, đây là nơi hiếm hoi đám bia rượu có thể ngồi đến 3 giờ sáng ở Kuala Lumpur. Chúng tôi đi bộ từ khách sạn, tại Time Square, khoảng 1km thì tới Jalan Alor. Người đi bộ vai chen vai, la liệt là khách… nhậu tràn ra lòng đường. Hầu hết là quán của người gốc Hoa.

Quang cảnh ồn ào của Jalan Alor. Ảnh: H.L 

Đi giữa Jalan Alor, người ta có cảm giác gần giống với những con phố ăn đêm nổi tiếng như Khao San ở Bangkok (Thái Lan), đặc biệt giống phố đêm “19 street” ở thành phố Yangon (Myanmar). Vẫn là bàn ghế lô xô, tiếng mời chào lanh lảnh, trên là trời, dưới là… đồ nướng.

Có một điều khá nghịch lý thế này, nếu ở Việt Nam xăng đắt nhưng bia cực rẻ, thì ở Malaysia ngược lại. Xăng ở đây tính tiền Việt chỉ khoảng 11.000 VNĐ/ lít, trong khi 1 chai bia Tiger có giá hơn 100 ngàn đồng. Lý do xăng rẻ là Malaysia gần như không tính thuế nhập khẩu xăng, trong khi họ không khuyến khích uống bia, đánh các loại thuế vào bia.

Nằm ở giữa Jalan Alor là mấy quán ăn Việt Nam. Chủ quán ở Việt Nam sang đây kinh doanh. Nổi bật là Little Vietnam ghi bán đồ biển và đồ nướng. Có vẻ nơi đây dành cho du khách Việt, hoặc người Việt ở Kuala Lumpur nên mấy món ăn ghi bằng tiếng Việt rất rõ ràng: Phở, lẩu, đồ nướng. Một quán khác nằm ngay trung tâm Jalan Alor mang tên Saigon Station.

Điểm giống nhau ở hai quán Việt Nam này là khá vắng khách trong khi những quán ăn bên cạnh nườm nượm người. Lệ giải thích: “Nó là vấn đề của du lịch Việt Nam đấy. Anh có thấy không, ở những hàng quán xung quanh người ta mời chào đon đả, nồng hậu khách qua đường. Còn mấy quán Việt Nam thì không. Người ta bảo người Việt mình “đi nhanh, ăn chậm, hay cười” là không đúng đâu. Những khách quốc tế mà em làm hướng dẫn khi biết em là người Việt đều chia sẻ rằng họ không thực sự cảm thấy những người làm ngành du lịch Việt Nam cười nhiều, cái cười nồng hậu, mến khách.

Vẻ “nghiêm trọng hóa” có thể gặp từ nhân viên lễ tân khách sạn cho tới người lái taxi. Cảm giác khó gần. Từng đi tour ở cả hai nơi, em thấy phương thuốc đầu tiên của du lịch Việt là “phải cười nhiều”, muốn có khách thì phải cười. Anh phải mời, phải tiếp thị, phải niềm nở mới có khách. Thật ra, cảnh đẹp ở Malaysia không nhiều và đặc sắc như ở Việt Nam nhưng mình thua kém hoàn toàn về du lịch so với Malaysia là bởi cách làm, và em nghĩ cũng bởi mình chưa học cách cười”.

Chúng ta có nhiều chiến lược để phát triển du lịch nhưng có lẽ thường quên coi khách du lịch như thượng đế. Lời chia sẻ của Lệ làm tôi nhớ đến mấy ghi chú của Matt Kepnes – một blogger nổi tiếng về du lịch người Mỹ - khi anh này thẳng thắn tuyên bố: “Sẽ không quay lại Việt Nam”.
Quán Little Viet Nam nằm chơ vơ giữa Janlan Alor náo nhiệt 

Bài viết của Matt Kepnes có đoạn: “Một người bạn của tôi đã phải mua hàng với giá đắt. Một lần bạn tôi mua chuối và người bán hàng đã bỏ đi trước khi đưa lại tiền thừa. Tại một siêu thị, bạn tôi đã phải nhận Chocolate thay vì tiền thối thông thường. Hai trong số bạn bè của tôi đã ở Việt Nam trong 6 tháng, và họ đã kể lại rằng người Việt Nam luôn thô lỗ với họ bất chấp với việc họ đã trở thành “dân địa phương”. Hàng xóm không hề thân thiện với họ… Sau ba tuần ở Việt Nam, tôi không thể nào thích nghi đủ nhanh và tôi cảm thấy vui khi không bao giờ quay trở lại đây nữa”. Những chia sẻ đó thật đau.

