Đưa giao hưởng đến gần công chúng bằng sách quý

Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Ngô Hoàng Dương (ảnh) là người nghệ sỹ cao niên suốt đời gắn bó với Hà Nội. Ông là tác giả của ca khúc “Hướng về Hà Nội” luôn chứa chan, da diết với bao thế hệ người yêu nhạc, yêu Hà Nội. Ông vừa biên dịch thành công một cuốn sách về âm nhạc, một công trình lớn để giới thiệu nhạc giao hưởng đến với công chúng Việt Nam.

0

Khát khao đưa nghệ thuật đỉnh cao đến công chúng

Là một tác giả khí nhạc và ca khúc có nhiều thành tựu, là người có công đầu xây dựng bộ môn cello và khoa đàn dây của Nhạc viện Hà Nội, nhưng Phó Giáo sư Hoàng Dương không nản lòng giữa những hỗn độn văn hóa và các ca khúc xô bồ ít tính nghệ thuật đang đầy rẫy hiện tại. Từ niềm mong muốn lớn là làm sao đưa được nghệ thuật đỉnh cao đến với công chúng, ông đã say sưa thực hiện một cuốn sách về âm nhạc, một công trình lớn để giới thiệu âm nhạc có giá trị văn hóa cao của nhân loại đến với công chúng Việt Nam.

Ông cho biết, thời gian biên dịch tác phẩm “Âm nhạc giao hưởng phương Tây/Tác giả-tác phẩm” (Guide de la musicque symphonique trong bộ sưu tập Les indispensables de la musique, Nhà xuất bản Fayard, Pari 1999) không thể tính được chính xác. Ngay cả lúc đi nghỉ hè hay đi du lịch ở đâu đó ông cũng gỡ từ cuốn sách đang biên dịch ra một số lượng trang nhất định để mang đi tranh thủ làm. Cứ thế, những bản thảo viết tay lần lượt ra đời và chất chồng như không đếm xuể.


Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Ngô Hoàng Dương đã chia sẻ rằng, niềm khao khát đem kiến thức hàn lâm cập nhật vào đời sống âm nhạc hôm nay đã thôi thúc ông một cách tự nhiên. “Tôi luôn thấy rất tiếc khi mấy trăm người trên sân khấu chơi những bản nhạc tuyệt diệu nhất của nhân loại mà khán giả ở mình lại không hiểu được”, ông nói. Và ông đã nối một nhịp cầu để những người quan tâm có thể hiểu được nhạc giao hưởng. Đọc cuốn sách, người yêu nhạc sẽ thấy nhạc giao hưởng không phải là thứ âm nhạc hoàn toàn xa lạ và khó tiếp nhận như nhiều người đã nghĩ.

Nhạc giao hưởng có vị trí là quy chuẩn giá trị

Ông nói: “Tôi muốn giúp cho người nghe hiểu. Kể cả các nghệ sỹ chuyên nghiệp cũng có thể tìm hiểu và nắm vững về các tác phẩm. Cả các tác giả sáng tác khí nhạc, sáng tác ca khúc ở ta có thêm tài liệu học tập, tìm hiểu. Không phải công chúng không thích nhạc giao hưởng mà do họ không được tiếp cận. Không hiểu thì làm sao có thể yêu?” .

Cuốn sách được sắp xếp theo thứ tự từ điển với 197 nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới cùng tác phẩm của họ mà ở đó các kiệt tác âm nhạc được nổi lên như những lâu đài đã được “xếp hạng”. Cuốn sách “Âm nhạc giao hưởng phương Tây/ Tác giả - tác phẩm” của Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Ngô Hoàng Dương có điểm cả 9 bản giao hưởng của Beethoven để giúp người đọc có thể hiểu về các bản giao hưởng. Nhạc sỹ Hoàng Dương cho biết: “Chopin viết hai Concerto, người thưởng thức cũng cần biết cái nào viết trước, cái nào sau, hoàn cảnh sáng tác và lai lịch các bản hòa tấu lớn, có giá trị văn hóa đặc sắc như thế”.

Hỏi về động lực để thực hiện công trình lớn như thế, Phó Giáo sư kể: “Tôi cứ thế mà làm thôi, có cần ai biết đâu. Khi ra sách có người đã nói, phải cảm ơn cụ Trúc Khê - cụ thân sinh ra tôi, đã cho tôi có trí tuệ như vậy trong suốt những năm ngoài 70 tuổi đến 80 tuổi. Và phải cảm ơn bà nhà tôi đã chăm sóc, lo toan mọi việc của gia đình để tôi chú tâm làm”.

Khi phóng viên tỏ ý muốn chúc mừng ông rằng nhạc giao hưởng ngày càng có nhiều công chúng hơn và như vậy thì văn hóa thưởng thức âm nhạc đang có dấu hiệu đi lên, thì Phó Giáo sư cũng rất lạc quan cho rằng: “Đáng mừng lắm chứ vì việc diễn nhạc hàn lâm đang phổ biến ở nhiều buổi lễ. Quốc hội tiếp khách cũng ‘“dùng” nhạc đàn dây. Theo tôi đó là hợp lẽ, là quy chuẩn có giá trị”.

Nguyễn Kim Anh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]