'Đừng phượt tự sát' - lời khuyên của phượt thủ 8x

Dù đã gần một tháng trôi qua nhưng câu chuyện về chàng trai gốc Phú Thọ vượt qua quãng đường gần 2.000km trên hành trình về quê ăn Tết vẫn còn được cộng động mạng liên tục nhắc đến.

15.6033

Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, một chàng trai trẻ tên Nguyễn Quốc Toản đã gây bất ngờ khi quyết định về quê ăn Tết bằng xe máy, vượt quãng đường gần 2.000km.

Trong chuyến đi dài 6 ngày, Quốc Toản đã tiêu hết 1,8 triệu đồng và cán đích an toàn vào đúng 22h đêm 29 Tết - cách giao thừa vẻn vẹn 2 tiếng đồng hồ.

Hãy cùng lắng nghe những tâm sự của Quốc Toản về hành trình đáng nhớ này, cũng như những quan điểm của anh chàng về 'chủ nghĩa xê dịch'.

Đi xe máy về quê ăn Tết vì…khỉ

Nguyễn Quốc Toản (SN 1989, Phú Thọ) hiện đang làm việc tại Biên Hòa, Đồng Nai.

Quốc Toản chia sẻ, với bản tính thích xê dịch của mình, anh chàng đã lăn lộn qua rất nhiều công việc, nghề nghiệp khác nhau khi đặt chân đến miền Nam và bén duyên với sở thích đi phượt.

Toản quyết định di chuyển về quê ăn Tết vào ngày 23/12 (âm lịch) và dự định hoàn thành quãng đường từ Đồng Nai về Phú Thọ trong vòng 5 ngày, tức là sẽ có mặt tại nhà lúc ngày 28 Tết.

Tuy nhiên, trên đường xảy ra khá nhiều chuyện nên anh chàng về đến nhà lúc 10h đêm ngày 29 Tết, khi chỉ còn 2 tiếng nữa là đến giao thừa.

Chia sẻ về lý do về quê bằng xe máy với chuyến hành trình gấp gáp dài gần 2.000km, Toản cho biết: 'Mình có chú khỉ cưng tên Pu, muốn mang bé ấy về ăn Tết cùng nhưng tàu không nhận, xe khách cũng không nhận luôn.

Mặc dù mình đã đăng kí giấy tờ, điều kiện nuôi nhốt và tiêm phòng đầy đủ cho Pu nhưng tàu và xe khách đều lắc đầu từ chối chở.

Lúc đó, mình có ý nghĩ sẽ bán Pu đi, phần vì không có tàu xe nào chịu chở, phần vì không dám đi xe máy về, vì không còn nhiều thời gian và rất nguy hiểm.

Nhưng lại thấy tội tội, cho hay bán thì người ta có chăm nó cẩn thận không hay sẽ bị bán đi nấu cao? Cuối cùng mình quyết định không bán'.

Sau 1 tuần suy nghĩ với trăn trở đó, Toản đi đến một quyết định táo bạo: Đi xe máy về quê, trong 6 ngày phải làm sao kịp về đón giao thừa cùng gia đình.

Tuy nhiên, Toản không dám thông báo cho bố mẹ việc mình sẽ đi xe máy về quê, nhưng anh chị em họ đều biết do những hình ảnh của anh chàng được chia sẻ mạnh trên mạng xã hội, nên ra sức ngăn cản.

Khi ra đến Huế thì mẹ anh chàng mới phát hiện ra vụ việc và gọi điện. 'Mẹ gọi hai cuộc điện thoại, cuộc đầu tiên là chửi mắng, nhưng ngay sau đó là cuộc thứ hai hỏi thăm đi đến đâu rồi, có thiếu tiền không, có đói không? Mình xúc động lắm'.

Chú khỉ này chính là lý do khiến Quốc Toản quyết định về quê ăn Tết bằng xe máy.

Trước khi đi, Toản cẩn thận kiểm tra gió xăng, điện đề, nổ lên nghe xe có tiếng động lạ gì không... Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, cứ mỗi 500km Toản lại kiểm tra bulong, ốc vít, dầu nhớt…

'Mình chia hành trình thành các đoạn nhỏ, mục tiêu 300 – 400km. Vì nếu đi và đặt mục tiêu là 2.000 km thì sẽ rất nản.

Bởi vậy mình chia đích lớn thành các đích nhỏ, coi như đó là cái đích đến tạm thời, chứ nghĩ 400km mà còn đến 1600km thì chắc chắn sẽ nản lắm'.

Toản cũng tiết lộ, hành trình anh chàng vượt qua mỗi ngày là 350 – 400km nhưng ra đến miền Bắc thì chỉ đi được 200 – 250km/ngày vì thời tiết quá lạnh.

