Đừng dạy đạo đức theo ‘bệnh thành tích’!

(Thethaovanhoa.vn) - "Nếu thật sự đưa học sinh tiếp cận được với những hệ giá trị đạo đức cơ bản, tôi nghĩ rằng việc vinh danh có thể không cần thiết. Bởi, điều chúng ta mong muốn luôn là việc các em thấm nhuần và thực hiện những nguyên tắc ấy một cách tự nhiên như các khía cạnh tích cực của lối sống cá nhân, có trách nhiệm với chính mình, với cộng đồng, đồng thời một sự tự hào với bản thân mà không cần ai phải tung hô, khen thưởng" - TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho biết.

15.5958

Ý kiến của TS Thụy Anh được đưa ra quanh chủ đề mà TT&VH từng nêu trong các số báo trước: việc tạo dựng nhân cách cho học sinh trên ghế nhà trường - giữa thời điểm mà đạo đức xã hội đang bị một số người hoài nghi là "có vấn đề".

TS Thụy Anh nói:

- Sự thực, tôi cũng không muốn lạm dụng hai từ "đạo đức" khi nói về giáo dục trong nhà trường. Bởi, khái niệm ấy đòi hỏi một quá trình xây dựng cho mình một hệ thống giá trị sống rất dài, rất lâu và phụ thuộc vào nhiều thành tố xã hội khác. Đối với học sinh phổ thông, tôi thích dùng từ “Lối sống”, “cách sống” hơn.

Sinh năm 1974, Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh từng bảo vệ luận án Ts. Giáo dục học tại Hội đồng khoa học trường ĐH Tổng hợp sư phạm Moskva năm 2002. Hiện chị là chủ nhiệm Clb Đọc Sách Cùng Con, một mô hình hoạt động xã hội hỗ trợ cho việc hình thành, củng cố và phát triển văn hóa đọc của cộng đồng nói chung, và của trẻ em trong gia đình nói riêng. Đây là một hình thức sinh hoạt cộng đồng phi lợi nhuận, có sự ủng hộ và tham gia của nhiều nhà sư phạm.

Nếu liệt kê, có thể kể ra hàng trăm đức tính cao đẹp của con người mà chúng ta luôn muốn nhìn thấy ở con em hoặc học trò của mình. Nhưng nói thật lòng, để đạt được những điều ấy, ngay cả đối với người lớn cũng không phải là  việc dễ dàng nếu chưa nói là không tưởng.

Bởi vậy, tôi nghĩ chúng ta nên xác định: nhà trường trước hết vẫn là nơi dạy các em những kĩ năng, kinh nghiệm và thói quen sống lành mạnh, có trách nhiệm với bản thân, với xã hội và cộng đồng. Từ đó, các em sẽ có sự cảm nhận tốt về cuộc sống, biết nâng niu, quí trọng những gì tốt đẹp và có sự cân nhắc cho những lựa chọn hành động trong cuộc đời của mình sau này. Đó là nền móng cơ bản để tiếp tục hình thành và vun đắp những giá trị đạo đức cốt lõi.

* Điều chị nói  về khái niệm đạo đức cũng gần với những gì mà chúng ta vẫn than thở về cách "dạy làm người" ở trường học: đề cao những giá trị đồ sộ, vĩ mô nhưng hình như lại thiếu chú ý tới những chuyện nhỏ nhặt, gần gũi nhất của mỗi con người...

- Chúng ta vẫn phân tách môn Giáo dục công dân trong hệ thống đào tạo của nhà trường. Ai cũng thấy, đó là sự phân chia mang tính hình thức. Bởi, nếu vẫn giảng dạy về "đạo đức" như một bài học, có kiểm tra, có chấm điểm, có bắt học sinh học thuộc lòng... thì mọi thứ rất dễ dừng lại ở câu chuyện "trả bài" của học sinh mà thôi. Cần cùng các em xây dựng hệ thống giá trị thông qua các bài học hàng ngày chứ không phải là giảng những bài “đạo đức” buồn chán.

Tôi nghĩ rằng việc giáo dục nhân cách của học sinh không thể tách rời việc giáo dục văn hóa. Nói cách khác, một giáo viên dạy toán học, vật lý, ngoại ngữ... cũng đồng nghĩa với người dạy các em về nhân cách chứ không đợi đến giờ Đạo đức. Chẳng hạn, đó là những bài học về sự trung thực, về ý thức trách nhiệm với công việc, với bản thân – mà ở trường hợp của các em là việc học hành, làm bài tập, hoặc thái độ trong giờ kiểm tra. Những môn xã hội như văn học, lịch sử, địa lý thì lại rất gần gũi với việc giáo dục ở các em ý thức về tổ tiên ông cha hoặc mảnh đất sinh ra mình.


