Dùng khí dung trong các bệnh về tai mũi họng

Khí dung là một phương pháp được chỉ định điều trị tại chỗ một số bệnh lý tai mũi họng: viêm mũi mạn tính, cấp tính, viêm xoang mạn tính, viêm họng, viêm thanh quản...

15.5832

Khí dung là một phương pháp được chỉ định điều trị tại chỗ một số bệnh lý tai mũi họng: viêm mũi mạn tính, cấp tính, viêm xoang mạn tính, viêm họng, viêm thanh quản... Mục đích là đưa thuốc trực tiếp vào các hốc mũi, xoang, họng, thanh quản... dưới dạng những hạt thuốc rất nhỏ. Chính vì vậy các loại thuốc dùng trong khí dung cần đạt những tiêu chuẩn nhất định như sức căng bề mặt nhỏ, tan trong nước.

Khí dung cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi TW. Ảnh: PH
Về thuốc: tùy theo kích thước hạt thuốc, tốc độ dòng khí tạo ra. Hạt thuốc càng nhỏ, càng có khả năng đi sâu hơn xuống đường hô hấp dưới. Thường dùng phối hợp các loại: kháng sinh (gentamycine, chloramphenicol), kháng viêm (nhóm corticoide như hydrocortisone), tinh dầu (có tính chất sát khuẩn, săn niêm mạc), thuốc co mạch (thường dùng là ephedrin, oxymethazoline). Đối với những trường hợp làm cản trở thuốc đi đến các vùng điều trị: Khi mũi xuất tiết nhiều, dịch mũi đặc quánh, hoặc do mũi bị polyp, lệch vách ngăn mũi... cần làm sạch mũi, họng, giải quyết những cản trở ở mũi trước khi khí dung.

Ngoài thuốc, cần lựa chọn máy khí dung phù hợp cho từng bệnh và từng vùng điều trị. Máy khí dung sử dụng trong tai mũi họng chỉ nên tạo những hạt thuốc có kích thước từ 10 đến 20 micron để hạn chế các lắng đọng thuốc không mong muốn ở đường hô hấp dưới như phế quản, phế nang. Vì vậy khi mua máy rất cần ý kiến tư vấn của các nhà chuyên môn.

Thông thường một đợt khí dung điều trị bệnh không nên quá một tuần, sau đó tái khám để xem lại tình trạng bệnh lý. Trường hợp tự điều trị kéo dài sẽ có những tác dụng phụ của thuốc như gây độc cho thận, suy gan, bệnh gân - xương, điếc. Thí dụ gentamycine dùng thời gian dài, liều cao sẽ gây độc cho tai, chloramphenicol dùng cho trẻ em sẽ gây suy tủy. Corticoid kéo dài có thể gây tác dụng phụ toàn thân như giữ nước, suy tuyến thượng thận... Ngoài ra có thể xảy ra tác dụng phụ ngay sau khí dung như kích thích mũi gây cảm giác bỏng, rát, hắt hơi, ngạt tắc mũi do phản ứng giãn mạch khi dùng một lượng thuốc co mạch nhiều, loét niêm mạc mũi gây chảy máu...

Chỉ định dùng khí dung cũng như phối hợp các nhóm thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ xác định tình trạng bệnh sẽ quyết định chỉ định cho khí dung bằng các loại thuốc nào, khí dung qua đường mũi hay qua họng, khí dung trong thời gian bao lâu, phải uống kèm thêm các loại thuốc nào... Bác sĩ cũng sẽ phải cân nhắc chỉ định trên từng bệnh nhân cụ thể. Vì vậy, không nên chỉ dùng một đơn thuốc để điều trị cho tất cả mọi người và người bệnh không tự ý điều trị bằng khí dung.

BS. Lê Minh Kỳ (Viện Tai mũi họng Trung ương)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]