Dùng 20 năm nghiên cứu cây… nghĩ đến là ngứa

Với nhiều người, nói tới cây Ráy là họ liên tưởng tới sự ngứa ngáy vì vậy có rất ít người quan tâm tới họ thực vật này, nhưng đối với TS Nguyễn Văn Dư, cây Ráy hay họ Ráy (Araceae) lại là niềm đam mê nghiên cứu hơn 20 năm qua.

15.6163

Anh cùng các cộng sự trong nước và nước ngoài đã phát hiện và công bố gần 20 loài Ráy mới ở Việt Nam trên các tạp chí khoa học quốc tế. 

Lăn lộn đào bới… Ráy

Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1990, chàng thanh niên Nguyễn Văn Dư được nhận vào làm việc tại phòng thí nghiệm Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện KH&CN Việt Nam). Nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi anh được GS Nguyễn Tiến Bân, lúc đó là trưởng phòng Thực vật tin tưởng phân công nghiên cứu họ Ráy. Đó cũng là một cơ duyên để đến nay, anh được xem là người Việt Nam duy nhất nghiên cứu họ Ráy, xuất bản công trình "họ Ráy ở Việt Nam" và cũng là người Việt Nam duy nhất là thành viên của Hội Ráy thế giới (International Aroid Society - IAS).


TS Nguyễn Văn Dư bên các mẫu tipe loài Ráy mới. (Ảnh: Minh Cường)

Anh Dư cho biết càng đi sâu nghiên cứu càng thấy họ Ráy có nhiều điều hấp dẫn cần khám phá nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Do đặc điểm sinh học của nhiều loài trong họ Ráy có thời kỳ ra lá và ra hoa thuộc hai thời điểm khác nhau nên không dễ để thu thập mẫu vật. Bên cạnh đó, việc xử lý mẫu vật cũng rất đặc trưng không giống các họ thực vật khác bởi đây là họ độc, ngứa và mẫu vật ép khô biến dạng rất nhiều so với mẫu tươi.

TS Nguyễn Văn Dư, sinh năm 1960 tại Hà Nội tốt nghiệp trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội, năm 1990. Hiện nay là Nghiên cứu viên chính, Trưởng phòng thực vật học dân tộc. Nghiên cứu họ Ráy từ sau khi tốt nghiệp đại học. Đã đi thực tập nghiên cứu tại Vườn Thực vật Hoàng Gia Luân Đôn, Anh (1998), Bảo tàng Smithsonian, Wasington DC., Mỹ; Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris Pháp (2007) thực tập sau tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Sinh học và Công nghệ, Deajon, Hàn Quốc. Đã có cơ hội đi thăm và làm việc tại nhiều vườn thực vật, bảo tàng, phòng mẫu tại các nước khác như Hà Lan, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia, v.v.

Họ Ráy là một trong những họ mà mẫu tiêu bản khó bảo quản do chúng dễ bị côn trùng tấn công phá hoại. Hiện có nhiều mẫu type (mẫu vật chuẩn khi công bố tên loài) và các mẫu khác thuộc họ Ráy đang lưu giữ tại phòng Tiêu bản thực vật thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh học luôn bị đe dọa bởi côn trùng, nấm mốc do điều kiện bảo quản còn hạn chế, khí hậu ẩm ướt. Theo kinh nghiệm của TS Dư, khi thu được mẫu hoa tươi cần nhanh chóng lấy toàn bộ hoặc một phần ngâm ngay trong cồn 700 rồi bảo quản trong lọc để nghiên cứu và lưu giữ. Cách này TS Dư học được khi còn nghiên cứu tại Vườn Thực vật Hoàng gia Kew, Luân Đôn.

Nhiều loài, khi thu mẫu không có hoa, anh phải đào củ hay thân rễ rồi mang về trồng ở vườn nhà. Nhà anh không có vườn nên cây thu được thường được trồng trong chậu và đặt trên sân thượng. Nhiều loài do thay đổi môi trường sống nên chỉ sống được một thời gian rồi chết. Nhưng cũng có nhiều loài phải đợi tới 5 năm sau mới thu được hoa. Khi trồng, anh cũng phải chạy đôn chạy đáo mua chậu, xin đất, chăm sóc tưới bón hàng ngày. Những cây Ráy lạ được anh chăm sóc đặc biệt hơn, trước khi đi làm hoặc ngay khi đi làm về anh đều ra thăm, hồi hộp chờ chúng ra hoa.