Hút khách đâu chỉ nhờ... "khu nhạy cảm có"

Tôi hỏi Lệ về loại hình dịch vụ nhạy cảm mà nhiều du khách nam giới quan tâm khi đến Bangkok (Thái Lan), Malina (Philippines) hay Singapore là các dịch vụ liên quan đến sex như sex show, thậm chí là mại dâm. Lệ nói: “Đàn ông đạo Hồi có thể lấy nhiều vợ. Nhưng tuyệt đối không được ngoại tình và quan hệ gái mại dâm. Vì thế, nếu có dịch vụ đó ở đây thì khả năng ế khách là rất cao, vả lại luật pháp cũng khá chặt chẽ…

Tuy nhiên, nếu ra Jalan Alor anh cũng có thể gặp một “bạn gái Việt Nam” mời chào”. Tôi hiểu ý Lệ, chuyện nhiều cô gái Việt Nam sang Singapore rồi thâm nhập vào những ổ mại dâm ở khu Gaylang không hiếm và có thể khi bị chặn ở sân bay họ tìm cách sang Malaysia.

Malaysia,  muốn chơi cờ bạc phải leo tít lên Genting, không có mại dâm thì lấy gì để phát triển du lịch? Ông Azizan Noordin - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Malaysia cho rằng: “Du khách đến Malaysia thuần giải trí chiếm tỉ trọng nhỏ, họ đến vì nhiều thứ hấp dẫn khác”.
Nhạc sống 

Ông Azizan Noordin đưa ra số liệu, doanh thu từ du lịch, tỉ trọng đến từ tiền lưu trú và mua sắm (shopping) chiếm tới hơn 60%, lĩnh vực thuần giải trí chỉ dao động từ 2-3%. Ấy vậy mà bất chấp hai sự kiện của ngành hàng không nước này năm 2014, ngành du lịch Malaysia vẫn “sống sót” và phát triển với con số 27,5 triệu lượt khách trong năm 2014 (năm 2015 dự kiến 29 triệu) và doanh thu là gần 80 tỉ Ringgit, tương đương 20 tỉ USD. Ông Azizan Noordin còn cho biết kỹ hơn, tức là mỗi giờ, Malaysia kiếm được từ du lịch khoản tiền là 8,24 triệu ringgit (hơn 2 triệu USD) - quả là số tiền không nhỏ.

Tôi ngồi ở quán bia giữa Jalan Alor và nhẩm tính, dân số Malaysia  30 triệu người, và họ thu hút tới 29 triệu lượt khách/năm. Còn Việt Nam, dân số hơn 90 triệu nhưng lượng khách chưa vượt qua con số 10 triệu và nguy cơ bị mất khách vào những thị trường du lịch mới nổi như Lào, Campuchia và Myanmar. Lệ nói với tôi: “Làm du lịch có nhiều cái lạ lắm, không chỉ là phải “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, mà còn phải “vẽ” cho người ta cách tiêu tiền.
 Đồ Nướng ngập tràn

Thông thường khách đến Malaysia tiêu khoảng 1000USD/lần thì ở Việt Nam chỉ khoảng 300 USD/ lần là bởi mình không có chỗ cho người ta tiêu tiền. Shopping không có gì đặc biệt, mại dâm, cờ bạc bị cấm, hàng lưu niệm manh mún, không ấn tượng… Anh thử nói cho em xemc, đến Hà Nội, TPHCM khách có bao nhiêu chỗ chơi, chỗ tiêu tiền. Hạ Long là nơi có thắng cảnh đẹp ăn đứt Langkawi nhưng dịch vụ tẻ nhạt, đi thuyền thăm đảo rồi lại về, bao nhiêu năm nay vẫn thế…”

 Môt tiệm bánh mì Việt
Con đường từ Jalan Alor trở về khách sạn sau lúc 0 giờ vẫn khá tấp nập. Chúng tôi dùng những chiếc smart phone đắt tiền thoải mái chụp ảnh Kuala Lumpur về đêm. Không một chút lo lắng nạn cướp giật. Và bỗng nhớ, mới rồi, ở TPHCM, có nghe đến đề xuất lập phố… nhạy cảm, nói thẳng là phố đèn đỏ hay lập bản đồ thường xuyên có cướp giật để thông tin cho du khách biết đường mà tránh… Không lẽ những điều ấy cũng để “kích cầu” du lịch? Du lịch mà vá chằng vá đụp "như váy chị Dậu" thì rồi sẽ đi đến đâu?
Tôi nhớ nụ cười của cô gái gốc Hoa lúc tính tiền. 150 Ringgit cho 5 chai bia Tiger loại to, tương đương với 700.000 đồng. Một cái giá quá “chát”. Nhưng nụ cười nồng ấm của cô bé ấy khiến nhiều người như tôi muốn quay lại Jalan Alor, muốn quay lại Kuala Lumpur…