Dùng thuốc chống trầm cảm trong điều trị hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) là một rối loạn tiêu hóa chức năng, gây không ít khó chịu tới cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người bệnh.

15.6023
Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) là một rối loạn tiêu hóa chức năng, gây không ít khó chịu tới cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Tuy nhiên, do bệnh không có tổn thương thực thể nên việc điều trị không có thuốc đặc hiệu và thường phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau, tùy theo triệu chứng của bệnh. Trong đó, ở một số người bệnh cần phải dùng tới thuốc chống trầm cảm. Trong nhóm thuốc này, hai loại thuốc là imipramine và amitriptylin được tập trung nghiên cứu, bởi thuốc có tác dụng giảm đau nội tạng bằng cách tăng ngưỡng chịu đau ở ruột. Thuốc kéo dài thời gian thức ăn di chuyển từ dạ dày đến manh tràng, giảm đau bụng, giảm tiêu chất nhày, giảm số lần đi tiêu và tăng chất lượng sống. Hiệu quả ở liều thấp hơn liều chống trầm cảm cho thấy thuốc tác động theo một cơ chế độc lập khác.

Tác dụng phụ hay gặp nhất của imipramine là nhịp tim nhanh, mờ mắt, khó tiểu, khô miệng, táo bón, sút cân, hạ huyết áp tư thế đứng. Hiếm khi gặp phát ban, co giật và viêm gan. Imipramine cũng có thể làm tǎng nhãn áp ở một số bệnh nhân tǎng nhãn áp. Quá liều imipramine gây loạn nhịp, đe dọa tính mạng hoặc co giật. Sau khi dùng liều cao, kéo dài ngừng thuốc đột ngột có thể gây các triệu chứng như buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Vì vậy, cần phải giảm liều từ từ nếu cần ngừng thuốc.

Imipramine làm tăng độc tính của các thuốc nhái giao cảm, như isoproterenol và epinephrine bằng cách cộng hưởng tác dụng và ức chế tác động hạ huyết áp của clonidin.

Không được dùng thuốc cho các trường hợp có tiền sử mẫn cảm; tăng nhãn áp góc hẹp, giai đoạn phục hồi sau nhồi máu cơ tim cấp tính; tránh dùng chung với MAOIs hay fluoxetine, hoặc ở những bệnh nhân đã dùng 2 loại thuốc này 2 tuần trước đó.

Thận trọng: Có nguy cơ đối với thai trong các nghiên cứu ở động vật nhưng chưa xác nhận hoặc chưa được nghiên cứu ở người, có thể sử dụng nếu lợi ích cao hơn nguy cơ cho thai.

Thuốc làm giảm khả năng tinh thần và thể lực cần có để thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm; dùng thận trọng ở những bệnh nhân tim mạch, có các rối loạn co giật, bí tiểu, cường giáp, hoặc đang dùng thuốc điều trị tuyến giáp. Thuốc có thể gây buồn ngủ, lú lẫn, táo bón, nhịp tim nhanh, chậm dẫn truyền nhĩ thất, tụt huyết áp tư thế đứng, mờ mắt, khô miệng.

Amitriptylin: Thuốc có hiệu ứng giảm đau nội tạng bằng cách tăng ngưỡng chịu đau ở ruột. Thuốc kéo dài thời gian vận chuyển của thức ăn từ dạ dày đến manh tràng, làm giảm đau bụng, tiêu phân nhầy, giảm số lần đi tiêu, tăng chất lượng sống. Hiệu quả ở dưới liều điều trị chống trầm cảm cho thấy, thuốc tác dụng theo một cơ chế độc lập khác.

Phenobarbital có thể làm giảm tác dụng của thuốc amitriptylin. Dùng chung với thuốc ức chế hệ thống enzym CYP2D6 (như cimetidine, quinidine) có thể làm tăng nồng độ amitriptylin; amitriptylin ức chế tác dụng hạ huyết áp của guanethidine; thuốc có thể tương tác với các thuốc tuyến giáp, rượu, thuốc ức chế thần kinh trung ương, thuốc an thần và disulfiram.

Không được dùng thuốc trong các trường hợp có tiền sử mẫn cảm với thuốc; bệnh nhân đã dùng thuốc nhóm MAOI trong vòng 14 ngày trước, tiền sử động kinh, rối loạn nhịp tim, tăng nhãn áp hoặc bí tiểu.

Thận trọng: Có nguy cơ đối với thai trong các nghiên cứu ở động vật nhưng chưa được chứng minh ở người, có thể sử dụng nếu lợi ích lớn hơn nguy cơ cho thai nhi.

Dùng cẩn thận trong các rối loạn dẫn truyền tim, tiền sử cường giáp, suy thận hoặc suy gan, tránh sử dụng ở người cao tuổi; có thể gây buồn ngủ, lú lẫn, táo bón, bí tiểu, nhịp tim nhanh, chậm dẫn truyền nhĩ thất, tụt huyết áp tư thế đứng, mờ mắt, khô miệng, chóng mặt, gây rối loạn tâm thần ở bệnh nhân tâm thần phân liệt.      
 
  BS. Khanh Ngọc
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]