Đừng lãng quên người giữ nghệ thuật!

Liệu các bộ môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống và những con người đang miệt mài tự nguyện giữ gìn, lưu truyền, có thể trông đợi gì vào “Đề án Tuyên truyền, quảng bá, huy động nguồn lực xã hội hóa để bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống” trong tương lai nếu không quan tâm đến những người bảo tồn nghệ thuật.

15.6317

Đối tượng của dự án

Bộ VHTT&DL vừa ban hành Quyết định số 4542/QĐ-BVHTTDL ngày 26-12-2013 về việc xây dựng và thực hiện “Đề án Tuyên truyền, quảng bá, huy động nguồn lực xã hội hóa để bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống”. Cục NTBD là đơn vị được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và thực hiện đề án này.

Nhiều năm qua, thầy trò nhóm ca trù Kim Đức chỉ tự thân vận động để lưu giữ vốn quý ca trù

Có lẽ tinh thần chung của ngành văn hóa trong việc xây dựng đề án là hướng đến các bộ môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống nên mới chỉ giao nhiệm vụ cho Cục NTBD. Nếu như vậy thì nên chăng chính cái tên của đề án có điều chỉnh một chút cho cụ thể hơn. Có thể sử dụng cụm từ “nghệ thuật biểu diễn truyền thống” (NTBDTT) để phân biệt với các loại hình, bộ môn nghệ thuật truyền thống thuộc các lĩnh vực. Hoặc có sự giải thích, quy định rõ về khái niệm “nghệ thuật truyền thống” được sử dụng trong đề án này, với ý nghĩa là nghệ thuật biểu diễn. Bởi nếu nói chung về nghệ thuật truyền thống thì ngoài tuồng, chèo, dân ca kịch, dân ca, múa rối nước, đờn ca tài tử…, còn phải nhắc đến nghệ thuật tạo hình truyền thống như vẽ, in tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tạc tượng nhà mồ Tây Nguyên… Ngay cả nhiều nghề thủ công truyền thống cũng bao hàm các yếu tố nghệ thuật.

Việc xây dựng, đợi chỉnh sửa, thông qua đề án, chắc sẽ chiếm một thời gian dài trước khi triển khai. Hiệu quả tuyên truyền, bảo tồn, phát triển của đề án tương lai này, phụ thuộc rất nhiều vào khả năng bao quát thực tế cũng như gợi mở những ý tưởng cho việc thực thi từng biện pháp cụ thể của đề án sau này.

 “Một mình một chợ”

Ví dụ, theo chủ trương, Cục NTBD là đơn vị xây dựng và thực hiện đề án. Trong công việc này, rất cần huy động được những nguồn lực chuyên môn để đảm bảo hiệu quả tư vấn, đề xuất xây dựng giải pháp thực hiện. Mặt khác, về chức năng, Cục NTBD tập trung vào quản lý nhà nước đối với hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp. Trong khi NBDTT không chỉ tồn tại ở các nhà hát, đoàn nghệ thuật trung ương và địa phương, mà nó vẫn được nuôi dưỡng trong đời sống cộng đồng, dù nhiều khi khá nhọc nhằn. Vì vậy, trong việc định hướng và xây dựng các giải pháp cho tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn, phát triển NTBDTT, đề án nên đặt trên tinh thần chú trọng kết nối, phối hợp giữa Cục NTBD với các cơ quan chuyên môn, tổ chức nghề nghiệp như Viện âm nhạc của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, Viện nghiên cứu SK&ĐA của Trường ĐH SK&ĐA Hà Nội, Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, các trung tâm nghiên cứu, phát triển NTBDTT, và cả lực lượng cá nhân các nhà nghiên cứu, chuyên gia uy tín…

Một số nghệ sĩ xẩm trẻ tuổi biểu diễn chỉ với mục đích cơ bản là quảng bá, giới thiệu nghệ thuật xẩm đến công chúng

Đây là nền tảng hợp tác cho việc bám sát đời sống NTBDTT trong xã hội chứ không chỉ trên sân khấu các đơn vị chuyên nghiệp. Cùng với đó sẽ nâng cao tính thiết thực cho các giải pháp cần thiết của đề án như: Tăng cường bổ sung, nâng cấp cho các bảo tàng âm nhạc, bảo tàng sân khấu; xây dựng các ngân hàng dữ liệu về cổ nhạc, dân ca, múa cổ, diễn xướng dân gian, sân khấu truyền thống…; đồng thời quảng bá và phân bổ rộng rãi nguồn dữ liệu này.

