Đua từ đồng cỏ đến ly sữa

Thị trường sữa hiện nay chủ yếu nằm trong tay một số “ông lớn”, các DN nhỏ chia nhau phần ít ỏi còn lại. Trước sự lấn sân của các hãng sữa ngoại nhờ ưu thế thương hiệu, một số DN Việt Nam đã có những hướng đi riêng, xây dựng chiến lược và tính cách khác biệt cho thương hiệu.

15.5808

Mạnh đầu tư tiền

Nhận thức chất lượng là yếu tố quan trọng đầu tiên trong việc xây dựng thương hiệu, các DN sữa đã nâng cấp nhà máy, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, đạt chất lượng quốc tế.

FrieslandCampina Việt Nam (FCV) đã đầu tư trên 135 triệu USD cho hai nhà máy sữa hiện đại ở Hà Nam và Bình Dương và đang đầu tư thêm trên 12 triệu USD để nâng cấp nhà máy sản xuất sữa tiệt trùng tại Bình Dương.

Ông Jan Wegenaar, Giám đốc Sản xuất của FCV, cho biết, FCV đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng “Từ đồng cỏ đến ly sữa” xuyên suốt toàn bộ chuỗi cung ứng, sản xuất để luôn đảm bảo chất lượng và an toàn cho tất cả sản phẩm được cung cấp trên thị trường.

Các nhà máy của FCV đã và đang áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008, hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ISO 22000:2005 và hệ thống quản lý môi trường ISO 14001: 2004. Song hành việc đầu tư này, FCV còn liên tục nghiên cứu tăng thêm giá trị dinh dưỡng của các sản phẩm”.

Tương tự, Hanoimilk cũng đang đầu tư 80 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất sữa thứ hai tại Vĩnh Phúc, công suất 40 triệu lít/năm, nhằm tăng sản lượng sữa lên 80 triệu lít/năm và mở rộng thêm thị phần tại miền Nam với 21 sản phẩm sữa.

Sau một thời gian vươn tay sang lĩnh vực cà phê và bia không hiệu quả, Vinamilk cũng đã trở về với lĩnh vực cốt lõi bằng việc tăng tốc đầu tư và kỳ vọng sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2012.

Cụ thể, giai đoạn 2011-2012, Vinamilk đã đầu tư 120 triệu USD vào nhà máy sản xuất sữa nước tại Bình Dương, 120 triệu USD nhà máy chế biến sữa bột tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và 23 triệu USD cho nhà máy sản xuất sữa tươi, sữa chua tại Đà Nẵng.

Nutifood cũng đã nâng cấp hệ thống quản lý, đầu tư dây chuyền sản xuất sữa bột và sữa tươi của Đức, riêng dây chuyền sữa tươi có công suất 12.000 hộp/giờ, là dây chuyền hiện đại nhất trong khu vực hiện nay. Các công ty khác như: Hancofood, Mộc Châu, Ba Vì... cũng đầu tư chu trình sản xuất khép kín và đã có những sản phẩm vượt trội về chất lượng.

Nhỏ tìm ngách hẹp

Có thể thấy đây là thời điểm cạnh tranh gay gắt giữa các loại sữa và giữa sữa ngoại - sữa nội, kéo theo cơn lốc quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi của các hãng sữa. Có những hãng sữa nội tung ra tới 2 tỷ đồng cho một chương trình khuyến mãi, cho thấy mức độ khốc liệt của cạnh tranh.

Mặc dù vậy, ở bình diện chung, thị trường sữa bột đến nay vẫn phân khúc rõ rệt, sữa ngoại dành cho những người có thu nhập cao, sữa Việt Nam chỉ chiếm thị phần lớn ở đối tượng thu nhập trung bình. Khó cạnh tranh với các thương hiệu sữa ngoại ở phân khúc sữa bột cao cấp, các công ty sữa trong nước đã nỗ lực tìm hướng đi riêng.

Nắm bắt thị trường sữa tươi sẽ là nhu cầu lớn và là phân khúc bỏ trống của các thương hiệu sữa nước ngoài, một số công ty sữa trong nước đã chọn sữa tươi làm sản phẩm chủ lực và đã đầu tư dài hạn, bền vững vào lĩnh vực này.

Cụ thể Vinamilk, FCV, TH Milk, Hanoi Milk, Công ty sữa Ba Vì... đều tập trung mũi nhọn vào sản phẩm sữa tươi và để chủ động nguồn nguyên liệu.

Do đến sau, TH Milk đã tìm sự khác biệt bằng tên gọi “Sản phẩm sữa sạch”- TH True Milk, đi song hành với chiến lược phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ “TH True Mart” đang thực hiện tại Hà Nội và Nghệ An.

Để có sản phẩm sữa sạch, TH True Milk cũng đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa sạch lớn nhất Đông Nam Á với số vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD. Hiện TH Milk đã phát triển đàn bò lên đến hơn 10.000 con.

