Du lịch xuyên quốc gia: Cơ hội và giải pháp

Việc 4 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar liên kết phát triển du lịch thành 1 điểm đến sẽ mở ra nhiều cơ hội...

15.6023

Vịnh Hạ Long, một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.

Việc 4 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar liên kết phát triển du lịch để thành 1 điểm đến sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để gặt hái được hiệu quả như mong muốn thì còn nhiều việc cần làm.

Cơ hội đầu tư mới

Trong khuôn khổ hội chợ du lịch quốc tế Tp.HCM lần 7 (ITE HCMC 2011), và hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch quốc tế “4 quốc gia - 1 điểm đến”, các chuyên gia nhận định, sắp tới Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar sẽ có làn sóng đầu tư vào các dự án hạ tầng, khách sạn, khu nghĩ dưỡng, khu vui chơi giải trí… Thông qua liên kết cùng phát triển du lịch của 4 nước tạo thành điểm đến chung cho du khách là điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư quốc tế quan tâm nhiều hơn.

Niềm tin này dựa trên sự tương đồng về văn hóa của 4 quốc gia cùng rất nhiều những thắng cảnh đẹp, di sản văn hóa. Cho nên kết hợp được để tạo thành 1 tour đi xuyên suốt các điểm giữa 4 nước sẽ rất hấp dẫn du khách.

Thống kê của Tổng cục Du lịch Lào cho thấy, hiện nước này đang có trên 1.028 điểm du lịch đang chờ đầu tư để phát triển hạ tầng và dịch vụ. Lào cho phép doanh nghiệp nước ngoài sở hữu 100% trong lĩnh vực khách sạn và nhà hàng, còn tối thiểu 30% và tối đa 70% cổ phẩn trong các dự án lập doanh nghiệp du lịch lữ hành. Du lịch là ngành đóng góp ngoại tệ thứ 2 sau khai khoáng mỏ tại Lào. Tốc độ tăng trưởng du lịch của Lào trong 20 năm qua là 29%/năm.

Còn ở Myanmar, yêu cầu vốn tối thiểu 300.000 USD đối với ngành dịch vụ, nhà đầu tư nước ngoài có thể liên doanh với 1 đơn vị tại nước này với mức góp vốn tối thiểu 35%. Hiện Myanmar đang có 36 dự án đầu tư khách sạn với tổng cộng 6.560 phòng, trong đó 31 dự án đã hoàn thành.

Như thông tin dự báo của tổ chức du lịch thế giới, dòng khách du lịch trên thế giới đang có xu hướng chuyển dần sang các nước khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Trong năm 2010, khu vực này đã vượt cả châu Mỹ và là khu vực thứ 2 trên thế giới sau châu Âu về lượng khách du lịch đến, chiếm 22% thị phần, như dự báo đến 2020 thị phần sẽ tăng tiếp đạt 27%. Trong đó, riêng khu vực ASEAN hiện đang chiếm 36% lượng khách và 38% thu nhập của toàn ngành trong khu vực. Như thống kê và khảo sát của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, cứ 10 khách quốc tế đến Việt Nam là có 4 khách chọn hướng đi kết hợp tham quan nhiều điểm đến, trong đó 3 khách chọn Lào, Campuchia hay Myanmar. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng.

Cần nỗ lực thật sự

Đây không phải là lần đầu các nước trong khu vực ngồi lại với nhau bàn chuyện chung tay phát triển du lịch. Những năm qua, 3 nước Việt Nam, Lào, và Campuchia cũng đã từng nêu ý tưởng liên kết. Cũng đã có dự án “phát triển bền vững du lịch  tiểu vùng sông Mê Kông” do Ngân hàng ADB hỗ trợ cho Việt Nam, Lào, Campuchia triển khai, nhằm thực hiện các hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, hỗ trợ người nghèo và hợp tác tiểu vùng về du lịch. Ở giai đoạn 1 từ 2003-2009, Tiền Giang và An Giang là địa phương của Việt Nam được chọn tham gia vào dự án. Tuy nhiên, kết quả cũng chưa nhiều.

Đối với mối liên kết 4 nhà, nhiều doanh nghiệp cho biết cũng đã có sự chuẩn bị. Ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Saigontourist cho biết, công ty đã có sự chuẩn bị để khai thác “4 quốc gia - 1 điểm đến” bằng chương trình khảo sát tour xuyên Đông Dương và Myanmar; phát hành ấn phẩm về thông tin du lịch  của 4 nước này.

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng xác định vai trò của 4 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar rất quan trọng trong phát triển du lịch. Hiện tại, hãng hàng không này đã tăng tầng suất của 4 đường bay đến 3 điểm gồm Siem Reap, Phnom Penh (Campuchia), Vientiane (Lào) từ 59 chuyến/tuần lên 106 chuyến/tuần.

Ông Nguyễn Thượng Hoàng Hải, Trưởng ban Tiếp thị và Sản phẩm Vietnam Airlines cho rằng, để mối hợp tác của 4 nước thành công cần sự đồng bộ từ chính sách, có cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành và doanh nghiệp. Như vậy mới có thể có 1 môi trường hợp tác đầu tư thuận lợi. 4 nước cần có 1 chương trình phát động điểm đến chung cụ thể trong xây dựng hình ảnh “cụm quốc gia điểm đến”; có chính sách thu hút đầu tư, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng du lịch, hàng không, và hạ tầng hỗ trợ để giảm chi phí hoạt động. Đồng thời tiến tới giải pháp “1 visa đi 4 nước” theo mô hình của các nước châu Âu trong cộng đồng Schengen áp dụng. Rồi xây dựng cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch trọn gói để đạt được sản phẩm du lịch có chất lượng.

Để thúc đẩy mối liên kết giữa các nước trong phát triển du lịch, ông Vương Đình Lam, Giám đốc phụ trách Hàng hải - Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài (CFIS Vietnam) cho rằng cần sự đầu tư về cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi. Hiện lượng khách du lịch đến các địa phương bằng đường thủy ngày càng tăng, song tàu khách du lịch đang phải cập cảng nhờ các tàu hàng, vì các tỉnh thành chưa có bến tàu du lịch riêng. Trong khi Việt Nam chưa có văn bản nào liên quan đến phát triển cảng biển đểp phục vụ du lịch.

Bản quy hoạch cảng biển đến 2020 và định hướng 2030 cũng chưa nêu rõ quy mô, tổng mức đầu tư và chi tiết các cảng tàu khách du lịch. Các cảng tàu khách hiện tại đều do doanh nghiệp đầu tư, do là nhà nước chưa có chủ trương đầu tư cảng tàu khách bằng vốn ngân sách. Việt Nam chưa có tuyến hàng hải trên biển nối giữa các vùng miền và liên kết các nước trong khu vực, chưa có đội tàu khách chở hàng khách đến các nước trong khu vực. Ngay trong quy hoạch cảng tàu biển và quy hoạch phát triển du lịch cũng không đề cập đến tầm quan trọng của tuyến tàu khách.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]