Ðể hết lồi mắt sau bệnh Basedow

Rất nhiều trường hợp đã được điều trị khỏi Basedow nhưng không hết lồi mắt, thậm chí lồi mắt mới xuất hiện hoặc tiếp tục tiến triển.

31.2214
Như vậy lồi mắt không còn chỉ là triệu chứng của Basedow mà nó có sự tiến triển độc lập tương đối so với bệnh tuyến giáp.
 
Lồi mắt do bướu cổ thực chất chỉ là một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất của “Bệnh mắt liên quan tuyến giáp”. Bệnh còn có tên gọi khác là “Bệnh mắt Basedow”. Người ta thấy bệnh nhân có rối loạn hormon giáp cả về phía cường giáp và phía nhược giáp có nhiều khả năng bị bệnh mắt hơn những bệnh nhân bình giáp.

Những tổn thương mắt thường gặp liên quan tuyến giáp
 
- Lồi mắt: sự phù nề và tăng sinh của các tổ chức trong hốc mắt đẩy nhãn cầu nhô ra trước gây ra chứng này. Độ lồi của nhãn cầu được tính bằng đường chiếu từ đỉnh giác mạc xuống đường thẳng đi ngang qua bờ ngoài của hai hốc mắt và được đo bằng thước Hertel.
 
Độ lồi từ 18 - 20mm là lồi mắt mức độ nhẹ, từ 21 - 23mm là mức trung bình, trên 24mm là lồi mắt mức độ nặng hoặc nếu lồi một mắt thì độ lồi phải chênh so với mắt kia 3mm trở lên. Lồi mắt nặng làm cho mi nhắm không kín có thể dẫn tới biến chứng viêm loét giác mạc, có trường hợp phải khoét bỏ mắt.
 
- Co rút mi: dấu hiệu này thấy rất rõ ở mi trên. Bình thường, mi trên che một phần cực trên của giác mạc (tròng đen), bờ tự do của mi trên ở bên dưới đỉnh điểm của giác mạc chừng 2mm.
 
Khi bờ mi ở trên đỉnh điểm giác mạc là co rút mi đã ở mức độ 2 hoặc mức cao hơn nếu khoảng cách bờ mi - đỉnh giác mạc càng xa. Mi co rút càng làm cho người quan sát có cảm giác bệnh nhân lồi mắt nặng hơn. Co rút mi cùng với lồi mắt gây hở mi khi nhắm nhẹ và khi ngủ. Hở mi, lộ giác mạc đưa tới cảm giác cộm, khô mắt, chảy nước mắt và sợ ánh sáng.
 
- Nhìn đôi (song thị) hoặc lác: có 4 đôi cơ vận nhãn đảm bảo cho mắt liếc được các hướng. Các cơ vận nhãn này bị viêm, phù nề, phì đại và dần dần xơ hóa nhưng mức độ tổn thương mỗi cơ rất khác nhau dẫn đến chứng nhìn đôi, ban đầu nhìn đôi từng lúc và về sau nặng hơn là lác.
 
Gặp nhiều hơn là lác xuống dưới và lác vào trong. Có lác hoặc nhìn đôi là có thể nói cơ vận nhãn bị phì đại. Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định và để biết mức độ phì đại của từng cơ thì cách tốt nhất là dựa vào phim chụp cắt lớp vi tính (CT). 

- Tăng nhãn áp: sự nề phù và tăng sinh của các tổ chức trong hốc mắt sẽ ép vào nhãn cầu từ phía sau. Lực ép này vừa gây lồi mắt, vừa có thể gây tăng nhãn áp. Áp lực nội nhãn tăng lâu ngày sẽ đưa tới tổn hại thị lực, thị trường. Đo nhãn áp vì vậy là khám nghiệm không thể thiếu khi khám bệnh.

- Giảm thị lực: các cơ vận nhãn khi bị phì đại sẽ chèn ép dây thần kinh thị giác ở đoạn đỉnh hốc mắt, đây là nguyên nhân gây giảm thị lực hay gặp trong bệnh mắt liên quan tuyến giáp. Giảm thị lực còn có thể do tăng nhãn áp lâu ngày.  

