Gặp lại hai anh em song sinh móc lươn, câu ếch phụ mẹ bệnh tật

GiadinhNet - Bố bỏ đi khi hai anh em song sinh Miền - Quê còn nằm trong bụng mẹ. Chưa đến 10 tuổi, trong lúc các bạn cùng trang lứa lên giường đi ngủ thì hai em Miền – Quê lại phải xách đèn đi móc lươn, câu ếch để phụ mẹ bệnh tật trang trải cuộc sống. Bây giờ gặp lại, họ đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời mình.

0

 

Miền - Quê 8 năm về trước.

 

Tuổi thơ tủi cực

Trở lại xóm Lâm Trung, xã Sơn Lâm (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) thăm cặp song sinh Võ Trọng Quê và Võ Quý Miền - nhân vật trong bài báo “Hè của những học trò quê” đăng trên Báo GĐ&XH 8 năm trước. Hai chú bé đen nhẻm với tuổi thơ khốn khó giờ đã thành những thanh niên điển trai, khỏe mạnh và có công việc ổn định.

Đón chúng tôi là một thiếu phụ tầm 50 tuổi bế trên tay bé gái khoảng 1 tuổi bụ bẫm xinh xắn, bên ngôi nhà ngói vách gỗ sạch sẽ, tươm tất. Đó là bà Võ Thị Phương, mẹ của Miền – Quê, bà đon đả tiếp chuyện: “Chúng nó lớn cả rồi chú ạ. Đứa nào cũng tự mưu sinh. Miền thì làm nghề chụp ảnh bên thị trấn, Quê thì sửa xe máy tận Hà Nội. Quê lấy vợ rồi, cháu tôi đây. Vợ chồng Quê gửi con cho tôi rồi đưa nhau ra Hà Nội làm ăn. Được cái cả hai đều tu chí nên tôi mừng lắm”.

Miền và Quê là anh em song sinh, bị bố bỏ đi từ khi còn trong bụng mẹ. Nuôi nấng một đứa con đã khó khăn, đằng này bà Phương trong hoàn cảnh chồng bỏ đi, một nách hai con thì không nói hết sự cực nhọc của người mẹ. Đã thế bà Phương còn bị bệnh viêm đa khớp mãn tính hành hạ. Hai anh em lớn lên trong sự tần tảo của người mẹ bệnh tật. Chưa đến 10 tuổi, cái tuổi đáng ra chỉ biết ăn, chơi và học thì anh em Miền - Quê đã phải cày cấy, vào rừng chặt củi đem bán, bóc vỏ keo thuê, mò cua bắt ốc, câu lươn, câu cá, ai thuê gì làm nấy, miễn sao kiếm được cái ăn, cái mặc, lo thuốc thang cho mẹ.

Nhớ lại những ngày tháng đó, Võ Trọng Quê bùi ngùi: “Chặt được củi, không có trâu bò kéo, hai anh em phải vác, thế mà vẫn đem được hàng chục cân củi về bán. Nghĩ lại đến bây giờ vẫn thấy ớn”.

Bà Phương cũng âu sầu chia sẻ, vất vả vì công việc chưa hết, cảnh mẹ góa con côi người giúp thì ít mà kẻ ức hiếp thì nhiều. Khi Miền đang học lớp 7, trời nắng nóng, mấy đứa trẻ trong xóm rủ nhau vào trại ông hàng xóm tắm ao, vừa tắm xong bước lên bờ thì ông ấy phát hiện được, đánh đập hai đứa một trận rồi gí dao vào cổ, hằm hè đòi giết vì nghi hai đứa con nhà nghèo bắt trộm ốc của nhà ông. Sau lần ấy, Miền bị ốm, người nóng như lửa, mê man, ú ớ khi thì khóc thét, khi thì lảm nhảm van xin cả đêm. Hết ốm thì cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn, ngồi đâu một lúc thì mê trầm luôn, tỉnh dậy là nói lung tung, người gầy như que củi. Quá thương con, bà Phương đã phải bán nhà, bán lợn gà, mượn sổ đỏ của nhà ngoại để vay tiền ngân hàng đưa con đi hết bệnh viện địa phương đến bệnh viện Trung ương để chạy chữa. Các bác sĩ bảo Miền bị sốc nặng đột ngột nên tâm trí rối loạn – ở quê cứ gọi nôm na là tâm thần. Đợt ấy chữa được bệnh nhưng mất học. Năm đó Miền phải nghỉ học, năm sau học đúp. Gần hết lớp 9, Miền lại tái phát bệnh, hai mẹ con lại dắt díu nhau ra Hà Nội. Ở nhà còn một mình Quê gánh vác hết việc nhà, đồng áng, làm thuê, người cứ choắt lại, nên bị gọi là Quê còi.