Cũng như vậy, những năm qua, Hội văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu cho hàng trăm nghệ nhân, trong đó có nhiều nghệ nhân NTBDTT. Tuy nhiên việc phong tặng này mới chỉ có danh mà hầu như chưa có “thực”. Trong khi việc xây dựng chế độ phong tặng và đãi ngộ nghệ nhân được Cục di sản văn hóa “nâng lên đặt xuống”, xây dựng mãi chưa xong. Cần coi thành quả phong tặng của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam như một nguồn dữ liệu hữu ích để tiếp tục quảng bá, tuyên truyền, và huy động các nguồn lực xã hội để đãi ngộ, tôn vinh và tiếp tục tranh thủ khai thác vốn cổ từ các nghệ nhân, phục vụ công tác bảo tồn.

Quan tâm đến nghệ nhân

Lâu nay, nguồn lực xã hội hóa dành cho NTBDTT còn nhiều hạn chế. NTBDTT ít nhận được các nguồn đầu tư, tài trợ có tính chất tư nhân để sưu tầm, nghiên cứu, dàn dựng, biểu diễn… Có lẽ, chưa kể sự ít quan tâm đến lĩnh vực này, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp còn khó nhận thấy tiềm năng thu lợi nhuận về tiền bạc hay uy tín hoặc khả năng quảng bá thương hiệu khi đầu tư vào đây. Bởi vậy, đề án ngoài việc chủ trương kêu gọi xã hội đóng góp, hỗ trợ cho NTBDTT, nên đưa ra những hình thức khuyến khích. Ví dụ như kiến nghị với nhà nước có những mức độ miễn, giảm thuế hay ưu đãi về thưởng thức NTBDTT, dành cho các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tham gia đầu tư cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống, bảo trợ hay tài trợ cho các đơn vị, nhóm, CLB hay cá nhân nghệ sĩ NTBDTT. Trong đó, khuyến khích cả những trường hợp tích cực giúp đỡ, chăm sóc cho các nghệ sĩ có tài năng, có thành tựu được ghi nhận nhưng gặp hoàn cảnh nghèo khó, neo đơn, đau ốm…

Đề án cần quan tâm hơn đến việc huy động các nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động sưu tầm, bảo tồn, biểu diễn của các đơn vị, nhóm, CLB, cá nhân nghệ sĩ ngoài công lập. Hiện có nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ sinh hoạt nghề nghiệp, hoạt động tự do như nhóm ca trù Kim Đức, CLB ca trù Hà Nội – Hà Nội, CLB quan họ Đặng Xá – Bắc Ninh, hoặc có hội chủ quản nhưng hầu như vẫn tự túc toàn bộ, như “gánh xẩm” Thao Giang (tức Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam thuộc Hội nhạc sĩ Việt Nam), Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam (thuộc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc Việt Nam)…, hay các phường rối nước ở miền Bắc, các phường Xoan ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, các CLB dân ca bài chòi ở duyên hải Nam Trung bộ và nhiều các địa chỉ khác đang nuôi giữ niềm say mê, nâng niu vốn cổ.

Thiếu sự hỗ trợ của xã hội, chèo Chải hê ở thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh rất dễ bị lãng quên

Nghệ sĩ của các đơn vị tuồng, chèo, dân ca, kịch hát… trực thuộc Bộ hay các Sở VHTT&DL thì có lương, có kinh phí đầu tư dựng vở, tiết mục, có chỉ tiêu và thù lao biểu diễn, tuy rằng vẫn còn nhiều thiệt thòi. Còn lực lượng tư nhân, tự túc kể trên thì hầu như chỉ có niềm đam mê và lấy tâm huyết, thậm chí tự bỏ kinh phí ra để giành giật, giữ lại vốn cổ. Trong khi đó, nhà nước lại không thể đầu tư “khắp lượt”. Hơn nữa, hiện nay chính sách hỗ trợ, đãi ngộ của nhà nước cho các đối tượng này còn rất hạn chế và thiếu hụt. Để bù lấp cho những nỗ lực tự thân, họ cần nhận được nhiều hơn sự góp sức từ xã hội.

Hy vọng việc soạn dự thảo đề án của Cục NTBD sẽ có được sự cố vấn, góp ý của nhiều chuyên gia nghiên cứu NTBDTT ở các cơ quan chuyên môn trung ương và cơ quan văn hóa một số vùng, miền, địa phương. Và một số nghệ nhân, nghệ sĩ tự do, đại diện cho những người đang bảo vệ, lưu truyền một số bộ môn NTBDTT ở các vùng, miền, cũng nên được tạo cơ hội trình bày quan điểm, ý tưởng để đóng góp vào bản đề án. Rất nên để những người giữ vốn cổ nói về nguyện vọng của họ, nói về việc xã hội nên giúp đỡ và có thể giúp đỡ họ như thế nào!

Xuyên Sơn

Nguồn:
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]