Đừng mơ giấc mơ của người khác

(Giáo dục) - “Đừng theo đuổi giấc mơ của người khác mà hãy theo đuổi giấc mơ của bạn. Đừng dựa dẫm vào người khác mà hãy sống cuộc sống của chính mình”

15.6041
Tân Hiệu trưởng Đàm Quang Minh được kỳ vọng sẽ đưa trường ĐH FPT bước nhanh, mạnh và vững chãi hơn nữa trong hành trình quốc tế hóa của mình.

Đây là lần đầu tiên, vị Hiệu trưởng ĐH trẻ nhất Việt Nam chia sẻ câu chuyện của chính mình đến các tân kỹ sư, cử nhân của trường thông điệp về niềm đam mê, khát vọng đổi thay và hành trình tìm đến những thành công.

Câu hỏi về cuộc đời có bất công hay không?

Khi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng ĐH FPT, một điều thú vị tôi phát hiện ra là rất nhiều người đã tìm kiếm trên Google cụm từ “Đàm Quang Minh là con ai?”. Các bạn có thể thử trên Google điều này. Mọi người nghĩ rằng tôi chắc phải là con cháu của ai đó có quyền chức?

Thực tế thì ba tôi mất khi tôi 8 tuổi và lúc đó tôi còn chạy nhảy chơi đùa vì chưa ý thức được điều gì đang xảy đến với mình. Trước đó ba tôi đã ốm 6-7 năm do tai biến và bị liệt nửa người. Sau lần biến chứng thứ 3 thì ông đã không qua khỏi. Còn mẹ tôi là giáo viên bình thường dạy môn phụ của một trường đại học.

Khi còn nhỏ, mẹ đi vắng, ba thì ốm do đó tôi chủ yếu sống với bà ngoại và sau đó là bà nội ở một vùng quê nghèo trồng lúa.

Đến khi học phổ thông tôi may mắn thi được vào lớp chuyên toán. Tuy nhiên, thay vì được đi học thêm để luyện thi đầy đủ thì tôi phải đi làm thêm khi thì ngồi bán hàng nước, khi thì bán báo cho các mùa WorldCup. Tôi vẫn còn cảm động khi nhớ về sự giúp đỡ của các bạn bè. Chiếc xe đạp để đi học của tôi do chính các bạn bè trong lớp góp để mua.

Tuổi thơ của tôi cơ bản đã bắt đầu như vậy.

Thực sự lúc đó đã có những lúc tôi thắc mắc, sao cuộc đời lại bất công với mình như vậy. Hôm nay sau khi trải qua tất cả những điều như vậy, tôi muốn nói với các bạn rằng: “cuộc sống này vốn dĩ bất công”. Không phải ai cũng may mắn được sinh ra trong những gia đình hạnh phúc và giàu có, không phải ai cũng được sinh ra với trí tuệ thiên phú.

Các bạn phải chấp nhận điều đó!

Các bạn sẽ luôn thấy bất công quanh bạn. Khi các bạn đi làm, sẽ cũng có những sếp không như mong muốn. Công việc bế tắc hay đối mặt với một tương lai ảm đạm. Bạn có tự hỏi “sao cuộc đời lại bất công như vậy?”.

Lúc đó các bạn hãy nhìn lại chính mình, việc mình được học tập đầy đủ như thế này đã là một sự bất công với nhiều người khác không có được may mắn như bạn.

Khi đối mặt với một điều mà bạn cảm thấy là bất công, tôi nghĩ rằng than vãn và đổ lỗi không phải là một lựa chọn tốt, bạn cần tìm cách để vượt qua. Và ngay cả khi bạn may mắn, cũng đừng nghĩ bạn sẽ gặp may mắn được cả cuộc đời. Tôi chứng kiến nhiều tấm gương thành đạt to lớn, nhưng đằng sau vẻ hào nhoáng của thành công mà mọi người vẫn thấy là vô số những thất bại, những thất bại đau đớn và ý chí đứng dậy lớn lao.

Tôi cho rằng trong cuộc sống này, thất bại sẽ là chủ yếu. Điều quan trọng là các bạn cần biết đối mặt với nó để thành công. Và do đó, nếu ai cho rằng cuộc sống này là bất công và bất hạnh, thì người đó xứng đáng nhận được như vậy.

Hành trình đi tìm chính mình

Khi học ở FPT chắc các bạn luôn được nghe kể về lòng đam mê. Chỉ có lòng đam mê mới giúp các bạn vượt qua những thách thức khó khăn nhất. Nó có ma lực giống như tình yêu và có đôi chút mù quáng. Để biết được đam mê của mình, hãy sống thật với những cảm xúc của các bạn. Đừng theo đuổi giấc mơ của người khác mà hãy theo đuổi giấc mơ của bạn. Đừng dựa dẫm vào người khác mà hãy sống cuộc sống của chính mình. Hãy tự lập và sống cuộc sống của chính mình.

Tính đến nay, trường Đại học FPT đã có khoảng 2.400 sinh viên hệ đại học chính quy tốt nghiệp, trong đó 15% đang làm việc tại nước ngoài.

Tôi đã từng là học sinh chuyên toán rồi chuyên tin, khi học cấp 2 tôi rất thích vẽ và giỏi môn sinh học. Đã có lúc tôi nghĩ tôi sẽ học kiến trúc hay sẽ là nhà sinh vật học nhưng cuối cùng tôi học địa chất và làm Tiến sĩ về địa chất. Sau đó tôi quyết định chuyển hướng và bây giờ tôi làm về giáo dục. Nhưng cũng phải nói tôi gắn với việc dạy học khá sớm, lớp 10 tôi bắt đầu đi làm gia sư để kiếm tiền, vào đại học tôi làm chủ một CLB gia sư danh tiếng với nhiều gia sư có giải quốc gia, quốc tế. Sự đam mê đó không phải dễ dàng nhận ra mà là một hành trình dài tìm kiếm.