Vượt lên số phận

 

Miền - Quê hiện tại.

 

Mặc dù hoàn cảnh quá bi đát nhưng hai anh em Miền – Quê luôn vâng lời mẹ và thương nhau hết mực, bảo ban lo lắng việc đồng áng, kiếm tiền… và đã vượt khó học hết lớp 12.

Võ Trọng Quê tốt nghiệp lớp 12 trước Miền một năm, rồi thi đậu vào Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình. Nhưng nghĩ về cảnh gia đình quá khó khăn, cậu không đi học tiếp mà khăn gói ra Hà Nội kiếm việc làm thuê. Những năm đầu ra Hà Nội, Quê lăn lộn làm hết nơi này tới nơi khác với mục đích chính là kiếm nhiều tiền gửi về quê đỡ đần mẹ và anh, nhưng không ăn thua. Nhân duyên thế nào mà đưa đẩy cậu xin vào vừa học vừa làm cho cơ sở sửa chữa và cho thuê xe mô tô phân khối lớn Phung Motorbike (ở số 13, Ngõ Huyện, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau một năm học việc, nay Quê đã trở thành thợ chính thức và có mức lương trên 6 triệu đồng/tháng và quyết chọn con đường lập nghiệp này.

Võ Trọng Quê vui vẻ khoe đã lập gia đình. Vợ Quê làm cho công ty nước ngoài, rất đồng cảm với gia cảnh của chồng. Mới bắt đầu khởi nghiệp nên cả hai vất vả, phải gửi con cho bà nội ở quê để vợ chồng đi làm rồi dành dụm gửi lương về quê phụ bà nuôi cháu. “Nhưng em tin là bọn em sẽ ngày càng khá lên”, Võ Trọng Quê tự tin tâm sự vậy.

Còn Võ Quý Miền vốn mê nghề ảnh từ nhỏ, nên bỏ bút là theo học nghề ảnh ngay. Một phần học, một phần thừa kế kinh nghiệm từ người cậu ruột chụp ảnh bán chuyên nghiệp. Đặc biệt, Miền gặp được thầy Sỹ Hà đã tận tâm chỉ dạy. Miền đã học gần như tất cả những gì về nghề ảnh: Chụp ảnh, quay phim, photoshop… và học khá nhanh, chỉ sau 6 tháng là tiếp cận gần hết những kiến thức cơ bản và bắt đầu hành nghề, được thầy nhận làm, trả lương. Làm cho thầy được một năm, Miền lang thang vào TP Hà Tĩnh, ra cả Hà Nội học. Cứ ở đâu có hiệu ảnh nổi tiếng là Miền xin đến làm không lương để tích cóp kinh nghiệm, nâng cao tay nghề.

Khi Miền đang làm cùng một anh bạn ở Kỳ Anh thì hay tin thầy mất. Miền về lo hậu sự cho thầy thì vợ thầy Sỹ Hà thiết tha mời Miền ở lại để duy trì cửa hiệu ảnh và thực hiện những di nguyện của thầy. Lúc ấy cửa hiệu ở Kỳ Anh đang ăn nên làm ra, nhưng trước ân nghĩa với gia đình thầy, Miền đã không thể khước từ. Cậu khăn gói trở về, tu sửa lại cửa hiệu, lấy tên thương hiệu Hương Trang. Từ ngày kế nhiệm hiệu ảnh, Miền mang về một không khí mới tươi trẻ và sôi động hơn nên khách cũ trở lại, khách mới tìm đến. Thu nhập của cậu vì thế cũng tạm ổn.

 

Ông Nguyễn Dung, Trưởng thôn Lâm Trung cho hay: “Hiếm gia đình nào có hai người con như chị Phương. Nhà nghèo khổ, ốm đau bệnh tật thế nhưng hai con ngoan và chịu thương chịu khó hết mực, làm việc nhà không nói, nhưng rảnh ra là giúp đỡ ông già, bà lão neo đơn. Làng có bà cụ Lý già cả, không chồng con, lúc ốm đau, hai cháu Miền - Quê đều lo cơm nước, thuốc thang giúp. Cháu Phan Văn Đức, cha mất sớm, mẹ bỏ đi lấy người khác, một mình côi cút, hai anh em Miền - Quê đã tới nhà động viên, giúp đỡ.

Sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, thoát nghèo khó của hai anh em Miền – Quê thật đáng nể và tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho những bạn trẻ khác đang khó khăn ở quê”.

B.Thư – H.Dương/Báo Gia đình & Xã hội

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]