Đừng bớt xén vaccine phòng bệnh… chủ quan!

(VOV)-Số người đi bộ tử vong do tai nạn giao thông hàng năm chiếm khoảng 14%. Hầu hết các vụ việc do người đi bộ không tuân thủ luật.

15.6125

Vậy là mục tiêu không có người đi bộ tử vong trong Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ vừa qua đã không đạt được. Đây không phải là điều bất ngờ, bởi lâu nay trong lĩnh vực này, công luận đã quá quen với những con số nêu ra mà không thực hiện được. Tuy nhiên, nếu cứ duy trì mãi cách làm kiểu “ra quân rầm rộ” theo tuần, theo tháng rồi đâu lại vào đó thì chúng ta sẽ đánh mất luôn mục tiêu lớn hơn cho cả năm 2013.

Không cần đợi lâu, chỉ giữa tuần đã có một vụ tai nạn mang tính điển hình về ý thức kém của người đi bộ sang đường bất chấp luật lệ xảy ra tại quận Bình Tân, TP HCM. Tất nhiên trong cả nước còn nhiều vụ việc nữa với tính chất nghiêm trọng và nguyên nhân khác nhau. Nhưng cho dù là nguyên nhân nào thì mục tiêu không có người đi bộ tử vong trong Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ vừa qua đã không đạt được.

Ngày đầu tiên phát động, các đô thị lớn nhỏ trong khắp nước đều “ra quân rầm rộ” dẹp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, nhằm trả lại cho người đi bộ điều kiện tối thiểu nhất để họ tuân thủ luật giao thông. Việc tuyên truyền cũng được làm tương đối “rầm rộ”. Nhưng sang đến ngày thứ hai, liều lượng và sự kiên quyết của lực lượng chức năng đã giảm bớt. Tới ngày thứ ba, thứ tư thì ở nhiều nơi quay lại hiện trạng cũ.

Người dân đi bộ qua đường không đúng phần đường quy định (Ảnh: Internet)

Đặc biệt tại các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, vỉa hè và lòng lề đường nếu không bị hàng quán lấn chiếm thì cũng là chỗ được tận dụng để ô tô, xe máy, người đi bộ chẳng còn biết bước chân vào đâu nữa. Vậy mà Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vẫn khẳng định là cơ quan chức năng và các địa phương phải tạo điều kiện tốt nhất về kết cấu hạ tầng, phương tiện vận tải công cộng để đảm bảo an toàn cho người đi bộ, xử phạt nghiêm các vi phạm có liên quan.                              

Ở nước ta, số người đi bộ tử vong do tai nạn giao thông hàng năm chiếm khoảng 14% trên tổng số. Hầu hết các vụ việc do người đi bộ không tuân thủ luật. Mặc dù có vụ tai nạn đưa ra tòa đã xử phần sai thuộc về người đi bộ, nhưng chưa đủ sức mạnh tuyên truyền. Ở những nơi hạ tầng thiếu thốn hoặc bị lấn chiếm đã đành, nhưng ngay tại những nơi đã có vỉa hè rộng rãi thông thoáng, có đầy đủ hệ thống vạch qua đường, hầm, cầu vượt, tín hiệu và dấu hiệu đường bộ,... thì nếu chịu khó quan sát có thể thấy đa số người đi bộ vẫn cứ thích thế nào là đi như thế, tiện chỗ nào là băng ngang đường chỗ ấy, bất chấp nguy hiểm cho chính mình và phương tiện cơ giới lưu thông trên đường.

Ngoài việc chưa quan tâm đúng mức tới việc truyền thông để nâng cao nhận thức của người đi bộ, cũng phải thừa nhận rằng chúng ta đã quen với cách làm kiểu “ra quân rầm rộ” theo tuần theo tháng, cứ “đánh trống bỏ dùi” như thế nên năm sau vẫn còn nguyên những vấn đề của năm trước, có khi còn trở nên trầm trọng hơn, rất khó giải quyết dứt điểm. Hàng loạt giải pháp nêu ra cho có để gọi chứ không thấy hiệu quả ra sao, chẳng hạn như đổi giờ làm giờ học, phân làn cứng, mềm,... rồi những cây cầu vượt đường bộ vừa xây phải đập đi để xây cầu vượt khác, những bến xe công cộng mọc lên theo cảm tính chủ quan,...                               

Chính tư duy cảm tính, chủ quan làm cho lâu nay trong lĩnh vực này công luận đã quá quen với những con số nêu ra mà không thực hiện được. Vào ngày gần cuối của Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ tai nạn giao thông, nghiêm trọng nhất là 2 vụ xe tải và xe khách đấu đầu nhau tại Long An và Bình Thuận, khiến hàng chục người thiệt mạng và bị thương.

Cộng với số vụ tai nạn giao thông gia tăng trong dịp Tết Nguyên Đán và dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa rồi, dễ nhìn thấy nguy cơ đánh mất mục tiêu cả năm 2013 là giảm 10% số vụ và số người bị thương vong do tai nạn giao thông. Trong khi đó, cơ quan chức năng còn đang mải bàn xem làm thế nào để phạt được người đội mũ bảo hiểm “rởm”?!  Còn qui định lắp thiết bị theo dõi hành trình của xe khách và xe tải là rất cần thiết như thế và nêu ra đã lâu nhưng chẳng thấy ai quyết tâm thực hiện.

Việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người đi bộ nói riêng cũng như người tham gia giao thông bằng các phương tiện khác nhau nói chung, có thể ví như tiêm vaccine phòng bệnh chủ quan vậy. Bớt xén một chút liều lượng thôi có thể mang lại tai họa khôn lường. Vì thế mà mỗi người chúng ta hãy thường xuyên nhắc nhở nhau tuân thủ pháp luật mỗi khi ra đường tham gia giao thông, cho dù là đi bộ. Nhắc nhau thêm một lần không thừa, nhưng nhãng đi một lần không nói với nhau bao giờ cũng là thiếu, vì lỡ xảy ra điều đáng tiếc thì ân hận đã muộn màng./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]