Cho đến nay, nhóm đã ghi nhận được 135 loài thuộc 25 chi khác nhau của họ Ráy ở Việt Nam nhưng con số này vẫn tiếp tục tăng và theo ông có thể ở Việt Nam có tới 150 loài Ráy khác nhau. Trong số đó ông và các cộng sự đã mô tả tới gần 20 loài mới cho khoa học.

Biến Ráy thành thuốc, thực phẩm

Theo TS Dư, không phải tất cả các loài trong họ Ráy đều không có tác dụng, bởi nhiều loài có thể dùng làm thuốc, làm thực phẩm. Có khoảng 35% số loài đã phát hiện được sử dụng làm thuốc để chữa bệnh. Cây Ráy ta thường mọc ở ven suối, hay trong rừng ẩm chỉ thường được chặt cho lợn nhưng theo điều tra dân tộc học thực vật của TS Dư, cây Ráy ta được đồng bào miền núi dùng để đánh cảm rất tốt. Người bị cảm lấy thân cây đánh vào thì không thấy ngứa và rất chóng khỏi, ngược lại nếu không phải bị cảm thì khi chạm vào là đã thấy ngứa ngay.


Nưa chuông (Amorphophalus paneoniifolius) ăn vào có thể gây ngứa, rộp miệng. (Ảnh: Nguyễn Văn Dư)

Tuy nhiên, TS Dư cũng khuyến cáo, họ Ráy được đưa vào danh sách các loài cây độc do đặc tính ngứa. Trong nhóm Nưa, có một số loài như Cây nưa chuông (Amorphophalus paneoniifolius) có hoa hình chuông khi ăn vào rất ngứa, có thể gây phồng rộp miệng nhưng đa số chỉ ngứa một lúc rồi tự khỏi nên đến nay chưa có trường hợp nào bị ngộ độc phải đi bệnh viện cấp cứu do ăn phải Ráy. Thế nhưng, để an toàn phải có công nghệ để chế biến.

Bên cạnh các giá trị làm thuốc hay làm thực phẩm, một bộ phận lớn các loài Ráy được sử dụng làm cây cảnh đặc biện là cây trong nhà (inside plant) do có tính ít ưa sáng. Tuy nhiên ở Việt Nam các loài Ráy nội địa rất ít được khai thác về giá trị làm cảnh. Hiện tại các loài Ráy làm cảnh ở Việt Nam đa số được nhập nội từ Thái Lan, Trung Quốc và chúng có nguồn gốc ở Nam Mỹ như các loài Anthurium, Phylodendron, Zantedeschia, Homalomena, v.v.

Về khả năng khai thác các giá trị tài nguyên của họ Ráy, TS. Dư cho biết, anh và các đồng nghiệp đang tiến hành nghiên cứu ứng dụng và khai thác củ của một số loài Nưa ở Việt Nam. Nếu đề tài thành công thì có thể mở ra cơ hội làm tăng thu nhập của người dân miền núi góp phần xóa đói giảm nghèo đặc biệt là các vùng núi cao.
 

Họ Ráy ở Việt Nam có tính đặc hữu khá cao. Trong sách đỏ Việt Nam có 6 loài Ráy được ghi tên cần phải nghiên cứu để bảo tồn nguồn gen quý trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng.

Họ Ráy nằm trong lớp thực vật Một lá mầm có đặc điểm hình thái rất đa dạng và thành phần phong phú. Nơi sống thích hợp của các loài trong họ Ráy là vùng nhiệt đới ẩm thuộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ, một số Ráy có ở Bắc châu Úc. Trước đây nhà thực vật người Pháp Gagnepain đã thống kê ở Việt Nam họ Ráy bao gồm khoảng 80 loài. GS.TS thực vật học Phạm Hoàng Hộ cũng cho rằng Việt Nam có khoảng gần 100 loài Ráy bao gồm cả những loài nhập nội.

 
Theo Thanh Lâm
Đất Việt

__________________________________

*Mọi liên hệ về bài tin với chuyên mục Khoa học, xin gửi đến email: [email protected]

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]