Đừng tốt bán, xấu ăn

Nếu muốn cho hàng Việt có được sự tin tưởng trên khắp thế giới, tốt nhất nên tạo sự tin tưởng từ chính người tiêu dùng Việt bằng quy trình, quy định, xử phạt, hay bất cứ hình thức nào có hiệu quả. Tweet

15.5865

Theo thông tin mà các báo trong nước dẫn lại đầu tuần này, có lẽ, không ít người trồng, thương lái từng méo mặt khi xuất nhãn, vải sang Trung Quốc nay đang “mở cờ trong bụng”. Với Quyết định của Bộ Nông nghiệp Mỹ, có hiệu lực thi hành từ ngày 6/10/2014, khoảng 600 tấn vải và 1.200 tấn nhãn/năm sẽ có thêm cơ hội không lâm vào thảm cảnh ùn ứ ở các cửa khẩu biên giới trên bộ với nước bạn, mà “dung dăng dung dẻ” đến với người dùng ở bên kia bán cầu. Và như vậy, lượng hoa quả thường bị dồn ứ ở các chợ khi vào chính vụ, nay có thêm “đầu ra” để giải tỏa, đồng thời cũng thêm điều kiện để “chủ động giá” với bạn hàng khác.

Hội nhập là một lợi thế to lớn để tiềm lực và giá trị Việt được nhân lên khi thị trường không chỉ bó hẹp ở trong nước. Với sản xuất nông nghiệp, Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ dân số lớn sống phụ thuộc vào cây trồng, sản phẩm có nhiều loại cây trái đặc trưng vùng nhiệt đới… thì triển vọng từ hội nhập đem lại là khá lớn. Nhưng đó không phải là việc chính nên bàn với nhãn và vải trong lúc này, khi mùa vụ đã qua từ lâu. Chuyện lớn hơn nhiều là điều kiện kèm theo trong quy định cho phép nhập khẩu các sản phẩm này vào Mỹ.

Cụ thể, vải và nhãn của Việt Nam sẽ chỉ được xuất khẩu vào Mỹ nếu đáp ứng được một số tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP): phải được trồng trên vùng đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam theo dõi; được chiếu xạ để loại bỏ ký sinh trùng; mỗi lô hàng phải kèm theo chứng chỉ của Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam, xác định sản phẩm phù hợp với quy định; tuân thủ các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Nhìn sơ bộ thì dường như quy định như trên là phù hợp. Đành rằng, những thứ ăn sống mà không qua chế biến, bỏ ngay vào mồm thì quy định về VSATTP phải chặt chẽ và bắt buộc. Nhưng quy định “cứng” mà phía Mỹ đưa ra về trách nhiệm của Cục Bảo vệ thực vật ở đây cho thấy, người tiêu dùng của đối tác muốn cơ quan chức năng Việt Nam phải thực hiện vai trò quản lý Nhà nước và chịu trách nhiệm liên đới khi sản phẩm được chào bán hay trong quá trình thực hiện hợp đồng. Vậy, ai có thể sẽ theo sát ông bà nông dân mỗi ngày để mà theo dõi, rồi chứng thực…?

Nó cũng cho thấy, phía bạn cảm nhận chất lượng sản phẩm, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định về VSATTP tại các nông trại của Việt Nam vẫn là “vùng mờ”, nên cần một cơ quan chức năng chịu trách nhiệm. Ở đây, sự chứng thực của cơ quan đó còn như một đại diện pháp lý quốc gia, chịu trách nhiệm về hình ảnh và uy tín của đất nước mình, được đính kèm với mỗi lô hàng xuất khẩu.

Nhưng nó cũng cho thấy, môi trường sản xuất, chế biến, lưu thông sản phẩm nông nghiệp nói riêng và hàng hóa nói chung ở ta về đảm bảo tiêu chí VSATTP là chưa đủ độ tin cậy. Chính vì thế, nhãn và vải để xuất khẩu sang Mỹ không thể áp dụng các quy định thông thường là chỉ cần kiểm tra chất lượng ở phía nhà nhập khẩu hoặc phía xuất khẩu. Mà đúng lẽ, một nền kinh tế thị trường như Mỹ thì điều kiện quan trọng nhất là thuận mua vừa bán, không có vai trò và tác động mang tính hành chính của cơ quan Nhà nước như nêu trên.

Nhưng quan trọng nhất, khi mà Mỹ áp dụng những quy định rất chặt chẽ nêu trên, nó cho thấy yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng của quốc gia này dường như cao hơn với người dân ở nước sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Phải chăng, để xuất khẩu nhãn và vải sang Mỹ thì Việt Nam sẽ hình thành những khu vực chuyên canh riêng phục vụ mục tiêu này. Đồng thời với quy hoạch vùng sản xuất cho phân khúc thị trường “đặc biệt” này là những chi phí tăng thêm cho các quy trình mới, sử dụng công nghệ mới? Vậy thì, phần sản lượng còn lại lớn hơn rất nhiều, trong đó phần tiêu dùng trong nước sẽ áp dụng quy định, quy trình, tiêu chuẩn… nào?

Người tiêu dùng trong nước lâu nay đã phải “nhắm mắt đưa chân” với thực phẩm trong nước. Gần như không cảm nhận thấy có bất kỳ quy trình quản lý chất lượng đáng tin cậy nào cho thực phẩm từ chân ruộng đến bàn ăn. Nay, từ những quy định nhập khẩu nhãn và vải của Mỹ, phải chăng người Việt cũng cần được bình đẳng với người dân các nước nhập khẩu sản phẩm của mình?

Điều đó phụ thuộc vào cơ quan chức năng, vào người trồng, chế biến và thương lái. Nếu muốn cho hàng Việt có được sự tin tưởng trên khắp thế giới, tốt nhất nên tạo sự tin tưởng từ chính người tiêu dùng Việt bằng quy trình, quy định, xử phạt, hay bất cứ hình thức nào có hiệu quả. Người trồng phải tuân thủ quy định VSATTP và thương lái đừng đổ thêm nước vào vải cho nặng cân chẳng hạn. Giả sử, những quả vải, quả nhãn bán ở thị trường Việt Nam cũng được Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam theo dõi, chứng thực và được chiếu xạ, kiểm tra đầy đủ các tiêu chuẩn về VSATTP thì chắc người Mỹ khi quy định điều kiện với mặt hàng này xuất khẩu sang họ đã không cần dựng lên những barie kỹ thuật nêu trên.

Và khi người Việt có thể tự tin nhai sống lá rau vừa ngắt từ ruộng, hay quả vải mới hái đầu mùa khi chim Tu hú kêu, thì thị trường Mỹ sẽ mở rộng hơn nông sản xuất khẩu từ Việt Nam, không chỉ là con số sản lượng như ước tính với vải và nhãn nêu trên.

Theo Thời báo Ngân hàng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]