Đục thủy tinh thể để lâu dễ gây mù

Việc chữa đục thủy tinh thể khá đơn giản. Tuy nhiên, không ít người vì để lâu nên mù vĩnh viễn.

15.5916

Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu là nước và protein. Các protein này được sắp xếp trật tự để ánh sáng xuyên qua và hội tụ trên võng mạc. Một số trường hợp protein tập trung thành đám, tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể, gây cản ánh sáng đến võng mạc và giảm thị lực. Tình trạng này gọi là đục thủy tinh thể.

Trò chuyện tại Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe TP HCM mới đây, BS Nguyễn Thị Diễm Uyên, BV Mắt TP HCM cho biết, phần lớn đục thủy tinh thể là do tuổi già. Một số trường hợp có thể đục thủy tinh thể bẩm sinh hoặc đục thủy tinh thể thứ phát gặp ở một số người bệnh tiểu đường, người dùng thuốc steroid kéo dài, do chấn thương…

Mặc dù nhiều người bị đục thủy tinh thể cả 2 mắt nhưng bệnh không lây từ mắt này qua mắt kia.

Nếu bệnh nhân xuất hiện những dấu hiệu khó chịu ở mắt thì nên đến bác sĩ mắt để được khám và đánh giá đúng mức. Ảnh minh họa: Duy Khang

Ở giai đoạn đầu, đục thủy tinh thể có thể không gây khó chịu gì vì chỉ một phần nhỏ của thủy tinh thể bị đục. Tuy nhiên, dần dần thủy tinh thể đục ngày càng nhiều, khiến bệnh nhân có thể xuất hiện những khó chịu như:

- Nhìn mờ.

- Có cảm giác chói mắt khi nhìn ánh sáng (ví dụ thấy chói mắt khi nhìn đèn hoặc ánh sáng mặt trời mạnh hoặc thấy quầng sáng quanh đèn).

- Nhìn màu có cảm giác bị nhạt hơn.

- Thị giác kém hơn vào ban đêm…

- Nhìn một hình thành hai hoặc nhiều hình.

- Độ kính đang đeo bị thay đổi thường xuyên.

- Thị lực nhìn gần trở nên tốt hơn trong giai đoạn đầu nhưng chỉ là tạm thời. Thị lực sẽ giảm khi đục thủy tinh thể phát triển nhiều hơn.

"Những khó chịu trên cơ thể cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác tại mắt. Vì vậy nếu bệnh nhân có những dấu hiệu đã được mô tả như trên thì nên đến bác sĩ mắt để được khám và đánh giá đúng mức", bác sĩ Diễm Uyên nhấn mạnh.

Nếu tình trạng đục thủy tinh thể để quá lâu mà không được chữa trị sẽ có thể dẫn đến tình trạng cườm nước, khiến bệnh nhân rất đau nhức ở mắt và làm tổn hại nặng nề đến các tế bào thần kinh thị giác trên võng mạc. Điều đó có thể gây mù vĩnh viễn dù được điều trị sau đó.

Đối với đục thủy tinh thể ở giai đoạn sớm, có thể cho đeo kính, dùng kính lúp hoặc chiếu sáng tốt khi làm việc. Nếu những biện pháp này không có tác dụng thì chỉ có phẫu thuật lấy thủy tinh thể là cách điều trị hiệu quả nhất.

Hiện nay phẫu thuật lấy thủy tinh thể là một trong những phẫu thuật phổ biến nhất của chuyên khoa mắt. Đây cũng là một trong những phẫu thuật an toàn và cho kết quả rất tốt.

Theo BS Diễm Uyên, phần lớn trường hợp đục thủy tinh thể được cho là có liên quan đến việc tích lũy các yếu tố nguy cơ từ môi trường sống như lớn tuổi, bệnh tăng đường huyết, tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời, chấn thương hoặc viêm nhiễm mắt, phẫu thuật mắt, kéo dài việc sử dụng các corticosteroid, hút thuốc lá. 

Để có thể kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ từ môi trường sống, nên khám mắt định kỳ mỗi năm một lần giúp kiểm tra các bệnh lý về mắt, góp phần quan trọng giúp bảo vệ đôi mắt của chính mình.

AloBacsi.vn
Theo Lê Phương - VnExpress
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]