Một hành trình đôi khi bạn không biết trước đích đến mà chỉ đi theo sự mách bảo của con tim và dũng cảm tiến bước. Vì vậy những bạn trẻ đang bước những bước đi đầu tiên vào cuộc sống, hãy sống hết mình và luôn tự hỏi cuộc sống đích thực mà mình mong muốn là gì? Đừng hời hợt và vô trách nhiệm với tương lai của mình, hãy sống có trách nhiệm vì thời gian không biết chờ đợi.

Điều cuối cùng tôi muốn nói về sự đổi thay

Chúng ta đang sống trong một cuộc sống với vô vàn đổi thay, đổi thay từng ngày. Máy vi tính mới phổ biến ở Việt Nam 20 năm, Internet là 15 năm, điện thoại di động bùng bổ khoảng 10 năm và Facebook phổ biến ở Việt Nam mới chỉ 5 năm. Nhưng hôm nay, tất cả những điều trên đã là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Cuộc sống của các bạn sẽ là tương lai 10, 20, 30 năm tới. Điều gì diễn ra chúng ta không biết trước được nhưng chúng ta phải sẵn sàng với nó.

Khi chúng tôi lớn lên, những kiến thức về CNTT có được chủ yếu do tự học, tự mày mò. Đơn giản vì trước đó không có ngành này để học. Với các bạn cũng sẽ tương tự, những điều các bạn học được ở trường ngày hôm nay rồi sẽ nhanh chóng lạc hậu. Đó là một thực tế.

Với các bạn học về kinh doanh cũng vậy. Những khái niệm về Digital Marketing hay cách thức làm kinh doanh như nền kinh tế chia sẻ đã hoàn toàn thay đổi và các thầy cô hoàn toàn phải tự cập nhật những kiến thức này.

Thay đổi đã là một phần tất yếu trong cuộc sống này và bạn cần thích nghi với nó. Theo kịp và tận hưởng những gì cuộc cách mạng công nghệ mang lại sẽ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc và tự tin hơn.

Cuối tháng 2, tôi sẽ có một phát biểu tại Hội nghị về Đối thoại giáo dục toàn cầu. Chủ đề bài nói của tôi là về cần định nghĩa lại khái niệm đại học. Trường đại học với những thư viện khổng lồ đã và đang không còn vị thế độc tôn của nó trong việc cung cấp tri thức. Thật thú vị là cách đây 2 ngày, tại Davos, Hiệu trưởng ĐH Harvard cũng nói về chủ đề này.

Chúng tôi những người làm giáo dục đại học cũng phải đối mặt với sự thay đổi vì nền giáo dục đại học chắc chắn sẽ thay đổi trong thời gian tới.

Không một ai, không một ngành nghề nào trong thời đại này không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi này từ tài chính, ngân hàng, trường học đến cả những lái xe taxi.

Sự thay đổi sẽ mang lại cơ hội cho những người nhanh nhạy và sẽ là thảm họa cho những tổ chức chậm tiến.

Và hôm nay các bạn hãy bắt đầu hành trình đi tìm chính mình và sẵn sàng đón nhận những cơ hội dành cho mình một cách tích cực nhất.

Đối với chúng tôi những người đi cạnh các bạn suốt thời gian qua, TS.Lê Trường Tùng, TS.Trần Ngọc Tuấn, TS.Nguyễn Hồng Phương và các thầy cô, cán bộ, được chứng kiến các thành công của các bạn là điều hạnh phúc nhất của những người làm giáo dục.

Hôm nay là ngày của các bạn, các bạn hãy dành cho chính mình, gia đình và bạn bè để cùng vui vẻ và ghi nhớ khoảnh khắc này. Tôi tin rằng những người đã đi hết chặng đường đầy khó khăn và thách thức tại ĐH FPT chắc chắn là những người rất xứng đáng để thành công. Các bạn xứng đáng với thành quả đó…

TS.Đàm Quang Minh sinh năm 1979, được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng ĐH FPT từ 26/9/2014. Ông là một Tiến sĩ trẻ có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực giáo dục cao đẳng, đại học và hợp tác quốc tế. 
Thời gian công tác tại FPT, ông Minh đã tham gia thành lập và xây dựng FPT Polytechnic thành một trong những cơ sở đào tạo cao đẳng nghề chất lượng cao thành công của Việt Nam. Ông cũng góp phần quan trọng trong hành trình quốc tế hóa của ĐH FPT với việc tham gia thành lập các đơn vị liên kết quốc tế như FPT-Greenwich hay Viện Đào tạo quốc tế FPT với hàng ngàn sinh viên theo học. 
Trước khi được giao đảm trách cương vị Hiệu trưởng ĐH FPT, ông Minh từng là GĐ FPT Polytechnic Việt Nam, Viện phó Viện Đào tạo quốc tế FPT, GĐ Chương trình liên kết quốc tế FPT-Greenwich, Trợ lý cao cấp cho Chủ tịch FPT, Phó Chủ tịch kiêm GĐ điều hành Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE), GĐ Văn phòng đại diện Công ty Moskito-GIS (CHLB Đức), giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội.

Theo ICT New

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]