Dùng thuốc muối chữa viêm dạ dày?

Khi có cơn đau dạ dày, dùng natribicarbonat (quen gọi là thuốc muối) người bệnh sẽ thấy dịu hẳn. Do vậy có người thích dùng,

15.6187

thậm chí  còn dùng thường xuyên không kể liều lượng mỗi ngày nhằm dự phòng cơn đau.

 Vi khuẩn Helicobacter Pylori
Trong bệnh đau dạ dày, cơ thể  thường tiết ra nhiều dịch vị (acid chlohydric). Natribicarbonat trực tiếp tác dụng  với với acid chlohydric tạo thành muối natrichlorua, nước, khí carbonic, làm cho môi trường dạ dày bớt acid nên làm giảm cơn đau. Nhưng đây chỉ là một thuốc chữa triệu chứng tăng acid chứ không phải là thuốc chữa nguyên nhân viêm dạ dày. 

Theo quan niệm mới, viêm  dạ dày là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori. Cho nên muốn chữa  tận gốc phải dùng kháng sinh  kìm hãm, tiêu diệt vi khuẩn.

 Nếu mới bị bệnh, vi khuẩn chưa kháng thuốc thì có thể dùng phác đồ thứ nhất gồm  cặp kháng sinh clarithromycin + amoxicyllin hay  clarithromycin + metronidazol  hoặc phác đồ thứ hai  gồm cặp kháng sinh clarithromycin+ nitroimidazol hoặc phác đồ thứ ba gồm cặp kháng sinh nitroimidazol + tetracyclin hay amoxicilin+ furazolidon.

Nếu bị bệnh đã lâu, vi khuẩn đã kháng thuốc thì dùng phác đồ clarithromycin+ tinidazol.

Để chữa triệu chứng tiết acid,  thầy thuốc thường cho dùng kết hợp với các thuốc giảm tiết acid. Tùy theo từng phác đồ kháng sinh mà dùng thuốc giảm tiết acid thích hợp (omeprazol, lansoprozol, rabeprazol, ranitidin). Chúng  ức chế bơm proton giảm tiết acid,  ngăn ngừa việc tiết acid tại gốc, nếu dùng đúng liều thì việc giảm acid có mức độ thích hợp không ảnh hưởng gì đến hoạt động của dạ dày.Việc chống tiết acid này còn làm tăng hiệu lực của các kháng sinh.

Để giảm cơn đau người ta còn dùng các chất có tính keo như  như các hydroxyt nhôm. Những chất này bao che vết loét, làm cho chỗ loét không tiếp xúc với acid nên làm giảm đau.

Dùng natribicarbonat  có lợi là làm trung hòa trực tiếp acid làm giảm  nhanh cơn đau. Song đây chỉ là một loại thuốc chữa triệu chứng, không chữa nguyên nhân bệnh như các thuốc     kháng sinh nói trên. Khi dùng  nhiều, thường xuyên thì lượng acid bị giảm mạnh, cơ thể phản ứng lại bằng cách tiết acid ra nhiều hơn, do thế sẽ làm cho môi trường dạ dày càng về sau càng bị acid hơn, không có lợi. Thêm vào đó phản ứng trung hòa trực tiếp này còn tạo ra khí carbonic làm đầy hơi, khó tiêu, giống như khi ta uống nhiều nước giải khát có gaz (khí carbonic).

Trong các loại thuốc nam có các thuốc như mai mực (ô tặc cốt), vỏ hàu... Chúng chứa các loại carbonat và cũng tác dụng trực tiếp với acid chlohydric tương tự như natribicarboat. Cũng không nên dùng thường xuyên vì chúng cũng gây ra các tác hại tương tự.

Do vậy chỉ có thể dùng natribicarbonat hay các loại thuốc nam trên làm giảm cơn đau  có liều lượng, trong thời gian ngắn, không nên dùng bất kể liều lượng, thường xuyên, đặc biệt không nên dùng kéo dài như một loại thuốc dự phòng.

DS. Hồ Hạnh Lâm

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]