Việc giáo dục đạo đức và lối sống cho học sinh nên được thực hiện một cách gần gũi và tự nhiên

* Có nghĩa, vấn đề ở đây là phương pháp giảng dạy?

Chúng ta vẫn hay dạy các em không được làm thế này hoặc phải làm thế kia trong các giờ giáo dục công dân mà thiếu chú ý tới việc khơi gợi cảm xúc hoặc tư duy tự thân của các em. Tôi xin lấy một ví dụ: Thay vì dạy các em phải yêu bố mẹ, chúng tôi khuyến khích giáo viên nên giúp các em có những bài tập phát triển tư duy. Các em được yêu cầu tự thống kê cụ thể xem một ngày bố làm những gì, mẹ làm những gì, rồi từ những quan sát ấy sẽ tự nảy ra kết luận là bố mẹ mình đang vất vả làm việc hàng ngày ra sao. Hoặc, giúp các em thống kê việc bố mẹ phải chi tiêu các khoản tiền hàng ngày để dẫn tới ý thức tiết kiệm. Việc giảng dạy những "bài học làm người" ở các bậc học đều cũng cần tới sự uyển chuyển và tự nhiên như thế.

* Nhưng, để làm được điều ấy, thì chúng ta sẽ phải đòi hỏi rất nhiều ở những người trực tiếp giảng dạy các em. Mà, đó có vẻ lại là một câu chuyện rất dài và... rất lâu?

- Lời giải cuối cùng của chúng ta vẫn là câu chuyện có gieo hạt thì sẽ có nảy mầm. Và, khi nhiều giá trị khác của xã hội đang ở mức khủng hoảng – như cách nghĩ của bạn – thì hơn bao giờ hết, tự thân mỗi người sẽ lại càng ý thức được sự cần thiết của việc dạy làm người đối với trẻ nhỏ.

Tôi chỉ muốn nói thế này: chúng ta cần có sự kiên nhẫn để chờ thu được thành quả, và cần cả sự kiên nhẫn đối với phát triển tính cách, lối sống của học sinh. Mỗi chúng ta đều có những góc chưa hoàn thiện, nhưng hình như người lớn luôn tự cho phép mình áp đặt, phán xét trẻ nhỏ. Điển hình, tôi rất không tán thành với kiểu đánh giá hạnh kiểm tốt, xấu, trung bình với các em học sinh hiện nay. Sự áp đặt mang tính hình thức, máy móc, và đôi khi có cả bệnh thành thích ấy, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự tâm lý, cũng như việc tự đánh giá bản thân của học sinh.

* Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Hãy cân nhắc kĩ nếu "đặc cách" cho các học sinh có hành động cao đẹp

Dư luận có nhắc tới ý kiến nên miễn thi cho các học sinh có hành động cao đẹp. Tôi lại nghĩ ngược lại, chúng ta cần hết sức thận trọng trước ý tưởng này. Trước hết, điều đó sẽ lại gây ra một loạt ý kiến tranh cãi về cách cắt nghĩa "hành động cao đẹp". Xa hơn, có thể câu chuyện lại một lần nữa quay về....căn bệnh thành tích. Có rất nhiều cách khuyến khích, khen ngợi các em mà không nhất thiết phải tính vào điểm thi cử. Chính các em có ý thức rất lớn về sự công bằng – mà đó cũng là một trong những giá trị “đạo đức”!.

Ngành giáo dục rất nhân văn khi chấp nhận "đặc cách" ở một trường hợp cụ thể - chẳng hạn như việc học sinh vì giúp đỡ người khác mà lỡ đến muộn trong kì thi tốt nghiệp như dư luận đã nêu. Nhưng nếu phát triển thành một phong trào tôn vinh, động viên, thậm chí có những "đặc cách" cho những em được coi là mang "đạo đức tốt" thì có thể lại gây hiệu ứng khó lường. Cái chúng ta cần là có những hướng dẫn bên ngoài, để các em có ý thức xã hội, thậm chí có sự tự hào với bản thân mình, khi làm một điều tử tế.

Chiêu Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]