Đừng chủ quan với bệnh viêm mũi xoang mùa hè

SKĐS - Hắt hơi, sổ mũi… là triệu chứng thường gặp. Thường gặp đến nỗi người ta cứ nghĩ đó là thứ bệnh chẳng đáng kể, bị vài ngày lại khỏi, khỏi vài bữa có bị lại cũng “không vấn đề”.

15.6126

Hắt hơi, sổ mũi… là triệu chứng thường gặp. Thường gặp đến nỗi người ta cứ nghĩ đó là thứ bệnh chẳng đáng kể, bị vài ngày lại khỏi, khỏi vài bữa có bị lại cũng “không vấn đề”. Người lớn không nói chứ trẻ em cứ quay đi quay lại là bị viêm đường hô hấp. Đặc biệt vào những ngày mùa hè nắng nóng như đổ lửa thế này, các khoa khám bệnh của bệnh viện, các phòng khám đông nghịt người đến khám bệnh về tai mũi họng. Trao đổi với phóng viên, PGS. TS. BS. Võ Thanh Quang, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam đã cho biết những thông tin hữu ích với bạn đọc trong việc phòng ngừa bệnh tai mũi họng nói chung và bệnh viêm mũi xoang nói riêng.

PGS. TS. BS. Võ Thanh Quang

PV: Thưa ông, đến bệnh viện vào sáng sớm đã thấy rất đông bệnh nhân. Quá tải như thế này, bệnh nhân khổ mà thầy thuốc cũng cực quá! Có phải mùa hè là mùa của bệnh tai mũi họng hay không? Nguyên nhân vì sao?

PGS.TS. BS. Võ Thanh Quang: Đúng là vào mùa hè bệnh nhân đến khám tại BV Tai Mũi Họng TƯ tăng cao hơn so với mùa đông gấp 2-3 lần. Trung bình một ngày có tới 1.500 lượt khám, có ngày tăng tới 1.600-1.700 ca. Tại các phòng khám, khoa khám bệnh ở các bệnh viện cũng có tình trạng tương tự. Số lượng trẻ em mắc bệnh cao hơn người lớn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều đó. Khi thời tiết chuyển từ mùa đông xuân sang hè (ở miền Bắc) hoặc từ mùa khô sang mùa mưa, khí hậu ẩm thấp mưa nhiều (ở miền Nam), sự thay đổi thời tiết, dễ dẫn tới mệt mỏi, cơ thể suy yếu dễ mắc bệnh hơn. Nắng nóng cũng khiến người ta thường tìm đến các đồ ăn, thức uống ướp lạnh, bỏ đá, nằm phòng điều hòa dẫn tới sự chênh lệch nhiệt độ với bên ngoài cũng là nguyên nhân khiến mũi xoang, hầu họng bị khô rát, viêm... Mùa hè cũng là mùa đi du lịch, tới các bể bơi. Môi trường nước nhiều hóa chất ở các bể bơi đông đúc thường không có lợi cho da nói chung và niêm mạc mũi, họng nói riêng. Tại bệnh viện của chúng tôi đã gặp rất nhiều ca trẻ em đi bơi về mắc bệnh viêm tai, viêm mũi. Ngoài yếu tố môi trường không thuận lợi, còn có nguyên nhân do cách chăm sóc mũi xoang sau những hoạt động như vậy không được chú trọng hoặc làm không đúng cách. Tỷ lệ trẻ mắc bệnh tới các phòng khám, bệnh viện cao hơn người lớn do trẻ em mẫn cảm, yếu ớt hơn, dễ nhiễm bệnh hơn, còn có điểm ngoài ý muốn là người lớn mắc bệnh thường chủ quan hơn, ít khi chịu đến bệnh viện vì triệu chứng nhẹ, vì bận bịu, vì ngại đến bác sĩ, tự chữa bệnh ở nhà... Trên thực tế, điều này thật nguy hại cho sức khỏe của người bệnh.

PV: Bệnh tai mũi họng dường như là bệnh quá thông thường khiến nhiều người chủ quan. Loại bệnh này có gây những biến chứng gì nguy hiểm không? Có thể có những triệu chứng cảnh báo gì, thưa ông?

