Flucina không phải là thuốc chữa mọi bệnh về da

Đã sang thu rồi mà thời tiết vẫn cứ nắng nóng. Thời tiết thường 30 độ C, thậm chí có ngày vẫn lên tới 35 độ C.

15.5869

Mọi lần ban ngày chị Lan không đóng bỉm cho cu Tý, thế nhưng gần đây mỗi lần cu Tý tè là lại thức giấc, không ngủ lại nữa. Vì vậy, để cho cu Tý ngủ yên giấc nên không chỉ ban đêm mà ban ngày chị Lan cũng đóng bỉm cho con. Được ba ngày thì chị thấy vùng da ở hai bẹn của bé đỏ ửng lên. Chị tất tưởi chạy ra hiệu thuốc. Trên đường đi chị gặp bác Xuyến hàng xóm:

Khi sử dụng các loại thuốc ngoài da phải có sự hướng dẫn của thầy thuốc.

- Em đi đâu mà vội vàng thế?

- Dạ, em đi mua thuốc cho cho cu Tý.

- Cháu nó bị làm sao?

- Dạ cháu bị hăm da ạ.

- Thế đã biết mua thuốc gì bôi chưa?

- Dạ, em biết rồi. Em cứ mua cái thuốc mỡ flucina ý. Trước kia cháu lớn bị bệnh về da em đã bôi cái thuốc này rồi.

- Thế khỏi phải ra hiệu thuốc, nhà chị còn cái thuốc đấy, sang chị lấy cho mang về mà dùng. Công nhận cái thuốc này tốt thật, trị bách bệnh về da luôn. Ở nhà chị hễ ai bị bệnh về da cũng lấy ra bôi đấy.

Có thuốc trong tay, về đến nhà chị Lan liền bóp thuốc ra bôi ngay cho cu Tý với hy vọng là bé sẽ nhanh khỏi. Thế nhưng khi chị bôi thuốc cho con, dường như càng bôi cu Tý lại càng bị nặng hơn. Vết hăm lúc đầu chỉ đỏ, giờ còn có xu hướng lan rộng ra, đỏ nhiều lên và rơm rớm nước, chị đành mang con đi khám da liễu. Chị cho bác sĩ biết từ khi bôi cái thuốc này vào vết hăm mới trở nên thế này. Vừa nói chị vừa đưa tuýp thuốc cho bác sĩ xem. Vừa trông thấy tuýp thuốc bác sĩ giật mình và cho biết:

- Sao chị lại bôi thuốc này cho con. Flucina là loại thuốc corticosteroid. Thuốc có tác dụng rất tốt trong điều trị một số bệnh ngoài da như viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc, eczema, vẩy nến… thế nhưng lại chống chỉ định, không dùng điều trị hăm da như của bé. Ngoài ra, các bệnh trứng cá đỏ, nhiễm khuẩn da do nấm, virut (herpes, thủy đậu), viêm da do vi khuẩn cũng không được dùng thuốc này để bôi.

- Vậy mà ở chỗ em khi bị bệnh về da nào mọi người cũng mua thuốc này về bôi.

- Khi dùng không đúng bệnh, bệnh sẽ không khỏi mà còn trầm trọng hơn, khó chữa hơn. Hơn nữa thuốc lại có rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như gây teo da, rạn da, nhiễm khuẩn thứ phát, có nguy cơ tăng tác dụng phụ toàn thân và các phản ứng phụ tại chỗ nếu dùng thuốc thường xuyên, bôi trên diện rộng hoặc dùng trong thời gian dài cũng như khi điều trị các vùng dễ bị hăm hoặc băng kín chỗ bôi thuốc. Đối với trẻ em dễ bị suy giảm trục tuyến yên - dưới đồi - thượng thận (chậm lớn, không tăng cân)... Vì thế, ngay cả khi dùng đúng chỉ định rồi người ta cũng rất hạn chế dùng cho trẻ em và giữ ở liều tối thiểu cần thiết đủ đạt hiệu quả điều trị.

 


Theo Sức khỏe & Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]