Em đảm đang, em có hạnh phúc?

Phụ nữ đảm đang có phải là phụ nữ hạnh phúc? Làm thế nào để dung hòa được hai khái niệm này?

0

Những ngày cuối năm, lượn một vòng facebook, thấy bạn bè nườm nượp viết bài tổng kết cuối năm, tôi mới giật mình tự hỏi, mình đã làm gì trong suốt một năm qua. Ngẫm lại, ngoài cái “sự nghiệp” lấy chồng, mọi thứ vẫn nguyên thế: công việc cũ, mức lương cũ, và con người, vẫn cũ xì như thế. Khi cả cái facebook của tôi như đang “ợ sữa” cùng hình ảnh đám nhóc được bạn bè cập nhật mỗi giờ mỗi phút thì cái “sự nghiệp sinh đẻ” để gia tăng áp lực cho trái đất của tôi vẫn dậm chân tại chỗ, đến mức chồng tôi (đôi lúc) sốt ruột kêu lên: “Vợ ơi, bụng vợ có… quả trứng nào không đấy?”.

Gần một năm lấy chồng, thói quen tốt nhất mà tôi hình thành được chính là khả năng bật dậy vào mỗi 6h30 phút hằng ngày, rồi thì bắt đầu xào xào nấu nấu để đúng 7h30 có được hai hộp cơm tinh tươm đặt trên bàn. Khi thấy tôi tất tả “check” vân tay mỗi sáng, chị trưởng phòng nhân sự lắc đầu bảo: “Tại em cả thôi, ai bảo… đảm đang cho lắm vào”.

Người ta hay bảo, phụ nữ muốn (giữ) hạnh phúc thì phải biết chu toàn việc nhà.  Nhưng ngày nay, cái câu “phụ nữ muốn hạnh phúc thì không nên (quá) đảm đang” có vẻ được nhiều người ưa chuộng. Còn tôi, chỉ sau một năm “chinh chiến” đã tự rút ra cho mình kinh nghiệm: là phụ nữ, muốn có hạnh phúc hay muốn giữ hạnh phúc, đầu tiên phải biết “yêu lấy bản thân” và “yêu chồng vừa đủ”. Mọi thứ còn lại, tự khắc nó sẽ được dung hòa.

Trong tất cả các công việc nhà, tôi thích nhất nấu nướng. Thích, là bởi vì chồng tôi có cái dạ dày “siêu bự”. Thích là bởi vì, anh có thể ăn mọi thứ tôi nấu với thái độ nhiệt tình và vui vẻ từ khả năng nịnh vợ thiên phú. Phần còn lại, chúng tôi sẽ chia đôi: vợ rửa chén, chồng giặt đồ, vợ lau nhà, chồng đổ rác. Tôi đồ rằng, cái câu “đàn ông không hư, đàn bà không thương” phải xuất phát từ câu “đàn ông sinh hư (bởi) đàn bà quá thương”. Vậy nên phải triệt tiêu từ đầu.

Là phụ nữ, tôi thấy ít nhiều ta cũng thiệt thòi hơn so với cánh đàn ông. Từ trong gia đình đến ngoài xã hội, dù muốn hay không, phụ nữ luôn hy sinh nhiều hơn, lo lắng nhiều hơn, vui vẻ ít hơn. Má tôi là một ví dụ. Mọi bữa ăn, má đều ăn chậm nhất. Ai hỏi thì má bảo: “Do răng má hư nên nhai chậm”. Kỳ thực, má đợi anh chị em tôi ăn xong, no đủ má mới yên tâm. Những lần tôi ham chơi, ăm chậm, má đều đợi tôi để “được” là người gác đũa cuối cùng. Má bảo con nít phải ăn nhanh, làm lẹ, ăn chậm thì… học dốt. Đèn dưới nhà bếp luôn được thắp khuya nhất, bởi má còn dọn cái này, dẹp cái kia để ngày mai thức dậy, căn nhà được sạch tinh tươm.

Dạo gần đây, tôi thường thấy cánh đàn ông than vãn rằng phụ nữ hiện đại đòi hỏi quá nhiều, không như những người phụ nữ “truyền thống” ngày xưa, không như bà, như mẹ anh ta ngày trước. Thật ra tôi thấy, thời nào ý thức đó. Một người phụ nữ hơn 8 tiếng cật lực ở công sở cũng cần được nghỉ ngơi, được yêu thương khi trở về nhà như người đàn ông. Sở dĩ họ tận tụy với gia đình, giữ lửa cho gian bếp vì họ tin (và mong) người đàn ông cùng chia sẻ điều đó với họ, và anh ta xứng đáng với sự hy sinh đó. “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” không phải là phần thưởng danh dự mà người phụ nữ mong muốn. Để làm được việc đó, họ đã phải nỗ lực rất nhiều. Vậy thì các quý ông, một lời động viên, một sự sẻ chia dành cho người phụ nữ mà mình thương yêu, hẳn không phải quá xa xỉ, phải vậy không?

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]