EURO 2008: Sự thịnh hành của sơ đồ 4-5-1

(TT&VH Online) - Cả 4 đội vào bán kết EURO 2008 đều chơi ở bán kết với sơ đồ chủ đạo là 4-5-1 với những biến thái khác nhau. Và cả 4 đội bị họ đánh bại ở tứ kết cũng sử dụng sơ đồ đó…

35.6434

4-4-2 nhường chỗ cho 4-5-1

Đội tuyển duy nhất sử dụng sơ đồ 4-4-2 ở vòng tứ kết là Tây Ban Nha, theo một phương thức khá điển hình: trước mặt 4 hậu vệ là 4 tiền vệ có phân công chức năng tương đối khác nhau, với 1 tiền vệ thiên hẳn về phòng ngự, 1 tiền vệ chú trọng vai trò tổ chức, và 2 tiền vệ cánh thiên về tấn công; phía trên nữa là 2 tiền đạo co vai trò gần tương đương nhau.

Nhưng với chấn thương của tiền đạo Villa ở giữa trận bán kết, Tây Ban Nha cũng chuyển sang sơ đồ 4-5-1, cụ thể hơn là với dạng thức 4-1-4-1, và kể từ đó, họ thể hiện một bộ mặt thuyết phục hơn hẳn.

Đội tuyển Đức cũng đã sử dụng sơ đồ 4-4-2 ở vòng bảng, nhưng thất bại tâm phục khẩu phục trước Croatia (sử dụng sơ đồ 4-5-1) ở giai đoạn này đã khiến người Đức phải thay đổi: họ bước vào tứ kết với sơ đồ 4-5-1, làm nên một chiến thắng thuyết phục trước Bồ Đào Nha.

Ngay cả trong số những đội bị loại sau vòng bảng, cũng chỉ có Thuỵ Sỹ và Thuỵ Điển sử dụng sơ đồ 4-4-2 tương đối điển hình. Toàn bộ phần còn lại sử dụng sơ đồ 4-5-1 với những biến thể khác nhau.

Biến thể 4-2-3-1 vẫn đầy sức sống, kể từ khi nó lên ngôi ở EURO 2000 (năm đó, cả 4 đội vào bán kết đều sử dụng sơ đồ này). Bồ Đào Nha, Pháp, và Đức kể từ vòng đấu loại trực tiếp đều sử dụng sơ đồ này. Nó lấy 1 tiền vệ tấn công trung tâm làm hạt nhân, phía sau là 2 tiền vệ phòng ngự, hỗ trợ ở 2 biên là các tiền vệ cánh, và phía trước là tiền đạo mũi nhọn duy nhất.

Nhưng đội hình 4-1-4-1 cũng đã tạo được những dấu ấn đáng kể ở giải đấu lần này. Bên cạnh Tây Ban Nha từ giữa trận bán kết, Croatia cũng đã rất thành công, khi chơi đầy thuyết phục ở vòng bảng, và chỉ cách vòng bán kết vài… giây. Sơ đồ này không cần người dẫn dắt lối chơi điển hình, mà tìm cảm hứng sáng tạo từ sự linh hoạt của 4 tiền vệ tấn công phía sau 1 tiền đạo duy nhất.

Đội hình 4-4-1-1 cũng có chỗ đứng, với tiếng nói điển hình nhất là Nga. Trong sơ đồ này, vai trò của tiền đạo lùi rất quan trọng, vì đó là nhân tố kết dính tuyến tiền vệ và hàng tiền đạo. Anh ta có thể là cầu thủ dẫn dắt lối chơi khi cần, nhưng vẫn phải sẵn sàng lao lên như một tiền đạo.

Từng giúp Pháp đăng quang ở World Cup 98 và giúp Milan lên ngôi ở Champions League hơn 1 năm trước, đội hình 4-3-2-1 cũng xuất hiện ở EURO lần này trong màu áo của đội tuyển Italia. Nhưng với việc mất người tổ chức từ phía sau là Pirlo, người Italia hoàn toàn mất phương hướng chơi bóng ở trận tứ kết.

Một xu hướng không chỉ ở EURO

Sơ đồ 4-5-1 thịnh hành ở EURO lần này không phải là sự khởi đầu của một trào lưu, mà có lẽ chỉ là đỉnh cao của một trào lưu rộng khắp.

Nó đang xâm chiếm hầu hết các CLB lớn ở châu Âu. Ở Premiership - vốn rất phổ biến sơ đồ 4-4-2 - đó là Chelsea, Liverpool, Arsenal, và trong rất nhiều thời điểm của mùa giải, M.U cũng sử dụng sơ đồ này. Ở Liga, đó là Real Madrid, Barcelona. Ở Serie A, đó là Roma, Milan và Juventus. Bayern Munich cũng “đua đòi” với sơ đồ này, khi bắt một tiền đạo vốn là mũi nhọn như Klose phải lùi xuống phía dưới mũi nhọn duy nhất là Toni.

Kể từ năm 2005, các CLB vô địch Champions League đều chủ yếu sử dụng sơ đồ 4-5-1 ở giải này. M.U là một ngoại lệ, nhưng họ cũng sử dụng sơ đồ đó trong trận chung kết, với mũi nhọn duy nhất là Rooney. Ngay cả Zenit cũng đăng quang UEFA Cup mùa rồi với đội hình 4-4-1-1.

Thậm chí, trào lưu 4-5-1 đã tràn sang bên kia Đại Tây Dương. Brazil sau thất bại ở World Cup 2006 đã bỏ sơ đồ 4-4-2 truyền thống để sử dụng đội hình 4-5-1 dưới triều đại Dunga. Từ trước đó, Argentina trong suốt thời Pekerman đã sử dụng sơ đồ này.

Nếu như hệ thống 4 hậu vệ phòng thủ khu vực đã được xác lập vị trí từ lâu rồi, thì việc giảm bớt vị trí ở hàng tiền đạo để tăng cường cho tuyến giữa đang ngày càng thịnh hành. Nó nói lên vai trò của khu vực giữa sân, khi mà ưu thế số lượng sẽ trợ giúp cho việc kiểm soát khu vực này: kiểm soát bóng tốt hơn khi tấn công, và phòng ngự chủ động hơn sau khi mất bóng.

Sự thịnh hành của sơ đồ 4-5-1 cũng cho thấy nó là một giải pháp hiệu quả để đối phó với việc khoảng trống trong bóng đá ngày càng ít. Vì có ít khoảng trống, nên các tiền đạo phải chơi bóng trong tư thế quay lưng lại khung thành đối phương. Sẽ tốt hơn nếu giảm số lượng vị trí phải chơi bóng một cách bị động như vậy (Roma và M.U mùa rồi có lúc chơi với sơ đồ 4-6-0, tức là không có tiền đạo thực thụ).

Sơ đồ 4-5-1 cũng giúp cho việc bố trí tuyến giữa rất linh hoạt, với vô số biến thể khác nhau, nhằm phát huy tối đa phẩm chất của các cầu thủ mà mỗi HLV có trong tay.

Hồng Ngọc

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]