PGS.TS.BS. Võ Thanh Quang: Như bạn đã nói, bệnh tai mũi họng rất hay gặp. Nhiều bệnh bị coi là nặng, nghe ra rất nguy hiểm lại không dễ mắc, hoặc tỷ lệ mắc không cao. Còn bệnh tai mũi họng, tưởng là nhẹ, dễ dàng bỏ qua, lại là bệnh không ai không từng một lần mắc trong đời. Hơn nữa nhiều người còn mắc đi mắc lại, có người trở thành mạn tính, có người bệnh biến chứng thành bệnh khác trầm trọng hơn, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Bạn biết không, cơ quan tai mũi họng có thể nói là một trong những cửa ngõ quan trọng của cơ thể, liên quan tới đường ăn, đường thở, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bạn. Tại cửa ngõ này, mọi tác nhân gây bệnh bị ngăn chặn lại, giữ lại ở đây. Cấu tạo của những cơ quan này cũng rất nhạy cảm. Vì thế nói đó là cơ quan phòng bệnh nhưng cũng là nơi dễ bị tổn thương, dễ bị nhiễm bệnh nhất. Những cơ quan này nếu bị tác động của môi trường, của các tác nhân gây bệnh cứ viêm đi viêm lại sẽ rất dễ dẫn đến biến chứng thành các bệnh nặng hơn, hiểm nghèo hơn. Ví dụ, báo chí cũng thường đưa tin bệnh tại các làng nghề. Ở đó những người thợ làm việc thủ công, tiếp xúc với các hóa chất độc hại gây ảnh hưởng tới đường mũi, hầu , họng (như các hương liệu, bụi, mạt cưa...). Các tác nhân gây bệnh bám vào các niêm mạc của đường hô hấp trên gây viêm, bệnh cảnh trường diễn, tái đi tái lại dẫn đến ung thư. Thống kê cho thấy ung thư vòm họng chiếm tỷ lệ cao trong ung thư vùng đầu cổ. Ngoài ra, biến chứng của viêm đường hô hấp trên còn có thể kể tới các bệnh như viêm amiđan hốc mủ, viêm VA, viêm xoang cấp và mạn tính... - Đều là những bệnh khiến cho chất lượng cuộc sống của người mắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có thể nói là bệnh tai mũi họng bắt đầu có thể nhẹ nhưng nếu không xử lý sớm, điều trị tốt, có thể dẫn tới hậu quả xấu, thậm chí rất xấu.

Thời tiết nắng nóng bệnh nhân đến bệnh viện vì bệnh tai mũi họng gia tăng.

PV: Đúng là “cái sảy nảy cái ung” phải không ạ - bệnh nhẹ mà không chữa cũng gây biến chứng nguy hiểm! Vậy bệnh tai mũi họng có thể phòng ngừa và điều trị như thế nào? Ông có lời khuyên nào cho bạn đọc của chúng ta trong việc dự phòng các căn bệnh này?

PGS.TS.BS.Võ Thanh Quang: Đối với y tế, quan điểm đúng đắn là phải làm tốt 2 lĩnh vực: dự phòng và điều trị. Điều trị ở đây là chữa bệnh đúng và chữa trị sớm, chữa dứt điểm. Ở nước ngoài, với hệ thống bác sĩ gia đình phát triển và ý thức cao của người dân trong điều trị bệnh khiến bệnh tai mũi họng được tư vấn, điều trị sớm, đồng nghĩa với việc bệnh không dẫn tới trầm trọng, sớm chữa trị dứt điểm. Ở ta, dù hệ thống phòng khám, bệnh viện, tới trạm y tế rộng khắp nhưng do ý thức của người dân về căn bệnh này, cũng do hệ thống bác sĩ gia đình chưa phát triển nên chưa đạt được kết quả ngăn chặn bệnh như mong muốn. Lấy ví dụ, khi mới có những triệu chứng đầu tiên của bệnh tai mũi họng, bạn được bác sĩ gia đình tư vấn ngay, bạn thậm chí có thể đẩy lui bệnh mà chưa cần phải dùng tới các thuốc đặc trị. Nhưng ở ta thì rất thường xuyên gặp phải tình huống là bệnh nặng rồi mới đến bác sĩ, sau đó còn nghe người bệnh kể “ tôi đã uống kháng sinh XX này cả chục ngày rồi mà không đỡ”. Điều nguy hiểm là với loại bệnh này, nhiều người thường tự làm bác sĩ, hay cầu viện tới các biện pháp chữa bệnh được lan truyền trên mạng, tự ra hiệu thuốc mua thuốc về chữa cho mình, dẫn tới tiền mất, tật vẫn mang. Tôi cũng muốn khẳng định một điều nữa là trong bệnh tai mũi họng, nếu điều trị sớm, có thể không phải dùng tới các thuốc đặc trị. Đặc biệt lưu ý người bệnh không nên tự mua kháng sinh về uống mà nên tới xin tư vấn của bác sĩ.