Khó khăn khi điện thoại không có định vị GPS nên hành trình của Toản bị lỡ khá nhiều, nhiều khi quá mệt nhưng lại không tìm thấy nhà dân xin nghỉ nhờ. Nhưng may mắn là Toản nhận được nhiều sự giúp đỡ của anh em phượt thủ trên khắp cả nước.

'Trong khi miền Nam nắng ấm thì ra đến miền Bắc, thời tiết chuyển lạnh, lại mang theo chú khỉ cưng nên việc di chuyển bị hạn chế.

Đến đèo Hải Vân, thời tiết chuyển mưa lạnh, mình và Pu phải di chuyển trong mưa. Hai chiếc điện thoại mình dùng để liên hệ cũng bị ngấm mưa và hỏng. Lo cho Pu, mình phải đưa nó vào trong 2 lớp áo khoác để giữ ấm', Toản tâm sự

Sự giúp sức của người lạ và quan niệm về phượt của Quốc Toản

Với Toản, chuyến hành trình đầy kỉ niệm này không thể không nhắc đến sự giúp đỡ tận tình của những người lạ. Anh chàng đi đến tỉnh thành nào cũng được những người dân chào đón rất nồng hậu, cung cấp chỗ ngủ, hướng dẫn chỉ đường.

'Đặc điểm nhận dạng những bạn này là rất ít nói và lạnh lùng nhưng khi gặp một người khác trên đường cùng đam mê, họ có thể nói chuyện tâm sự cả ngày bỏ cả vợ con, người yêu sang 1 bên.

Thậm chí có những người lạ, khi chia tay nhau mà vẫn chưa biết tên nhau. Đã bao giờ bạn đưa một người lạ về nhà mà ở mà chưa biết người đó là ai và như thế nào chưa?

Đã bao giờ bạn chạy 40km để đón để đưa một người mà chưa biết tên? Và đã bao giờ bạn trốn việc để đưa áo ấm cho một người lạ rồi chạy đi luôn mà chưa được nghe 1 câu cảm ơn? Thứ tình cảm ấy, thực sự rất đáng quý'.

Nhờ sự giúp sức ấy, mà Toản có đủ trí lực và thể lực để nhanh chóng xốc lại tinh thần, vượt qua những quãng đường xa để trở về nhà.

Trong suốt dọc đường đi, Quốc Toản đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ người dân ở các tỉnh thành.

Anh chàng còn kể về những băn khoăn, trăn trở về hai từ 'phượt thủ'. Đối với Toản, anh đã đi phượt rất nhiều nhưng lại luôn tự gọi mình là 'người xê dịch', bởi vì hai từ 'phượt thủ' dường như đã bị sử dụng biến tướng.

'Mấy năm gần đây, đi 'Phượt' đã lan rộng và trở nên phổ biến trong giới trẻ, thậm chí có thể gọi là trào lưu.

Phượt cuốn hút các bạn trẻ bởi đây là một hình thức du lịch khám phá mạo hiểm, nhiều cảm giác mạnh, có điều kiện tìm hiểu, trải nghiệm những vùng đất mới, những phong tục mới.

Nhưng bên cạnh đó, cũng còn rất nhiều người hiểu sai lệch về 'phượt', trào lưu 'phượt' rầm rộ hiện nay có dấu hiệu của một sự khủng hoảng, rất đáng báo động', Quốc Toản nhận định.

Theo Toản, khi là một phượt thủ chính hiệu thì điều cơ bản nhất là phải chuẩn bị đầy đủ bông băng, thuốc, dụng cụ sửa xe và luôn sẵn sàng với mọi tình huống.

Quan trọng nhất là phải biết có ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn cảnh quan sạch sẽ.

'Nhiều bạn trẻ tổ chức ăn uống nấu nướng dọc đường đi, hay cắm trại, dừng chân, đốt lửa, hát hò nhảy múa…

Sau mỗi lần tụ tập như thế, rác rưởi bừa bãi làm xấu đi mỹ quan xung quanh, và vài lần như thế thì rất đáng báo động cho vấn đề môi trường. Những câu chuyện ấy khiến giới phượt thủ bị nhìn nhận tiêu cực'.

'Thậm chí có những bạn trẻ đi phượt nhưng lại không hề chuẩn bị những kỹ năng cơ bản như tìm đường, đánh giá tình huống, sửa chữa xe máy, cách sơ cứu… Điều này rất nguy hiểm và có thể khiến các bạn phải trả giá đắt'.

Kết thúc cuộc trò chuyện, Toản nhắn nhủ với các bạn trẻ hãy biết đi phượt đúng cách chứ đừng 'phượt tự sát', đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình trước khi trải nghiệm những vùng đất mới.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]