Mắt bình thường                       Mắt lồi trong bệnh Basedow
 
Tiến triển bệnh mắt liên quan tuyến giáp

Ban đầu là giai đoạn viêm. Khi đó kết mạc cương tụ làm cho mắt đỏ. Trường hợp cương tụ nặng, kết mạc nề phù có khi phòi qua khe mi. Hay gặp hơn là mức cương tụ đỏ sẫm ở chỗ bám của các cơ thẳng vận nhãn, nơi cách rìa giác mạc khoảng 5 - 8mm về bốn phía trên dưới trong ngoài.
 
Ở giai đoạn sau - giai đoạn không viêm - kết mạc không còn cương tụ mà có màu trắng trong gần như bình thường. Khi đó các dấu hiệu lồi mắt, co rút mi, lác được thấy rõ ràng hơn.
 
Xác định bệnh mắt liên quan tuyến giáp có khó không?

Khoa mắt, Bệnh viện 103 đã phối hợp với chuyên khoa nội tiết triển khai nghiên cứu điều trị nội khoa có hiệu quả bệnh mắt liên quan tuyến giáp giai đoạn viêm từ những năm 90 của thế kỷ XX và lần đầu tiên trong nước đã tiến hành phẫu thuật giảm áp hốc mắt thành công vào năm 2001.

Từ đó đến nay, nhiều bệnh nhân đã được điều trị bằng phẫu thuật, cứu vãn và phục hồi được thị lực và một kết quả đi cùng không kém phần quan trọng là mắt hết lồi, có được thẩm mỹ bình thường để họ làm việc và sinh hoạt hòa nhập cùng xã hội. 
Trên lâm sàng tương đối dễ dàng với một trong các chứng lồi mắt, co rút mi, song thị xuất hiện trên bệnh nhân có bướu tuyến giáp lan tỏa nhiễm độc hoặc trước đó có bệnh tuyến giáp nhưng đã được điều trị ổn định, thậm chí bị nhược giáp.
 
Các dấu hiệu về thị lực, nhãn áp, cương tụ kết mạc… chỉ có giá trị giúp cho chẩn đoán giai đoạn và mức độ bệnh.
 
Trường hợp bệnh nhân chỉ lồi một mắt, bệnh nhân không rõ các triệu chứng của bệnh tuyến giáp là rất khó chẩn đoán xác định, cần đến các khám nghiệm chuyên biệt ở những cơ sở chuyên khoa sâu.  

Điều trị các chứng bệnh mắt liên quan tuyến giáp

Phải tùy vào mức độ của bệnh. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ: các dấu hiệu chức năng như thị lực của từng mắt còn bình thường, không có nhìn đôi, mi nhắm kín, không có dấu hiệu của viêm thì chỉ cần khám đo các chỉ tiêu như thị lực, độ lồi, nhãn áp, độ co rút mi, tình trạng vận nhãn và theo dõi mỗi 3 - 6 tháng.

Nếu bệnh ở mức độ nặng nhưng còn ở giai đoạn viêm thì cần điều trị bằng liệu pháp corticoid hoặc chiếu xạ hốc mắt. Bệnh mức độ nặng không viêm hoặc có viêm nhưng đã điều trị ổn định thì chỉ định phẫu thuật giảm áp hốc mắt.
 
Nếu bệnh nhân bị bệnh ở hai mắt thì mắt thứ hai được mổ sau mắt kia ít nhất một tháng. Sau đó khoảng 2 - 3 tháng, cả hai mắt hết lồi mới tính đến chỉ định mổ điều trị co rút cơ nâng mi trên và chỉnh lác nếu có.
 
Trường hợp có sự đe dọa tổn thương chức năng hoặc tổn thương thực thể như viêm loét giác mạc do hở mi, giảm thị lực nghiêm trọng do dây thần kinh thị giác bị chèn ép, bất kể là có viêm hay không viêm, cần tiến hành điều trị ngoại khoa sớm kết hợp chống viêm tích cực.
 
Chỉ định phẫu thuật giảm áp hốc mắt hoặc kéo dài cơ nâng mi trên vì lý do thẩm mỹ đơn thuần là điều phải hết sức cân nhắc vì sự khó khăn và nặng nề của phẫu thuật và sự tiến triển khó lường của bệnh.
 
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Đàm (Khoa Mắt, BV 103)
- Sức khỏe & Đời sống
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]