Còn về các biện pháp dự phòng thì có nhiều. Tôi muốn nói tới những biện pháp có thể thực hành ngay tại gia đình, từng cá nhân, thuận tiện, dễ dàng. Điều này chỉ cần chúng ta có ý thức là được. Ví dụ chú ý điều chỉnh những thói quen sinh hoạt không tốt trong mùa hè như: tránh bắt cơ thể phải chịu sự nóng- lạnh đột ngột, từ phòng có điều hòa ra ngoài nóng hay ngược lại; hạn chế uống nước đá, nhất là khi vừa đi nắng về; đi ra ngoài, nhất là tới nơi có môi trường không thuận lợi nên sử dụng khẩu trang, sau khi ra khỏi bể bơi nên nhỏ mắt, vệ sinh mũi xoang đúng cách... Có một biện pháp mà gần đây tôi thấy đang trở nên rộng rãi là xịt rửa mũi xoang. Ví dụ như trên khu gang thép Thái Nguyên tôi đã thấy người ta lắp đặt cho công nhân một dàn xịt rửa mũi, trăm người có thể sử dụng cùng một lúc. Mỗi người công nhân khi rời khỏi phân xương chỉ mất 1 phút để xịt rửa mũi thôi nhưng hiệu quả phòng bệnh mũi xoang rất tốt. Chúng tôi đi ra nước ngoài thấy quốc tế người ta rất coi trọng việc rửa mũi xoang y như việc đánh răng hàng ngày vậy. Họ có rất nhiều những nhãn hàng dung dịch xịt rửa mũi xoang cũng như các thiết bị xịt rửa sử dụng cho cá nhân trong gia đình. Đúng là trước đây chúng ta chỉ chú ý tới đánh răng để phòng bệnh mà không nghĩ tới đường mũi xoang, nơi ngăn cản và chứa đựng nhiều tác nhân gây bệnh cũng cần phải được vệ sinh hàng ngày vậy. Mặc dù với chức năng cửa ngõ cơ thể, tự nhiên mũi, họng đã có các cơ chế tự bảo vệ nhưng với môi trường ngày càng ô nhiễm, với điều kiện sống có nhiều bệnh tật lây nhiễm như hiện nay, biện pháp này ngày càng được chú trọng.

Vệ sinh mũi hàng ngày bằng nước biển sâu để loại bỏ các tác nhân gây bệnh, giúp mũi thông thoáng , dễ thở và tăng sức đề kháng cho niêm mạc mũi.

PV: Một phút để phòng bệnh- Đúng là một việc nhỏ mà tác dụng lớn! Thật ra, tôi đã thấy nhiều người dùng biện pháp này để hỗ trợ điều trị bệnh mũi xoang, nhưng phòng ngừa thì có lẽ chưa nhiều người hiểu rõ. Bác sĩ có thể nói rõ hơn về biện pháp này. Có những lưu ý gì khi sử dụng biện pháp xịt rửa mũi xoang không ạ?

PGS.TS.BS. Võ Thanh Quang: Bất cứ một liệu pháp nào cũng có quy tắc của nó, nếu không có thể lợi bất cập hại. Tuy biện pháp xịt rửa mũi xoang dễ dàng thực hiện nhưng vẫn có những lưu ý.

Thứ nhất là dung dịch phải chuẩn. Chúng ta có thể sử dụng sản phẩm nước biển sâu vô trùng tinh chiết từ thiên nhiên, rất giàu khoáng chất. Thứ hai, liều lượng phải đúng. Nhiều bà mẹ hay dùng loại xi lanh thông thương để bơm nước muối dẫn đến lượng nước muối có khi quá nhiều, áp lực bơm có khi quá mức làm trẻ sặc. Vì thế, tôi có lời khuyên là nên chọn sử dụng dung dịch nước biển sâu dạng phun sương để giúp tạo các hạt mịn dễ đi sâu rộng vào khoang mũi, với áp lực xịt phù hợp cho đối tượng người lớn và trẻ em. Thứ ba, tư thế khi thực hiện phải là đầu cao hơn thân. Nhiều bà mẹ khi xịt rửa cho con nhỏ đã làm sai dẫn đến việc chất bẩn đáng lẽ được rửa trôi ra ngoài lại lọt vào tai trẻ và bị giữ lại đó dẫn tới viêm tai.

PV: Xin chân thành cảm ơn PGS.TS.BS.Võ Thanh Quang về cuộc trao đổi thú vị này!

Lê Minh (thực hiện)

 

Chúng tôi đi ra nước ngoài thấy quốc tế người ta rất coi trọng việc rửa mũi xoang y như việc đánh răng hàng ngày vậy. Họ có rất nhiều những nhãn hàng dung dịch xịt rửa mũi xoang cũng như các thiết bị xịt rửa sử dụng cho cá nhân trong gia đình. Đúng là trước đây chúng ta chỉ chú ý tới đánh răng để phòng bệnh mà không nghĩ tới đường mũi xoang, nơi ngăn cản và chứa đựng nhiều tác nhân gây bệnh cũng cần phải được vệ sinh hàng ngày vậy.

PGS. TS. BS. Võ Thanh Quang

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]