Dùng thuốc phòng huyết khối, nghẽn mạch như thế nào?

SKĐS - Có người cần thiết dùng thuốc phòng huyết khối - nghẽn mạch... song phải có chỉ định, theo dõi của thầy thuốc, nếu không sẽ không lợi, thậm chí nguy hiểm.

15.5953

Có người cần thiết dùng thuốc phòng huyết khối - nghẽn mạch... song phải có chỉ định, theo dõi của thầy thuốc, nếu không sẽ không lợi, thậm chí nguy hiểm.

Vì sao có huyết khối?

Mảng vữa xơ bị bong khỏi thành động mạch, bộc lộ nội mạc mạch phóng thích ra nhiều yếu tố đông máu hay nhịp tim chậm, tốc độ dòng chảy giảm làm tăng sự kết dính... thì tiểu cầu sẽ tập kết lại thành cục máu đông gọi là huyết khối (thrombosis). Huyết khối vỡ thành các cục có đường kính nhỏ hơn, gọi là cục máu đông di động. Khi di chuyển trong lòng mạch chúng gây cản trở hay tắc nghẽn dòng chảy của máu.

Nếu làm cản trở hay tắc nghẽn mạch đến tim sẽ làm tế bào cơ tim bị thiếu máu thiếu ôxy, gây cơn đau thắt ngực, nặng hơn là hủy hoại tế bào cơ tim (gọi là nhồi máu cơ tim). Nếu làm cản trở hay tắc nghẽn mạch máu ở não sẽ làm gián đoạn tạm thời việc cung cấp máu, ôxy ở một vùng nhỏ tế bào não, gây thiếu máu não thoáng qua, nặng hơn là hủy hoại một vùng lớn tế bào não (gây tai biến mạch máu não hay đột quỵ).

Không tự ý dùng thuốc phòng huyết khối.

Dùng thuốc nào để phòng?

Sau khi bị bệnh hay bị tai biến tim mạch tiên phát (đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ), người bệnh có thể bị tái hình thành huyết khối - nghẽn mạch, lặp lại các tai biến này gọi là tai biến tim mạch thứ phát. Cần dùng các thuốc ngăn sự hình thành huyết khối - nghẽn mạch, gọi là thuốc chống tập kết tiểu cầu hay thuốc kháng đông (TKĐ). Nhóm này gồm aspirin, clopidogrel, ticlopidin. Thuốc thường kê đơn dùng tại nhà, dạng uống.

Aspirin: Thromboxan-A2 đóng vai trò tập kết tiểu cầu, prostacyclin đóng vai trò ngăn ngừa tập kết tiểu cầu. Bình thường, thromboxan-A2 và prostacyclin ở thế “cân bằng động”. Khi thromboxan A-2 tăng quá mức thì sẽ tăng sự tập kết tiểu cầu tạo ra huyết khối. Aspirin vừa ức chế sự tạo thành thromboxinA-2 (qua ức chế COX-1), vừa ức chế sự tạo thành prostacyclin (qua ức chế COX-2) với mức cân đối, đảm bảo thế “cân bằng động” như bình thường, nên ngăn sự hình thành huyết khối - nghẽn mạch.

Với người đã từng bị bệnh, tai biến tim mạch tiên phát, dùng aspirin làm giảm sự tiến triển đến nặng của cơn đau thắt ngực, giảm đáng kể sự tái tắc nghẽn mạch, giảm tỷ lệ tái nhồi máu cơ tim, tỷ lệ tử vong do mạch máu và giảm tỷ lệ tử vong chung tim mạch thứ phát. Do vậy, người ta thường dùng aspirin phòng huyết khối - nghẽn mạch, dự phòng tai biến tim mạch thứ phát.

Với người chưa từng bị bệnh, tai biến tim mạch: dùng aspirin làm giảm không đáng kể tỷ lệ nhồi máu cơ tim, không giảm tỷ lệ tử vong chung tim mạch. Do đó không dùng aspirin dự phòng tai biến tim mạch tiên phát. Việc dùng này không lợi mà còn gây các tác dụng phụ. Ngoài việc gây viêm loét xuất huyết dạ dày, aspirin dùng kéo dài còn làm tăng huyết áp dẫn tới tăng nguy cơ xuất huyết não (đột quỵ do vỡ mạch máu não). Trong một số trường hợp, aspirin còn tạo ra các mạch máu mới ở võng mạc, mạch máu này sau đó bị nứt vỡ gây xuất huyết, giảm thị lực (bệnh thoái hóa hoàng điểm ẩm).

Clopidogrel: Đây là thuốc trực tiếp làm giảm sự kết dính, ngăn sự tập kết tiểu cầu, hình thành huyết khối nghẽn mạch. Hiệu lực này xuất hiện sớm hơn aspirin (vì aspirin tác động gián tiếp qua COX1, COX2). Do đó, clopidogrel được dùng cả trong cấp cứu nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Tuy nhiên, trong dự phòng tai biến tim mạch thứ phát thì chúng lại tương đương nhau về hiệu lực và độ an toàn.

Ticlopidin: Có tác dụng tương tác với thụ thể của fibrinogen (glycoprotein IIb-IIIa), ức chế sự liên kết của fibrinogen với tiểu cầu, giảm tập kết tiểu cầu, ngăn sự hình thành huyết khối - nghẽn mạch. Dùng dự phòng tai biến tim mạch thứ phát (như hai thuốc trên). Ticlopidin khó dùng hơn hai chất trên vì có nhiều tác dụng phụ: có thể gây chảy máu (với người có chấn thương, phẫu thuật hay có nguy cơ chảy máu) gây giảm bạch cầu trung tính hoặc mất bạch cầu hạt, đe dọa tính mạng.

Một vài lưu ý khi dùng thuốc

Các thuốc kháng đông gây chảy máu, không được dùng trong trường hợp chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu. Riêng trong đột quỵ, thuốc chỉ dùng trong đột quỵ do huyết khối - nghẽn mạch mà không dùng trong đột quỵ do vỡ mạch máu não (xuất huyết não). Người bệnh không biết rõ mình đột quỵ do nguyên nhân nào nên không thể tự ý dùng thuốc kháng đông.

Sự đáp ứng của thuốc kháng đông lệ thuộc vào tình trạng bệnh, cách ăn uống và việc dùng kèm các thuốc khác. Người dùng phải định kỳ đến bệnh viện theo dõi chỉ số INR (International Normalized Ratio) đánh giá nguy cơ hình thành cục máu đông. Mức INR quá thấp sẽ có nguy cơ xuất hiện cục máu đông, INR quá cao có nguy cơ xuất huyết nội. Căn cứ vào chỉ số INR, thầy thuốc sẽ chỉnh liều dùng thuốc nhằm đưa INR về ngưỡng thích hợp.

Thuốc kháng đông chỉ dùng dự phòng tai biến tim mạch thứ phát, không dùng phòng bệnh tim mạch tiên phát. Aspirin có lợi cho tim mạch lại rẻ tiền, có người tự ý dùng phòng bệnh tim mạch là không đúng, không có lợi, còn bị tác dụng phụ.

Thuốc kháng đông phải dùng theo đơn. Riêng aspirin khi dùng làm thuốc trị sốt (viên 300- 500mg) thì không cần đơn nhưng khi dùng làm thuốc kháng đông (viên 81mg) thì phải dùng theo đơn của bác sĩ.

DS. Bùi Văn Uy

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]