Nghịch lý dường như là câu khẩu hiệu của thế kỷ 21! Nhìn cảnh người người hối hả mỗi sáng thì đủ hiểu. Cơ thể nào còn có phút thảnh thơi khi phải bù đầu đối phó với chất độc từ khói xe, khói nhà máy, khói thuốc lá, với chất oxy-hóa nội sinh trong quá trình chuyển hóa thực phẩm, dược phẩm, hóa chất gia dụng? Khỏe sao được, trẻ sao nổi nếu các cơ quan có chức năng giải độc như lá gan, trái thận, khung ruột, lớp da… đua nhau ngã gục vì kiệt sức.

Khi nào ngã quân bài domino đầu tiên?

Bắt đầu với đường hô hấp. Mối liên hệ giữa ung thư phổi và khói thuốc lá thì ai cũng biết. Nhưng thử hỏi mấy ai chịu khó thỉnh thoảng ngưng hút thuốc vài ngày để hai lá phổi có dịp thở ra? Đâu cần đến giải pháp phức tạp mới mong cầm chân bệnh phổi khi thầy thuốc đã chứng minh vai trò ngừa ung thư của tiền sinh tố A và của chiến thuật tắt thuốc định kỳ để cứu nguy cho lá phổi. Ấy thế mà ung thư phổi vẫn đứng đầu trên danh sách ung bướu ác tính! Khó có thuốc nào khéo hơn... thuốc lá.

Kế đến là lá gan. Không chỉ có sức chịu đựng xuất sắc trước sức công phá liên tục của đủ loại độc chất, tế bào gan còn có khả năng hồi phục chức năng rất cao cho dù phần lớn của lá gan có bị hủy hoại vì độ cồn hay hóa chất. Riêng ở Việt Nam, gan phải bó tay quy hàng vì nhiều gia chủ tự tay ướp gan bằng… rượu đến mức xơ gan. Nếu chủ động nghỉ rượu, dù chỉ một hai lần trong tuần thì lá gan đã không kẹt cứng trong cảnh dựa lưng sát vách. Nhưng thật thất vọng khi viêm gan do rượu, rồi xơ gan, rồi ung thư gan ở nước ta vẫn là căn bệnh với tỉ lệ từ lâu vượt xa mức báo động.

Nhìn cảnh đường phố ngập nước mỗi lần mưa lớn vì cống rãnh nghẹt cứng rác rến thì hiểu ngay nỗi khổ của trái thận. Vì lúc nào, kể cả trong lúc ngủ, cũng phải đối đầu với phế phẩm nội sinh từ tiến trình biến dưỡng nên trái thận là tấm bia rất gần của độc tố. Thận có điểm tương đồng với cá. Nhờ thận lọc nước cho trong mà thận lại thiếu nước thì thận đành chịu thua vì tìm đâu phương tiện chuyển tải? Đơn giản như thế mà dường như nhiều người vẫn uống nước theo kiểu nhỏ giọt. Không lạ gì khi nhiều người rồi đến lúc đi tiểu cũng… nhỏ giọt cầm canh!

Đừng… bạc đãi với mình

Cơ thể cần lắm sự nghỉ ngơi. Dù có tham công tiếc việc hoặc đam mê những thói quen tác hại thế nào thì cơ thể bạn cũng cần được thả lỏng. Già néo thì đứt dây. Sức bền cơ thể cũng chỉ ở một mức độ nào đó.

Tự cho mình khỏe nên nhiều người cho phép mình “làm tàng” với cơ thể, kể cả trong ăn uống. Hậu quả của việc này thì khung ruột sẽ gánh chịu. Thử hỏi có mấy người nghĩ lại cho khung ruột thân thương để thỉnh thoảng nhẹ tay với thịt mỡ, món ăn sống sít, gia vị cay nồng… Mấy người chịu khó tìm đến thầy thuốc khi táo bón? Nhiều thầy thuốc phương Tây đã tán dương phương pháp rửa ruột định kỳ cho bệnh nhân béo phì, dị ứng, tiểu đường… Họ có lý. Xe nào nổ máy cho nổi nếu cứ nghẹt ống bô!

Trăm lần gần như một, hễ hỏi cơ quan nào lớn nhất trong cơ thể thì câu trả lời thường nghe vẫn là xoay quanh nội tạng có bề ngoài xôm tụ như bộ não, trái tim. Ít khi chộp được đáp án chính xác là… lớp da - cơ quan với diện tích tròm trèm 2 m2. Số người hiểu về chức năng đa dạng của lớp da không nhiều dù ai cũng đổ mồ hôi! Ngay cả cách đối xử với lớp da cũng không công bằng: Hầu như ai cũng tập trung vào da mặt trong khi không mấy người nhớ đến biện pháp vệ sinh đúng cách cho tấm da lưng - nơi phải chịu đựng cơ thể nhiều nhất nhưng lại vừa trái tay, vừa khó thấy. Ung thư da, bệnh ngoài da thường xuất phát từ vị trí khuất mắt này.

Xét lại cho cùng, nguyên tắc để các cơ quan giải độc đừng sớm hết hạn sử dụng rất đơn giản. Đó là xả hơi đúng lúc. Muốn bảo vệ sức khỏe thì bí quyết lại không ở chỗ “tới luôn bác tài” mà là biết cách tạm nghỉ đúng lúc để trì hoãn thời điểm “còn chơi hết thôi”.

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG, Trung tâm Oxy cao áp TP.HCM


Video đang được xem nhiều