Dùng kem chống nắng hiệu quả

GiadinhNet - Theo các chuyên gia, việc chọn và dùng kem chống nắng không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về da.

0

  Việc dùng sai chỉ số SPF có thể khiến làn da bị tổn thương. 
Ảnh: TG
Chọn kem phù hợp từng loại da

“Nhiều người cho rằng kem chống nắng có độ SPF càng lớn sử dụng càng tốt. Tuy nhiên, việc sử dụng kem chống nắng có độ SPF cao chưa hẳn là hiệu quả mà còn tác dụng ngược. Theo nguyên tắc, chỉ số 30 lọc được 95% các tia UV và chỉ số 60 chỉ lọc được 97% (chỉ hơn 2%). Vì thế, không nên nghĩ rằng chỉ số cao sẽ bảo vệ da lâu và tốt hơn trước ánh nắng, mà việc dùng sai chỉ số chống nắng sẽ làm cho làn da bị tổn thương. Độ SPF càng lớn khiến kem lưu trên da càng lâu kết hợp với mồ hôi, bụi bặm sẽ làm cho da dễ nổi mụn, lỗ chân lông to, sần sùi…”, BS Đinh Doãn Thạch tư vấn.

Ths.BS Đinh Doãn Thạch, Trưởng Khoa Khám bệnh (BV Da liễu Hà Đông, Hà Nội) cho biết, dưới ánh nắng mặt trời, tia UV sẽ khiến da dễ bị cháy nắng, nám, tàn nhang, làm quá trình lão hoá da đến nhanh hơn, nặng có thể làm ung thư da. Việc bôi kem chống nắng sẽ hạn chế được tia tử ngoại chiếu trực tiếp vào da, ngăn chặn ung thư, lão hóa.

Tuy nhiên, mỗi loại kem chống nắng lại có một tính năng riêng, phù hợp với từng đối tượng, từng vùng da khác nhau. Vùng da mỏng, mặt nhạy cảm nên dùng kem chống nắng dành cho mặt dạng cô đặc, có chỉ số chống nắng cao. Da càng sáng màu càng dễ bắt nắng nên cần chọn loại chỉ số cao hơn da sậm màu.

Hiện có nhiều dạng kem chống nắng khác nhau dành cho da dầu, da khô, da nhạy cảm... ở dạng kem, dạng gel, xịt. Nếu da thuộc loại da dầu, thường hay bóng nhờn thì nên chọn kem chống nắng không chứa dầu và có ghi noncomedogenic. Chỉ số chống nắng phù hợp từ 15 - 30 SPF. Da khô nên chọn kem chống nắng dạng sương hoặc dạng xịt chỉ số chống nắng phù hợp là 20 SPF. Khi xịt cần lắc đều chai, để cách da khoảng 20cm và xịt vào vùng da hở, tránh mắt, mũi…

Kem chống nắng của nữ cũng khác của nam. Da của nam giới thường dày, tuyến dầu và các hoạt động mạnh hơn nên chọn kem chống nắng không thấm nước, không thấm mồ hôi. Những người hoạt động nhiều, chơi thể thao cũng nên chọn loại này bởi bảo vệ da được 40 - 80 phút, cứ sau khoảng 2 tiếng thì bôi bổ sung. Còn trẻ em chỉ nên sử dụng các sản phẩm chống nắng có chỉ số SPF từ 15-30.

Bôi thử trước khi dùng

Theo Ths.BS Đinh Doãn Thạch, kem chống nắng ít có tác dụng phụ nhưng với những người có làn da nhạy cảm vẫn có thể bị kích ứng, gây viêm da tiếp xúc dị ứng. Bệnh viện cũng đã tiếp nhận các ca bệnh đến khám do dị ứng kem chống nắng. Có trường hợp sau khi sử dụng lần đầu tiên, bị dị ứng, nổi mẩn ngứa vùng bôi kem.

Để tránh kích ứng da do kem chống nắng, BS Thạch khuyến cáo nên bôi thử vào sau tai, trong cẳng tay và chờ vài giờ. Tránh bôi thử ở mặt, vùng niêm mạc như mắt, miệng vì lỡ dị ứng sẽ rất mất thẩm mỹ. Nếu không ngứa, nổi mẩn đỏ thì dùng được. Bị dị ứng nên đổi sang loại kem chống nắng nhãn hiệu khác hoặc chọn loại kem chống nắng có độ tăng từ từ để da thích ứng dần. Tốt nhất nên sử dụng các sản phẩm chống nắng uy tín được Bộ Y tế kiểm nghiệm. Trong trường hợp thấy da bị kích ứng như ngứa, nổi mẩn cần phải tới các bệnh viện để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Theo các chuyên gia da liễu, trước khi dùng kem chống nắng cần làm sạch da, để khô và thoa kem chống nắng trước 30 phút trước khi đi ra ngoài để kem có đủ thời gian hấp thụ vào da. Khi đi bơi lội, tắm biển hoặc hoạt động mạnh, ra nhiều mồ hôi nên thoa kem chống nắng thường xuyên khoảng 30 phút/1 lần. Bôi kem cũng cần lượng vừa phải, không nên dùng quá nhiều. Không nên bôi trên diện tích rộng hoặc quá hẹp vì có thể gây kích ứng da. Chẳng hạn trên khuôn mặt, với loại có SPF từ 15 trở lên thì cần bôi lượng kem bằng đầu ngón tay khoảng 2,5g là đủ.

Khi đi ra ngoài đường ngoài bôi kem chống nắng cần kết hợp mặc áo chống nắng, đeo kính và đội mũ để tránh tia cực tím. Sau 2 giờ cần bôi lại kem chống nắng vì mồ hôi ra và ánh nắng sẽ dần làm kem mất tác dụng.
Hà My
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]