Đến năm 2017, dự kiến sẽ có 137.000 con bò và nhà máy chế biến đạt công suất 500 triệu lít sữa/năm, đáp ứng 50% nhu cầu sản phẩm sữa của thị trường trong nước.

Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Đối ngoại Công ty Nutifood, chia sẻ: “Do không có nhiều kinh phí quảng cáo, tiếp thị đại trà nên những năm gần đây, Nutifood đã tìm hướng đi riêng phù hợp hơn về thị trường nông thôn.

Thực tế, sau nhiều năm chuyển hướng về thị trường nông thôn, hơn 50% doanh thu của Nutifood đã thu được từ thị trường này.

Song song đó, công ty tiếp tục mở rộng phục vụ các đối tượng khách hàng mới trong phân khúc bệnh viện, trường học thông qua các sản phẩm sữa chuyên biệt với các giải pháp dinh dưỡng phù hợp hơn cho trẻ biếng ăn, bệnh nhân đái tháo đường, có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt, phụ nữ mang thai, sữa giảm cân nhưng vẫn bổ sung dinh dưỡng đầy đủ".

Cần sự hỗ trợ

-Vinamilk đã đầu tư trên 400 triệu USD
trong vòng ba năm để đưa đàn bò sữa của
các trang trại lên tới 80.000 con, mỗi ngày
cung cấp trên 1,3 triệu lít sữa.

- FCV đầu tư hơn 13 triệu USD cho
chương trình phát triển ngành sữa (DDP)
và có đội ngũ khuyến nông chuyên nghiệp
gồm hơn 70 bác sĩ thú y, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật Việt Nam và các chuyên gia từ Hà Lan. Hiện nay, mỗi ngày, FCV thu mua khoảng 170.000kg sữa, chiếm khoảng 23% tổng sản lượng sữa của cả nước từ 2.400 nông trại đã được ký hợp đồng.

- Trên 95% số bò sữa hiện nay được
nuôi phân tán trong nông hộ, quy mô nhỏ
lẻ, tính chuyên nghiệp chưa cao, nguồn
thức ăn cho chăn nuôi bò sữa còn hạn chế,
phải nhập khẩu đến 80%.

Tuy nỗ lực nhưng nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng, để đảm bảo nguyên liệu, Nhà nước cần tạo điều kiện phát triển các dự án chăn nuôi bò sữa, có những chính sách thích hợp hơn với những kế hoạch trọng điểm của quốc gia và cơ sở hạ tầng phù hợp.

Theo đại diện của TH Milk, các dự án nuôi bò sữa khi thực hiện rất khó khăn vì ngoài việc xin cấp đất nuôi bò còn phải có vùng trồng cỏ rộng, có quỹ đất lớn.

Đặc biệt, phải có sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên ngành để có những mô hình quản lý chuyên nghiệp những trang trại lớn, nhất là kinh nghiệm thực hiện quy trình có quy mô lớn và khép kín từ trồng cỏ, cung cấp nước đến sử dụng phân bò để làm biogas... tất cả quy trình này rất khó khăn và các DN đang phải tự xoay sở.

Hiện nay, TH Milk phải thuê một công ty của Israel để xây dựng quy trình quản lý và tư vấn.

Sữa ngoại chiếm đến hơn 70% thị phần sữa bột Việt Nam, trong đó đứng đầu là Abbott, FreislandCampina, Dumex, Nestle... Tuy nhiên, thị trường đang mở ra nhiều cơ hội cho các DN sữa làm ăn chân chính trong nước.

Bên cạnh đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng đã giúp người nông thôn có cơ hội tiếp cận hàng Việt cũng như DN có cơ hội mở kênh bán hàng.

Mặc dù vậy, chương trình “Đưa hàng về nông thôn và ủng hộ hàng Việt” còn mang tính chất phong trào tại nhiều địa phương, thiếu một quy trình và định hướng lâu dài để được những chương trình hành động cụ thể nhằm tiếp sức cho chương trình này phát triển sâu rộng hơn.

Chẳng hạn, Bộ Công Thương tiếp tục có chính sách hỗ trợ chi phí cho các DN đưa hàng về vùng sâu, ngành y tế tiếp tục hỗ trợ, phối hợp nhiều và chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan quản lý địa phương phối hợp giám sát quản lý thị trường thực phẩm ở nông thôn để tránh tình trạng mập mờ của hàng xấu...

Theo nhiều phân tích, các hãng sữa nội như: Anco Milk, Hanoimilk, Mộc châu, Hancofood, Nutifood... dù có nhiều nỗ lực nhưng chưa nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao; liên kết trong các khâu từ thu mua nguyên liệu, bảo quản, chế biến, phân phối còn rời rạc. Chính vì vậy, ngành sữa Việt Nam cần gắn kết chặt chẽ với thế giới để tăng tính cạnh tranh.
 

LỮ Ý NHI - Ảnh: QUÝ HÒA
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]